Đặc điểm và thành phần hóa học của cây bạc hà
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của ThS.BSNT Trần Tiến Tùng cho biết, cây bạc hà (húng bạc hà, húng cay) thuộc họ Hoa môi, thân thẳng và xốp, có thể bò lan trên đất, chiều dài cao nhất có thể đến 60cm. Lá cây bạc hà mọc đơn, hình bầu dục, mép lá có răng cưa, đầu tròn. Trong thành phần của lá bạc hà có tinh dầu với mùi hắc, vị hơi tê và cay nhẹ.
Bạc hà ra hoa vào tháng 7 - 10, hoa nhỏ, tùy từng cây mà màu cánh hoa có thể là tím, hồng hoặc trắng. Quả bạc hà gồm 4 hạt.
Loài cây này chủ yếu có mặt ở vùng khí hậu ôn đới. Tại Việt Nam, cây bạc hà được trồng nhiều ở Yên Bái, Lai Châu, Nghệ An.
Cây bạc hà chứa các thành phần vitamin A, chất chống viêm flavonoid, chống oxy hóa và vitamin A vừa tốt cho mắt vừa tốt cho sức khỏe. Đây cũng là loài cây chứa các dưỡng chất như chất xơ, vitamin C, sắt, photpho, B3, B2, B1, nhất là thành phần tinh dầu trong cây bạc hà chiếm tới 0,5 - 1,5%.
Trà bạc hà có tác dụng gì?
Một trong những cách sử dụng phổ biến nhất của bạc hà chính là pha trà, loại thức uống không chỉ thơm ngon mà còn mang lại nhiều lợi ích sức khỏe.
Báo Thanh Niên dẫn nguồn chuyên trang sức khỏe Health cho biết, các hợp chất thực vật trong loại thảo mộc này có thể mang lại nhiều lợi ích như giảm viêm, giảm buồn nôn và nôn, cũng như cân bằng hormone.
Báo Thanh Niên dẫn nguồn chuyên trang sức khỏe Health cho biết, bà Jillian Kubala, chuyên gia dinh dưỡng tại Mỹ, đã chia sẻ một số lợi ích sức khỏe của trà bạc hà như sau:
Giảm viêm
Bạc hà chứa axit rosmarinic, hợp chất polyphenol chống viêm. Việc uống trà bạc hà giàu axit rosmarinic có thể cải thiện đáng kể khả năng vận động và giảm đau ở những người bị viêm khớp gối.
Dù trà bạc hà thông thường cũng giúp giảm độ cứng khớp và tăng khả năng vận động, nhưng chỉ loại trà giàu axit rosmarinic mới mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc giảm đau.
Giảm nồng độ testosterone
Ngoài tác dụng chống viêm, bạc hà còn có khả năng tác động đến nồng độ hormone trong cơ thể, đặc biệt là testosterone. Chúng có tính chất kháng androgen, nghĩa là có thể ức chế tác dụng của hormone nam như testosterone.
Trà bạc hà rất tốt cho sức khỏe.
Điều này đặc biệt có ý nghĩa với phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), một bệnh lý đặc trưng bởi nồng độ androgen cao, rối loạn chức năng buồng trứng và các vấn đề về insulin.
Theo một nghiên cứu, phụ nữ uống trà bạc hà 2 lần mỗi ngày trong 1 tháng giảm đáng kể testosterone tự do và tổng testosterone so với nhóm không uống trà.
Họ cũng ghi nhận sự gia tăng hormone luteinizing (LH) và hormone kích thích nang trứng (FSH), giúp cải thiện chức năng sinh sản.
Giảm buồn nôn
Trong y học cổ truyền, bạc hà từ lâu được sử dụng để điều trị các vấn đề dạ dày như đau bụng và buồn nôn.
Nhờ đặc tính chống co thắt và chống buồn nôn, bạc hà có hiệu quả trong việc làm dịu các cơn buồn nôn.
Lưu ý khi sử dụng cây bạc hà
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của ThS.BSNT Trần Tiến Tùng cho biết, khi sử dụng cây bạc hà cần lưu ý những điều dưới đây:
- Không dùng cây bạc hà để chữa bệnh cho các trường hợp: táo bón, cao huyết áp, thai phụ, suy nhược cơ thể, bị sốt không rõ nguyên nhân, trào ngược dạ dày thực quản, tiền sử dị ứng.
- Không dùng tinh dầu bạc hà trên vết thương hở và tránh để tinh dầu tiếp xúc với mắt.
- Menthol hoặc tinh dầu bạc hà nếu tiếp xúc với mũi hoặc cổ họng có thể gây ngưng tim cho trẻ nhỏ nên không được dùng cho trẻ sơ sinh và trẻ dưới 1 tuổi.
Sử dụng cây bạc hà chữa bệnh về cơ bản là an toàn. Một số trường hợp có thể gặp các tác dụng phụ như: buồn nôn, nôn, ợ chua, khô miệng.
Xét tổng thể, cây bạc hà có nhiều thành phần tốt cho sức khỏe và là dược liệu lành tính để chữa bệnh. Hiện chưa có nghiên cứu nào về khả năng tương tác thuốc của bạc hà với các thảo dược khác hay các loại thuốc Tây. Vì thế, việc chữa bệnh bằng cây bạc hà vẫn cần có sự hướng dẫn từ bác sĩ có chuyên môn để đạt hiệu quả và tránh gặp tác dụng phụ.
Thanh Thanh (Tổng hợp)