Tại TP HCM, để nâng cao chất lượng sống, cộng đồng dân cư nhiều nơi đã chủ động tạo ra, nuôi dưỡng và gìn giữ không gian xanh.
Linh hoạt với hoàn cảnh
Vườn Trường Sa bên cạnh Trường Tiểu học Võ Trường Toản của quận 10 là ví dụ điển hình về biến bãi rác cũ thành công viên, vườn hoa, tiểu cảnh.
Khu vực với diện tích 72 m² này đã xuất sắc giành giải nhất hội thi Xây dựng công trình sạch - xanh - thân thiện môi trường dựa vào cộng đồng dân cư lần thứ 3 năm 2024 do Ủy ban MTTQ TP HCM phối hợp cùng Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức.
Khu vực trung tâm TP HCM không ít đường rợp bóng cây xanh .Ảnh: ÁI MY
Bà Nguyễn Ngọc Trân, một người dân, cho biết nơi đây từng thường xuyên bị tù đọng nước, là chốn sinh sôi của muỗi, tập trung của rác và bốc mùi rất khó chịu. Theo bà Trân, vườn Trường Sa mang lại nhiều ý nghĩa khi góp phần làm cho góc phố trở nên đẹp và sạch sẽ hơn.
"Sự biến đổi nơi này thành vườn hoa không chỉ nhờ vào nỗ lực từ các đơn vị mà còn từ sự chung tay đóng góp của cộng đồng, cá nhân trong khu phố" - bà Trân nhận xét.
Thực tế, nhiều công viên nhỏ "mọc lên" từ những bãi tập kết rác, ô nhiễm. Công viên nhỏ trong hẻm 1041 Trần Xuân Soạn, quận 7; công viên với hồ nước hình trái tim tại khu dân cư Vĩnh Lộc, quận Bình Tân; công viên trong hẻm 2695 Phạm Thế Hiển, quận 8 hay vườn rau hơn 1.000 m² trên đường số 13, phường Cát Lái, TP Thủ Đức... là những ví dụ sinh động tiếp theo về chất lượng sống của cộng đồng dân cư được nâng cao.
Người dân vui chơi ở công viên Bến Bạch Đằng .Ảnh: QUỐC ANH
Ở quy mô lớn hơn, nhiều công viên ven sông với không gian mở kết hợp bảo vệ môi trường như công viên Bến Bạch Đằng (quận 1), công viên dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè qua nhiều quận, công viên bờ sông Sài Gòn, công viên sáng tạo (TP Thủ Đức)... không chỉ là điểm đến giải trí mà còn giúp cải thiện cảnh quan sông nước, ngăn chặn tình trạng lấn chiếm kênh rạch.
Mỗi sáng sớm và chiều, nhiều người dân ra đi bộ, tập thể dục tạo nhịp sống năng động và thân thiện với môi trường.
Thêm sức khỏe tinh thần
Nhiều chuyên gia chung nhận định TP HCM đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ với số lượng lớn phương tiện giao thông và hoạt động sản xuất kinh doanh sôi động.
Không chỉ mang yếu tố thẩm mỹ, cây xanh còn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc cải thiện môi trường sống. Chúng giúp hấp thụ khí CO2 và các chất ô nhiễm. Tán cây còn có tác dụng giảm tiếng ồn từ giao thông - một trong những nguyên nhân gây căng thẳng tinh thần ở người dân thành phố.
Những yếu tố này có mặt trái là gây hiện tượng "đảo nhiệt đô thị" mà biểu hiện là thời tiết nóng bức kéo dài cả ngày. Ngoài ra còn là gia tăng khói bụi, ô nhiễm môi trường. Vì vậy, mảng xanh không chỉ mang yếu tố làm đẹp cho đô thị mà còn đóng vai trò quan trọng đối với thời tiết.
Theo ông Lê Đình Quyết, Trưởng Phòng Dự báo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, trong thời kỳ biến đổi khí hậu và đô thị hóa nhanh chóng, việc phát triển mảng xanh đô thị bằng cách trồng nhiều cây xanh là biện pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng sống và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Cây xanh có khả năng hạ nhiệt đô thị đáng kể. Các công viên cây xanh có thể làm giảm nhiệt độ không khí từ 2-4 độ C so với khu vực không có cây, góp phần chống lại hiệu ứng đảo nhiệt. Ngoài ra, không gian xanh còn là nơi thư giãn, rèn luyện thể chất, từ đó cải thiện sức khỏe tinh thần và thể chất cho người dân.
"TP HCM cần tiếp tục đầu tư mạnh mẽ và xây dựng chiến lược dài hạn để phát triển mảng xanh, qua đó hình thành một đô thị đáng sống, hòa hợp giữa con người với thiên nhiên, đồng thời điều hòa khí hậu" - ông Quyết nói.
Hình thành bức tranh đẹp
Theo Quyết định số 2198/2021 của UBND TP HCM, thành phố đặt chỉ tiêu giai đoạn 2020 - 2025 tăng thêm 10 ha mảng xanh công cộng, trồng mới và cải tạo 30.000 cây xanh, tăng thêm 150 ha đất công viên công cộng. Diện tích công viên công cộng trên đầu người được xác định tăng 0,65 m²/người.
