Tổng thống Trump công du vùng Vịnh: Gaza không phải là tâm điểm, có một điều quan trọng hơn buộc phải chứng minh

Tổng thống Trump công du vùng Vịnh: Gaza không phải là tâm điểm, có một điều quan trọng hơn buộc phải chứng minh
5 giờ trướcBài gốc
Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đến thăm Saudi Arabia, Qatar và UAE từ ngày 13-16/5 để củng cố quan hệ với các quốc gia này và tìm kiếm những thỏa thuận về kinh tế. (Nguồn: Ynetnews.com)
Tồn tại một ngoại lệ?
Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ đi thăm ba quốc gia vùng Vịnh vào tuần tới trong chuyến cô du cấp cao dự kiến tập trung vào một loạt các thỏa thuận.
Ông Trump được cho là sẽ thể hiện thái độ thân thiện với các đồng minh quan trọng trong khu vực, trái ngược với một số luận điệu cứng rắn mà ông đã thể hiện với Liên minh châu Âu (EU), Ukraine và các nước khác.
Theo một quan chức của Bộ Ngoại giao Mỹ, chuyến thăm vùng Vịnh của ông chủ Nhà Trắng “rõ ràng sẽ tập trung vào các thỏa thuận trị giá nhiều tỷ USD. Chúng tôi có các thông cáo về Saudi Arabia, UAE và khả năng là cả Qatar”.
Trong một thông báo, Nhà Trắng cho biết ông Trump sẽ đến thăm Saudi Arabia, Qatar và UAE từ ngày 13-16/5 để củng cố quan hệ với các quốc gia này.
Theo cách tiếp cận chính sách mới, ông Trump đã chống lại các đồng minh và đối tác thương mại của Washington, đồng thời đảo ngược các chính sách lâu nay của Mỹ về các vấn đề quan trọng như khí hậu và cuộc xung đột ở Ukraine.
Nhưng đối với ông Trump, người đã cam kết mang lại sự thịnh vượng kinh tế cho nước Mỹ, vùng Vịnh là một khu vực có các cơ hội đầu tư kinh tế lớn.
Một số lãnh đạo doanh nghiệp cũng như người đứng đầu các công ty quốc phòng và hàng không vũ trụ lớn của Mỹ dự kiến sẽ tháp tùng ông trong chuyến công du vùng Vịnh sắp tới.
UAE đã cam kết đầu tư 1.400 tỷ USD vào Mỹ trong vòng 10 năm. Tháng trước, Reuters đưa tin, tại Saudi Arabia, điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du vùng Vịnh, ông Trump dự kiến sẽ ký kết một thỏa thuận vũ khí trị giá hơn 100 tỷ USD với quốc gia này.
Liên quan đến cuộc xung đột ở Gaza, Douglas Silliman, Chủ tịch Viện các quốc gia Arab vùng Vịnh ở Washington (Mỹ), nhận định: "Ông Trump đang chịu một số áp lực đáng kể từ công chúng Mỹ. Vì vậy, ông muốn cho người Mỹ thấy rằng ông có mối quan hệ kinh tế và chính trị tốt, và có thể cả các mối quan hệ an ninh với các quốc gia vùng Vịnh".
Gói đầu tư với Riyadh, dự kiến kéo dài hơn 4 năm, là kết quả của các cuộc đàm phán được tiến hành dưới thời chính quyền tiền nhiệm. Cựu Tổng thống Joe Biden đã cố gắng thúc đẩy thỏa thuận này như một phần của nỗ lực nhằm mở rộng Hiệp định Abraham.
Tuy nhiên, việc thiết lập quan hệ chính thức giữa Saudi Arabia và Israel đã bị đình trệ bởi cuộc xung đột tiếp diễn ở Gaza.
Một cựu quan chức trong chính quyền Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Biden cho biết: "Saudi Arabia vẫn quan tâm đến thỏa thuận bình thường hóa với Israel theo mô hình Hiệp định Abraham. Riyadh khá quyết tâm, nhưng nước này cũng nhận ra rằng họ không thể đồng ý với bất kỳ thỏa thuận nào như vậy trong khi cuộc xung đột ở Gaza vẫn tiếp diễn".
