Bốn tổ chức chính trị - xã hội tham gia ký kết bao gồm: Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố, Hội Nông dân Thành phố, Hội Cựu chiến binh Thành phố và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Thành phố.
Lễ ký kết đánh dấu sự tiếp tục cam kết và phối hợp chặt chẽ giữa NHCSXH với các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động, tổ chức thực hiện và giám sát nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng. Qua đó, phát huy vai trò nòng cốt của 4 tổ chức chính trị - xã hội trong việc đưa chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước vào đời sống nhân dân.
Trong bối cảnh TP. Hồ Chí Minh đang triển khai mô hình chính quyền đô thị với hai cấp hành chính (thành phố và phường - xã - đặc khu), việc phối hợp đồng bộ giữa ngân hàng và các tổ chức chính trị - xã hội trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, đặc biệt tại cấp cơ sở - nơi trực tiếp quản lý các Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV).
Hơn nữa, việc kiện toàn tổ chức đã đưa nhiều cán bộ chính trị - xã hội cơ sở mới được phân công nhiệm vụ, còn thiếu kinh nghiệm trong quản lý vốn tín dụng chính sách. Do đó, lễ ký kết không chỉ mang tính thủ tục mà còn là dịp để các bên thống nhất phương hướng phối hợp, xác lập trách nhiệm chính trị - xã hội - hành chính rõ ràng, tạo động lực và nền tảng pháp lý vững chắc cho hoạt động hỗ trợ tại cơ sở.
Đại diện lãnh đạo NHCSXH Thành phố nhấn mạnh: “Tín dụng chính sách là công cụ hữu hiệu góp phần giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế bền vững. Sự phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội có vai trò then chốt, là cầu nối trực tiếp giữa ngân hàng và người dân”.
Theo báo cáo, tính đến ngày 14/7/2025, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại TP. Hồ Chí Minh đạt 23.506 tỷ đồng, trong đó hơn 22.883 tỷ đồng (chiếm 97,35%) được ủy thác qua các tổ chức hội. Toàn thành phố hiện có 8.494 Tổ TK&VV với 374.454 khách hàng còn dư nợ.
Chất lượng tín dụng tiếp tục được duy trì ở mức cao, với tỷ lệ nợ quá hạn toàn thành phố chỉ 0,28%. Đáng chú ý, phần dư nợ quá hạn do 4 tổ chức chính trị - xã hội quản lý chỉ chiếm 0,25%, cho thấy nỗ lực vượt bậc của các bên trong việc đảm bảo tính ổn định và bền vững của nguồn vốn tín dụng chính sách.
Đại diện các tổ chức chính trị - xã hội cũng bày tỏ cam kết tiếp tục đồng hành cùng NHCSXH trong quản lý vốn, đồng thời đề xuất tăng cường tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ mới, hỗ trợ sâu sát tại từng địa bàn để đảm bảo hoạt động tín dụng chính sách xã hội thực sự “đi vào cuộc sống”.
Đây là bước khởi đầu quan trọng cho một giai đoạn phối hợp mới, hướng tới một hệ thống tín dụng chính sách ngày càng hiệu quả, công bằng và gần gũi hơn với người dân.
Tuyết Anh