Đến tháng 12-2024, kết quả ấn tượng đã tới. Theo đó, phát triển công viên công cộng được 237,51 ha (đạt 158% so với chỉ tiêu); phát triển mảng xanh công cộng được 54 ha (đạt 540%); trồng mới và cải tạo cây xanh được 42.534 cây (đạt 140%).
TP HCM hướng đến năm 2030 với chỉ tiêu đất cây xanh công cộng không dưới 1 m2/người, phát triển thêm 10 ha mảng xanh công cộng, trồng mới và cải tạo 50.000 cây xanh. Theo kế hoạch, thành phố ưu tiên xây dựng công viên tại các quận ngoại thành và khu vực có mật độ dân cư cao.
Thành phố cũng sẽ đầu tư nhiều công viên quy mô lớn, đa chức năng, hiện đại, đồng thời tận dụng quỹ đất công để giảm chi phí. Những công viên hiện hữu sẽ được nâng cấp, bổ sung tiện ích nhằm phục vụ đa dạng nhu cầu người dân.
Trong thực hiện chương trình phát triển công viên và cây xanh công cộng trên địa bàn năm 2025, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị cho hay đang triển khai 3 dự án xây dựng công viên cây xanh gồm các công viên Tân Thạnh Tây, Tân Chánh Hiệp, Thạnh Lộc trên huyện Củ Chi và quận 12. Hoàn thành 3 dự án này, hơn 7 ha công viên được bổ sung.
Đối với 4 dự án thực hiện chuẩn bị đầu tư trong năm 2025 và triển khai trong giai đoạn 2026-2030, trong đó 2 dự án đầu tư mới xây dựng công viên Gò Cát (quận Bình Tân) và xây dựng công viên Đông Thạnh (huyện Hóc Môn)... dự kiến tính đến năm 2030 sẽ bổ sung khoảng 49 ha công viên công cộng.
Để bảo đảm chỉ tiêu về phát triển công viên công cộng và chỉ tiêu cây xanh công cộng đến năm 2030 đạt không dưới 1 m2/người, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị cho biết rất cần sự quan tâm, góp ý cũng như phối hợp tích cực của các sở ngành, địa phương liên quan. Từ đó, bảo đảm chỉ tiêu chung về phát triển cây xanh cho thành phố.
(Còn tiếp)
(*) Xem Báo Người Lao Động số ra từ ngày 23-4
Sức hút từ công viên Bến Bạch Đằng
Công viên Bến Bạch Đằng còn là địa điểm tổ chức những chương trình văn hóa lớn mang dấu ấn sâu sắc trong lòng người dân thành phố.
Chị Trần Quý Kim (SN 1998, ngụ quận 1) cho hay thường xuyên ra công viên Bến Bạch Đằng để chạy bộ và luôn háo hức mỗi dịp thành phố tổ chức sự kiện văn hóa.
"Từ những dịp bắn pháo hoa như Quốc khánh 2-9, lễ 30-4 cho đến mừng năm mới, tôi đều đến Bến Bạch Đằng để thưởng ngoạn. Nơi đây là công viên ven sông, rất thoáng đãng và mát mẻ, không chỉ tôi mà cả gia đình và bạn bè cũng thích đến đây để tụ họp mỗi khi có dịp" - chị Kim bày tỏ.
Chuyển hóa hàng trăm điểm ô nhiễm
Sở Xây dựng TP HCM cho biết tính đến tháng 10-2024, tổng số cây xanh đang quản lý là 171.431.
Số lượng cây xanh tập trung phần lớn ngoài đường phố, nhất là cây loại 3, là cổ thụ, có kích thước lớn. Phần lớn cây phân loại 3 đang quản lý có tuổi đời từ 100-150 năm, phủ bóng chủ yếu tại trung tâm thành phố, nơi có mật độ dân cư và mật độ giao thông rất lớn.
Từng là điểm ô nhiễm, dọc tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè hiện nay là không gian xanh mát .Ảnh: ÁI MY
Về thực hiện Cuộc vận động "Người dân TP HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước", theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM, tính đến tháng 12-2024, cơ quan chức năng tiếp nhận và giải quyết 41.208/41.208 ý kiến phản ánh liên quan đến lĩnh vực môi trường và trật tự đô thị.
Về xử lý, đã nhắc nhở 15.501 trường hợp liên quan vệ sinh nơi công cộng, ô nhiễm môi trường; xử phạt hành chính 17.737 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, với số tiền hơn 30,4 tỉ đồng.
Thành phố đã rà soát, ghi nhận và xử lý 770/814 điểm tồn đọng rác thải, gây ô nhiễm môi trường (đạt tỉ lệ 94,5%), trong đó đã chuyển hóa 508 điểm thành khu sinh hoạt cộng đồng như công viên, vườn hoa, sân chơi thể thao...
QUỐC ANH - ÁI MY