Với vai trò trung tâm kinh tế của cả nước, đầu mối xuất khẩu của khu vực phía Nam, TP. Hồ Chí Minh đã chủ động lên kế hoạch ứng phó trước thách thức thuế quan, quyết tâm giữ vững mục tiêu tăng trưởng 8,5% đã đề ra từ đầu năm.
Toàn cảnh công viên Hồ Bán Nguyệt Khu dân cư Phú Mỹ Hưng (Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN
Theo thống kê của Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, Hoa Kỳ đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của doanh nghiệp thành phố. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của TP. Hồ Chí Minh sang Hoa Kỳ đạt mức cao nhất với 7,4 tỷ USD; tốc độ tăng trưởng đạt 24,27%. Trong đó, các nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất, trên 1 tỷ USD/năm là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; hàng dệt, may; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác.
Nhóm mặt hàng giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ; túi xách, ví, va li; sản phẩm chất dẻo; phương tiện vận tải cũng có kim ngạch trên 100 triệu USD. Ở nhóm nông lâm thủy sản, TP. Hồ Chí Minh dù không có thế mạnh sản xuất nhưng là đầu mối xuất khẩu của nhiều mặt hàng như hồ tiêu, hạt điều, rau quả, thủy sản…
Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Da giày TP. Hồ Chí Minh, cho biết: Những tháng đầu năm 2025, khi đơn hàng khả quan, các doanh nghiệp đã tranh thủ nhập khẩu nguyên liệu để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu. Tuy nhiên, khi nguyên liệu vẫn còn trong kho, một số mới được lên dây chuyền thì đối diện với cú sốc lớn về thuế quan. Một số đối tác đã yêu cầu hoãn đơn hàng để chờ mức thuế cụ thể, số khác đề nghị doanh nghiệp sản xuất chịu 50% mức thuế (tương đương 23%) thì mới nhận các đơn hàng cũ, việc đặt đơn hàng mới hầu như bị “đóng băng”.
Theo ông Nguyễn Văn Khánh, việc Hoa Kỳ tạm hoãn thuế đối ứng trong 90 ngày để tiến tới đàm phán giúp doanh nghiệp giảm được một phần áp lực. Hiện nay, doanh nghiệp đang đẩy nhanh tiến độ sản xuất và giao những đơn hàng đã ký từ trước; đồng thời cũng điều chỉnh kế hoạch sản xuất các quý còn lại theo tình hình mới.
Tương tự, ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Việt Thắng Jean, Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP. Hồ Chí Minh thì cho rằng: Việc tạm hoãn áp thuế đối ứng trong 90 ngày có ý nghĩa lớn đối với ngành dệt may bởi các đơn hàng, mẫu mã mang tính mùa vụ cao. Đây sẽ là khoảng đệm quan trọng giúp doanh nghiệp giải phóng nguyên liệu và các sản phẩm sản xuất cho nửa đầu năm.
Đồng thời, định hình lại kế hoạch sản xuất, kinh doanh theo từng kịch bản kết quả đàm phán của hai Chính phủ. Minh chứng rõ nét nhất cho việc chớp thời cơ từ 90 ngày hoãn thuế là việc doanh nghiệp xuất khẩu nông sản tất bật giao hàng cho đối tác.
Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Hội đồng quản trị Phúc Sinh Group cho biết: Thời điểm Hoa Kỳ công bố mức thuế đối ứng 46% với hàng hóa Việt Nam, nhiều khách hàng, đối tác cũng bất ngờ và cho biết không kinh doanh được gì. Tuy nhiên, chỉ ít giờ sau khi Hoa Kỳ thông tin hoãn áp dụng thuế đối ứng trong 90 ngày cho 75 quốc gia; trong đó có Việt Nam, khách hàng đã liên hệ dồn dập. Những đơn hàng được ký kết trước đó với thời hạn giao xa từ 3 - 6 tháng được đối tác đề nghị giao hàng càng sớm càng tốt.
Theo ông Phan Minh Thông, Hoa Kỳ không sản xuất hạt tiêu nhưng nhu cầu tiêu dùng khá ổn định nên hàng năm vẫn nhập khẩu lượng lớn hạt tiêu từ Việt Nam và một số nước khác. Ngành hồ tiêu lạc quan sau đàm phán mức thuế đối ứng những nông sản không cạnh tranh với nông sản Hoa Kỳ sẽ có mức giá thấp hơn mặt bằng chung.
Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh cho rằng: Việc Hoa Kỳ gia hạn áp thuế đối ứng trong 90 ngày để đàm phán với Việt Nam và hơn 70 quốc gia khác cho thấy những tín hiệu lạc quan trong chiến lược đàm phán. Trong khoảng thời gian tạm hoãn thuế, các doanh nghiệp cần tận dụng ngay và duy trì các cơ hội giao thương, hợp đồng với các đối tác; không để đứt gãy dòng chảy thương mại, nhất là các mặt hàng dệt may, nông sản, rau quả có tính thời vụ cao.
Đối diện thách thức lớn và bất ngờ, song TP. Hồ Chí Minh vẫn quyết tâm giữ vững mục tiêu tăng trưởng đã đề ra từ đầu năm là 8,5%, phấn đấu tăng trưởng hai con số (10%) khi có thời cơ và điều kiện thuận lợi.
Ông Nguyễn Văn Được, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh cho biết: Là địa phương có đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế cả nước, đồng thời là đầu mối thương mại, xuất khẩu của khu vực phía Nam, TP. Hồ Chí Minh chủ động xây dựng kịch bản ứng phó và có giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp kịp thời.
