Theo văn bản chấp thuận của UBND TP.HCM, Tập đoàn Vingroup tự cân đối kinh phí để nghiên cứu, lập hồ sơ đề xuất dự án, không sử dụng ngân sách Thành phố. Trường hợp hồ sơ đề xuất dự án không được chấp thuận thì nhà đầu tư chịu mọi rủi ro và các khoản chi phí đã thực hiện.
UBND TP.HCM đề nghị Vingroup thực hiện nghiên cứu, lập hồ sơ đề xuất dự án đảm bảo yêu cầu, chất lượng, nội dung, thành phần theo đúng quy định tại Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật số 57/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và các Nghị định hướng dẫn thi hành.
Tập đoàn Vingroup phải hoàn thành hồ sơ đề xuất dự án trình cấp có thẩm quyền trong vòng 1 năm kể từ ngày 28/4/2025.
Dự kiến tuyến metro đến Cần Giờ sẽ đi dọc tuyến đường Rừng Sác hiện nay- Ảnh: Việt Dũng
Trường hợp hồ sơ đề xuất dự án không được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận hoặc quá thời hạn 1 năm mà chưa hoàn thành thì công văn sẽ hết hiệu lực thực hiện. Tập đoàn Vingroup tự chịu mọi rủi ro và các khoản chi phí đã thực hiện.
Trong văn bản, UBND TP.HCM cũng nêu rõ, việc chấp thuận nghiên cứu, lập hồ sơ đề xuất dự án, không ràng buộc điều kiện chỉ định Tập đoàn Vingroup là nhà đầu tư thực hiện dự án.
Sau khi hoàn thành thủ tục về chủ trương đầu tư, công bố dự án và Báo cáo nghiên cứu khả thi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, Thành phố sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo đúng quy định pháp luật hiện hành.
Trước đó, Tập đoàn Vingroup có văn bản gửi UBND TP.HCM đề xuất đầu tư tuyến đường sắt đô thị kết nối từ trung tâm Thành phố đến Cần Giờ với đường đôi, khổ 1435 mm, đi trên cao với chiều dài 48,5 km.
Theo tính toán sơ bộ Dự án có tổng mức đầu tư 102.370 tỷ đồng (4,09 tỷ USD), được đề xuất thực hiện theo hình thức đối tác công tư, dạng hợp đồng Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh (Hợp đồng BOO).
Về tiến độ thực hiện, nhà đầu tư đề xuất chuẩn bị đầu tư từ năm 2025. Giai đoạn từ năm 2026 - 2028, sẽ thi công xây dựng. Dự kiến năm 2028 sẽ vận hành thử và bàn giao.
Lê Quân