Tổng thống Biden: 'Mỹ không ủng hộ Israel tấn công cơ sở hạt nhân Iran'

Tổng thống Biden: 'Mỹ không ủng hộ Israel tấn công cơ sở hạt nhân Iran'
6 giờ trướcBài gốc
“Câu trả lời là không,” Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 2/10 nói với các phóng viên khi được hỏi liệu ông có ủng hộ Israel thực hiện cuộc tấn công trả đũa nhằm vào các địa điểm liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran hay không, theo Times of Israel.
Tổng thống Biden cho biết “Iran đã đi chệch hướng” khi thực hiện cuộc tấn công tên lửa đạn đạo vào Israel hôm 1/10, đồng thời tuyên bố Washington cùng các đồng minh G7 đã có cuộc điện đàm thảo luận về việc phối hợp áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với Tehran.
Tổng thống Mỹ Joe Biden trả lời các phóng viên tại căn cứ quân sự Andrews, Maryland, ngày 2/10. Ảnh: Reuters
“Chúng tôi sẽ thảo luận với Israel về những gì họ sẽ làm. Tất cả nhóm G7 đều đồng tình rằng Israel có quyền đáp trả nhưng họ nên đáp trả một cách tương xứng,” ông Biden nhấn mạnh.
Tuyên bố của Chủ nhân Nhà Trắng được đưa ra chỉ một ngày sau khi Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) phóng gần 200 tên lửa đạn đạo vào Israel. Đây là cuộc tấn công thứ hai của Iran vào các địa điểm quân sự của Israel kể từ tháng 4 năm nay, nhằm trả thù trả thù cho cái chết của thủ lĩnh tối cao Hamas Ismail Haniyeh, thủ lĩnh tối cao Hezbollah Sayyed Hassan Nasrallah và Chuẩn tướng Iran Abbas Nilforoushan – chỉ huy cấp cao của IRGC.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố rằng Iran đã “phạm sai lầm lớn” và “sẽ phải trả giá”. “Iran không hiểu được quyết tâm tự vệ và quyết tâm trả đũa kẻ thù của chúng tôi. Chúng tôi sẽ tuân thủ nguyên tắc mà chúng tôi đã đặt ra rằng bất kỳ ai tấn công chúng tôi thì chúng tôi sẽ tấn công lại họ,” ông Netanyahu nhấn mạnh.
Tổng tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) Herzi Halevi. Ảnh: IDF
Trong khi đó, Tổng tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) Herzi Halevi cảnh báo Israel sẽ đáp trả cuộc tấn công của Iran và lưu ý rằng quân đội nước này có khả năng “tiếp cận và tấn công bất kỳ địa điểm nào ở Trung Đông”. “Chúng tôi sẽ phản ứng. Chúng tôi biết cách xác định vị trí các mục tiêu quan trọng và biết cách tấn công chính xác và mạnh mẽ,” ông cảnh báo.
Các nhà phân tích quân sự đã cảnh báo rằng Israel có thể nắm bắt cơ hội này để tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran - vốn là mục tiêu mà Tel Aviv đã đe dọa từ lâu.
Trong một bài đăng trên X ngày 2/10, cựu Thủ tướng Israel Naftali Bennett đã kêu gọi một cuộc tấn công như vậy, nhấn mạnh rằng Israel phải “hành động ngay để phá hủy chương trình hạt nhân của Iran”. “Chúng tôi có lý do chính đáng. Chúng tôi có công cụ,” ông Bennett nói.
Al Jazeera dẫn lời ông Ali Vaez, Giám đốc Dự án Iran tại tổ chức nghiên cứu International Crisis Group, cho biết: “Nguy cơ Israel tấn công chương trình hạt nhân đặc biệt cao vì lá chắn phòng thủ Hezbollah của Iran đang bị đe dọa”.
Ông giải thích rằng: “Các lực lượng Mỹ đã có mặt trong khu vực để bảo vệ Israel. Đối với Israel, đây có khả năng là cơ hội ngàn năm có một để giải quyết mối đe dọa lớn mà họ nhận thấy từ Iran trong vài thập kỷ qua”.
Tên lửa được phóng từ Iran bị đánh chặn trên bầu trời Israel, ngày 1/10. Ảnh: AP
Cho đến nay, Israel chưa đưa ra bình luận chính thức về việc sẽ trả đũa Iran như thế nào và cũng chưa tiến hành bất kỳ đòn đáp trả trực tiếp nào sau cuộc không kích.
Về phía Iran, Ngoại trưởng Abbas Araqchi ngày 2/10 cho biết chiến dịch tấn công của Tehran đã kết thúc và nước này không có ý định tiếp tục. Tuy nhiên, Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Iran Mohammad Bagheri cảnh báo rằng Tehran sẽ lặp lại cuộc tấn công bằng tên lửa với “cường độ mạnh hơn” nếu Israel trả đũa vào lãnh thổ Iran.
Iran cũng đã liên lạc với Mỹ thông qua Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Tehran để truyền đi thông điệp cảnh báo rằng Washington không nên can dự vào vấn đề tại Israel.
Theo Reuters, Israel từ lâu đã coi chương trình hạt nhân của Iran là mối đe dọa hiện hữu, mặc dù Tehran khẳng định rằng họ không phát triển vũ khí hạt nhân. Các cơ sở hạt nhân của Iran trải rộng ở nhiều địa điểm, một số trong đó nằm sâu dưới lòng đất.
Năm 2015, Iran đã đạt thỏa thuận hạt nhân Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) về việc hạn chế hoạt động hạt nhân để được dỡ bỏ một phần các lệnh trừng phạt.
Tuy nhiên, thỏa thuận này đã đổ vỡ sau đó khi Mỹ rút khỏi JCPOA vào năm 2018. Kể từ đó, Iran đã mở rộng chương trình làm giàu uranium, rút ngắn “thời gian đột phá” mà họ cần để sản xuất đủ uranium cấp độ vũ khí cho một quả bom hạt nhân từ mức tối thiểu là một năm theo thỏa thuận năm 2015 xuống chỉ còn vài tuần.
Đỗ Thảo
Nguồn Mekong Asean : https://mekongasean.vn/to-ng-thong-biden-my-khong-u-ng-ho-israel-tan-cong-co-so-hat-nhan-iran-33977.html