Chỉ trong một tuần kể từ khi Hoa Kỳ công bố thuế đối ứng, thành phố đã yêu cầu các sở, ngành tập hợp ý kiến doanh nghiệp – đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp; đồng thời, tham vấn ý kiến chuyên gia trong nước cũng như quốc tế để có đánh giá tác động tổng quan, xây dựng các kịch bản ứng phó.
Ông Nguyễn Văn Được nhấn mạnh: Thách thức trước mắt không nhỏ nhưng TP. Hồ Chí Minh vẫn quyết tâm giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã đề ra từ đầu năm là 8,5%. Để đạt được mục tiêu đó, phụ thuộc rất lớn vào mức thuế đối ứng cuối cùng mà Chính phủ đàm phán được trong thời gian tới. Về phía thành phố sẽ thực hiện song song hai nhóm giải pháp: Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu và khơi thông các nguồn lực phát triển bền vững.
Khu đô thị phức hợp cao cấp Vinhome Central Park với trung tâm Tòa nhà Landmark 81 (cao nhất thành phố) tọa lạc ở vị trí đắc địa cạnh sông Sài Gòn và cầu Sài Gòn, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN
Cụ thể, TP. Hồ Chí Minh kết nối thường xuyên với các bộ, ngành và Chính phủ, một mặt cung cấp dữ liệu phục vụ công tác đàm phán; đồng thời, cập nhật các diễn biến đàm phán đến cộng đồng doanh nghiệp. Truyền thông kịp thời, rõ ràng những tác động và cả cơ hội để doanh nghiệp nắm bắt thông tin, an tâm sản xuất. Thành phố cũng sẽ nhanh chóng cơ cấu lại các chương trình xúc tiến thương mại, tập trung vào các thị trường trọng điểm và ưu tiên hiệu quả thực tế cho doanh nghiệp.
Thành phố cũng sẽ dồn lực đẩy mạnh đầu tư công, phát huy vai trò dẫn dắt tăng trưởng, đặc biệt là mạng lưới giao thông, hạ tầng logistics. Sở Công Thương tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ chương trình kích cầu đầu tư và tiêu dùng, mở rộng dư địa phát triển. Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP. Hồ Chí Minh (HFIC) phát huy tối đa hiệu quả chương trình hỗ trợ vốn vay cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Các sở, ngành khác tập trung tháo gỡ vướng mắc cho dự án, kịp thời đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động trong trường hợp cần thiết.
Giáo sư Nguyễn Trọng Hoài, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh nhận định: Thách thức trước mắt có thể thấy ngay và tác động nhanh đối với doanh nghiệp. Việc đàm phán với Chính phủ Hoa Kỳ nhằm đưa thuế đối ứng về mức thấp nhất, nằm trong khả năng chịu đựng của doanh nghiệp là vô cùng cần thiết. Song, thay vì chỉ chờ vào kết quả đàm phán, TP. Hồ Chí Minh vẫn có nhiều lựa chọn để cải thiện khả năng tăng trưởng bền vững hơn.
Đa dạng hóa thị trường không phải là giải pháp mới mà là chiến lược trong phát triển xuất khẩu, thời điểm này cần tích cực phát huy hơn nữa. Một động lực quan trọng khác trong tăng trưởng kinh tế chính là đầu tư công. TP. Hồ Chí Minh cần tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án, đặc biệt là công trình hạ tầng giao thông, logistics để giảm thời gian, chi phí lưu thông hàng hóa cho doanh nghiệp.
Phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong chuỗi cung ứng với các nhà đầu tư nước ngoài cũng là giải pháp cần chú trọng. Việc cải thiện nội lực không chỉ giúp thành phố thu về nhiều giá trị thực hơn trong kim ngạch xuất khẩu mà còn xóa bỏ lo ngại về mặt xuất xứ hàng hóa của Hoa Kỳ.
Cùng góc nhìn, Giáo sư Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Khi xuất khẩu gặp khó khăn, chính quyền thành phố phải thể hiện bản lĩnh, sự đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư thông qua giải pháp hỗ trợ cụ thể như: tháo gỡ nhanh những vướng mắc về mặt thủ tục hành chính, tăng mức độ tiếp cận nguồn lực về đất đai, vốn, thông tin thị trường.
Về thị trường, các khu vực Trung Đông, thị trường Hồi giáo, châu Phi còn nhiều dư địa vẫn chưa được khai thác. Nếu để doanh nghiệp tự đi tìm thị trường mới tốn rất nhiều thời gian và hiệu quả không cao. Thành phố cần hỗ trợ thông qua việc kết nối với mạng lưới thương vụ ở nước ngoài, cung cấp thông tin, tổ chức chương trình xúc tiến thương mại có quy mô phù hợp theo ngành hàng, thị trường.
Ông Phạm Bình An nhấn mạnh: Trong lúc Chính phủ đàm phán, tại thực địa, việc cần làm ngay là siết chặt thực thi quy tắc xuất xứ, xử lý nghiêm tình trạng “mượn đường xuất khẩu” của doanh nghiệp nước ngoài. Xa hơn, cần đưa giải pháp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa thành một chiến lược mới “Made by Việt Nam” thay vì “Made in Việt Nam” với TP. Hồ Chí Minh tiên phong đi đầu.
Xuân Anh/TTXVN