Thông tin này được UBND TP.HCM đánh giá trong Báo cáo tổng kết phong trào thi đua chỉnh trang và phát triển đô thị trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2022 - 2025.
Theo báo cáo, giai đoạn 2021 - 2025, Thành phố đặt ra chỉ tiêu bồi thường, di dời 6.500 căn nhà lụp xụp ven kênh rạch. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Thành phố mới di dời được 2.984 căn trong tổng số 6.500 căn.
Dự kiến đến hết năm 2025, Thành phố bồi thường, di dời được 5.548 căn, đạt tỷ lệ 85,35% chỉ tiêu đề ra.
TP.HCM vẫn còn gần 40.000 căn nhà lụp xụp ven kênh chưa được giải tỏa- Ảnh: Lê Toàn
Theo đánh giá của UBND TP.HCM, các dự án di dời nhà ven kênh rạch chủ yếu thực hiện từ nguồn vốn ngân sách. Tuy nhiên, do vốn ngân sách phải ưu tiên cho các dự án đã có mặt bằng sạch hoặc dự án cấp bách nên không ít dự án di dời nhà ven kênh phải tạm dừng hoặc chưa thể khởi động do chưa được bố trí vốn.
Mặc dù, Thành phố đã có chủ trương mời gọi tư nhân tham gia đầu tư nhưng các doanh nghiệp không mặn mà vì phần lớn các dự án di dời nhà ven kênh có cấu phần chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng chiếm tỷ trọng lớn.
Một rào cản khác nằm ở tính chất “phi thương mại” của các dự án này. Khác với các khu đô thị mới hay các tuyến giao thông trọng điểm có thể sinh lời từ quỹ đất sau giải tỏa, phần lớn dự án ven kênh rạch chỉ phục vụ mục tiêu cải tạo hạ tầng, bảo vệ môi trường và phục vụ cộng đồng.
Vì vậy, việc không thể mở biên chỉnh trang, không có diện tích thương mại khai thác sau di dời khiến các dự án này thiếu sức hút đối với nhà đầu tư.
Theo số liệu thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM, Thành phố hiện còn 39.600 căn nhà ven sông, kênh rạch chưa được di dời. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ hoàn tất việc di dời các căn nhà lụp xụp ven kênh, rạch với số vốn hơn 220.000 tỷ đồng.
Để thu hút được doanh nghiệp tư nhân tham gia, Thành phố dự kiến sẽ tổ chức đấu giá các quỹ đất sau giải phóng mặt bằng nhằm tạo nguồn thu cho dự án.
Theo tính toán sơ bộ, sau khi giải tỏa, các khu đất này có thể mang lại nguồn thu lên tới 164.111 tỷ đồng. Bên cạnh nguồn vốn công, Thành phố còn chủ động kêu gọi đầu tư tư nhân tham gia vào các hạng mục xây dựng nhà ở xã hội, nhà tái định cư theo hình thức đối tác công - tư (PPP).
Theo đó, nhà đầu tư có thể tham gia thiết kế, xây dựng, khai thác và cho thuê lại theo cơ chế chính sách ưu đãi do Nhà nước quy định. Cách làm này không chỉ giúp TP.HCM huy động được nguồn lực xã hội hóa, mà còn giảm áp lực lên ngân sách Nhà nước.
Lê Quân