Quan chức này nói thêm rằng một khuôn khổ thỏa thuận bình thường hóa giữa Saudi Arabia và Israel đã được xây dựng.
Bài toán Gaza và nỗi lo thuế quan
Các quan chức của Phong trào Hamas tháng trước cho biết các cuộc đàm phán chuyên sâu đang được tiến hành để đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza trước thềm chuyến thăm vùng Vịnh của ông Trump. Nhưng vào ngày 5/5, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã tuyên bố một cuộc tấn công mới ở Gaza nhằm đánh bại Hamas.
Các chuyên gia ở Washington nhận định chuyến công du vùng Vịnh của ông Trump có thể không đạt được bước đột phá nào về vấn đề Gaza.
Chuyên gia Khaled Elgindy, Giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Georgetown (Mỹ) đồng thời là chuyên gia về quan hệ đối ngoại Mỹ-Trung Đông, nhận định: "Tôi không nghĩ ông Trump sẽ đến vùng Vịnh với một chương trình nghị sự ngoại giao cụ thể. Ông Trump đã không có một cách tiếp cận ngoại giao chặt chẽ đối với khu vực này kể từ khi ông nhậm chức".
Tuy nhiên, Saudi Arabia, Qatar và UAE dự kiến sẽ thảo luận với ông Trump về cuộc xung đột ở Gaza, bày tỏ hy vọng được tham gia vào quá trình tái thiết dải đất này.
Ba quốc gia vùng Vịnh này hy vọng ông Trump sẽ từ bỏ kế hoạch di dời người Palestine khỏi Gaza.
Vào đầu nhiệm kỳ đầu tiên năm 2017, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Trump cũng là đến Saudi Arabia.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, nhiều điều đã thay đổi kể từ đó cả ở Mỹ và trên khắp Trung Đông. Chuyến công du vùng Vịnh diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang tiếp diễn, Mỹ đang gia tăng áp lực đối với Iran liên quan đến chương trình hạt nhân của Tehran và các nỗ lực ngoại giao đang được thúc đẩy để chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine.
Các nhà lãnh đạo vùng Vịnh có thể sẽ tìm kiếm sự đảm bảo từ Washington rằng các cuộc đàm phán của Mỹ với Iran về chương trình hạt nhân của Tehran sẽ thành công. Saudi Arabia và một số quốc gia Arab đã hoan nghênh các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Iran do Oman làm trung gian.
Bên cạnh đó, các quốc gia vùng Vịnh có thể lạc quan về mối quan hệ tốt đẹp với Mỹ dựa trên thương mại, phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), năng lượng và đầu tư.
Nhưng họ cũng có lý do để lo ngại. Tháng trước, ông Trump đã áp mức thuế 10% đối với Saudi Arabia, Qatar và UAE, làm dấy lên lo ngại, ít nhất là trong trung hạn, rằng mức thuế đó có thể gây tổn hại đến nền kinh tế của ba quốc gia này.
Chuyên gia Silliman cho rằng các nhà lãnh đạo vùng Vịnh có thể muốn hiểu rõ hơn về tầm nhìn kinh tế của ông Trump, vì bất kỳ sự suy giảm nào trong thương mại toàn cầu đều có thể tác động bất lợi đến các quốc gia sản xuất dầu mỏ ở vùng Vịnh. Họ cũng sẽ tận dụng cơ hội để trình bày vấn đề này với ông Trump.
Chuyên gia Silliman nói thêm: "Tôi thực sự nghĩ rằng Saudi Arabia, Qatar và UAE đều muốn thể hiện mình là những quốc gia trên thế giới có mối quan hệ chặt chẽ nhất với Mỹ".
(theo The National News)
Vy Anh
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/tong-thong-trump-cong-du-vung-vinh-gaza-khong-phai-la-tam-diem-co-mot-dieu-quan-trong-hon-buoc-phai-chung-minh-313669.html