TP. HCM: Xử lý hơn 32 ngàn người đi xe máy không đúng phần đường

TP. HCM: Xử lý hơn 32 ngàn người đi xe máy không đúng phần đường
3 giờ trướcBài gốc
Nhiều người muốn về nhà nhanh nên đi trên vỉa hè
Chia sẻ về tình trạng người điều khiển xe máy phóng lên vỉa hè trên nhiều tuyến đường của TP.HCM trong thời gian qua, tại buổi họp báo kinh tế - xã hội TP.HCM chiều 3/10, Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó Trưởng Phòng Tham mưu Công an TP.HCM cho biết, việc điều khiển phương tiện lưu thông không đúng phần đường, làn đường quy định, đi trên hè phố là hành vi nguy hiểm tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn giao thông (TNGT) cho chính người điều khiển phương tiện cùng các phương tiện khác, người đi bộ lưu thông xung quanh.
Ngoài ra còn ảnh hưởng đến hạ tầng cấu trúc vỉa hè (dễ xuống cấp, hư hỏng).
Thượng tá Lê Mạnh Hà nhìn nhận, hành vi đi trên hè phố xuất hiện chủ yếu vào khung giờ cao điểm, trong khi ý thức người tham gia giao thông vào giờ cao điểm luôn muốn di chuyển liên tục, về nhà nhanh nhất có thể, ý thức này phát sinh trong quá trình di chuyển, khi nhận thấy dòng xe kéo dài; các phát sinh trong quá trình di chuyển khó phòng tránh hơn so với các phát sinh khi bắt đầu điều khiển phương tiện.
"Khi lực lượng CSGT trực tiếp điều hòa giao thông tại các giao lộ, ưu tiên công tác giải tỏa ùn tắc giao thông (UTGT). Vì nếu càng kéo dài thời gian ùn tắc giao thông thì hành vi vi phạm đi trên hè phố càng phát sinh", Thượng tá Lê Mạnh Hà nói.
Người đi xe máy ngược chiều trên địa bàn TP.HCM.
Cũng theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, nguyên nhân khách quan khác là quỹ đất hiện tại của TP.HCM dành cho giao thông chỉ đạt tỉ lệ 12 - 13%, trong khi tiêu chuẩn cần ít nhất là 22 -26%. Vì vậy cũng phát sinh nguyên nhân, điều kiện của hành vi vi phạm đi trên hè phố.
Theo thống kê, 9 tháng đầu năm 2024, CSGT TP.HCM đã phát hiện, xử lý 32.349 trường hợp người điều khiển xe máy đi không đúng phần đường, làn đường, đi trên hè phố (chiếm 6% tổng số trường hợp phát hiện xử lý).
Kiên quyết xử lý hành vi đi ngược chiều, đi trên hè phố
Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết, thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TU ngày 6/2/2023 của Thành ủy về tiếp tục tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn TP.HCM, Công an Thành phố triển khai Kế hoạch tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông nói chung, trật tự đô thị nối riêng.
Qua đó, chỉ đạo lực lượng Công an phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với chính quyền địa phương để kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự đô thị trên địa bàn quản lý, không để xảy ra tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè gây cản trở giao thông.
Theo đó, Công an Thành phố sẽ tiếp tục thực hiện công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình nhằm kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm, các hàng quán, quán ăn, công ty…lấn chiếm lòng đường, hè phố trái phép, đặc biệt là các quán ăn mua mang đi có lưu lượng các shipper dừng chờ mua hàng lâu, ảnh hưởng giao thông trên đường.
CSGT TP.HCM tăng cường xử lý các trường hợp vi phạm giao thông trên địa bàn.
Kiên quyết xử lý đối với 2 nhóm hành vi vi phạm vào khung giờ cao điểm, là nguyên nhân chính gây TNGT và UTGT là vi phạm đi ngược chiều, đi trên hè phố.
Trong đó, đối với hành vi vi phạm đi trên hè phố, CSGT sẽ bố trí quân số nhiều hơn và quyết liệt hơn để hạn chế tiến tới xóa bỏ tình trạng này trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Công an Thành phố sẽ thường xuyên rà soát, khảo sát thực tế để tập hợp, đề xuất kiến nghị khắc phục bất cập tổ chức giao thông phù hợp với tình hình TTATGT trên địa bàn đảm trách; một số nơi đã được cơ quan chắc năng lắp đặt rào chắn ngăn việc đi xe trên vỉa hè.
Tiếp đó, đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và vận động người dân thực hiện các quy định về TTATGT, trật tự đô thị nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác quản lý trật tự đô thị và ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng môi trường văn hóa giao thông an toàn, thân thiện, phòng ngừa TNGT, UTGT trên địa bàn đảm trách.
Đặc biệt, Công an Thành phố sẽ thực hiện nghiêm tại một số khu vực trung tâm nhằm bảo đảm TTATGT trên địa bàn.
Vỉa hè (hay còn gọi là hè phố) là phần dọc theo hai bên đường, thường được lắp gạch chuyên dùng và là phần đường dành riêng cho người đi bộ. Như vậy, vỉa hè không phải là phần đường cho các phương tiện khác mà chỉ dành cho người đi bộ.
Các phương tiện khác đi trên vỉa hè đều là hành vi vi phạm luật giao thông (trừ việc đi lên vỉa hè để vào nhà).
Theo quy định tại điểm đ khoản 5 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, người điều khiển xe ô tô đi trên hè phố (trừ trường hợp điều khiển xe đi qua hè phố để vào nhà) sẽ bị phạt tiền từ 4 - 6 triệu đồng.
Điểm g khoản 3 Điều 6 Nghị định này cũng quy định, người điều khiển xe máy đi trên hè phố (trừ trường hợp điều khiển xe đi qua hè phố để vào nhà) bị phạt tiền từ 400 - 600 nghìn đồng.
Ngoài ra, người điều khiển ô tô đi trên vỉa hè còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng. Các quy định của pháp luật không cho phép phương tiện đi lên vỉa hè trong bất cứ trường hợp nào, kể cả trong trường hợp xe đông, ùn tắc giao thông... ; phương tiện chỉ được phép đi qua vỉa hè để vào nhà.
Chính vì thế, người tham gia giao thông không được điều khiển phương tiện đi lên vỉa hè để tránh bị lực lượng chức năng xử phạt cũng như để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông và mỹ quan đô thị. Bên cạnh đó, việc điều khiển phưng tiện lưu thông trên vỉa hè, lấn chiếm vỉa hè để đỗ xe… còn gây mất mỹ quan đô thị, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông đối với người đi bộ.
Kim Sáng
Nguồn Công Lý : https://congly.vn/tp-hcm-xu-ly-hon-32-ngan-nguoi-di-xe-may-khong-dung-phan-duong-453406.html