Trào lưu nuôi thú cưng ở người trẻ và những hệ lụy

Trào lưu nuôi thú cưng ở người trẻ và những hệ lụy
10 giờ trướcBài gốc
Nuôi hai con mèo Xiêm gần 1 năm nay, chị Đ.P.A. (25 tuổi ở quận Long Biên) coi chúng như người thân. Thậm chí, chị còn đặt tên cho chúng và xưng hô chị-em. Thời gian rảnh, chị thường quấn quýt bên chúng, vuốt ve, ôm ấp và cho ngủ chung.
Thế nhưng, cách đây 1 tháng, trong lúc vui đùa, chị A. đã bị mèo cào vào tay khiến chảy máu. Lo lắng, chị quyết định đi tiêm vắc xin phòng dại.
“Qua thông tin trên báo chí, tôi được biết đã có không ít những trường hợp tử vong do lây bệnh dại sau khi bị mèo cào. Vì vậy, tôi nghĩ cần phải tiêm phòng để đề phòng rủi ro”, chị A. chia sẻ.
Thời gian gần đây, bệnh dại từ chó, mèo lây sang người gia tăng đột biến ở nhiều tỉnh, thành phố. Điều đáng nói là số ca tử vong do bệnh dại cũng tăng cao. Trong số đó, nhiều nhất phải kể đến là chó. Đặc biệt, các giống chó săn, bản tính hiếu chiến, biết tấn công kẻ thù, bảo vệ chủ nhân như chó Phú Quốc, Becgiê, Pitbull, Bulldog, Ngao Tây Tạng... lại được rất nhiều người trẻ nuôi. Thú vui này tiềm ẩn những nguy cơ có hại, đặc biệt là việc chó tấn công người gây nên nhiều hệ lụy đáng tiếc.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 8 tháng của năm 2024, cả nước ghi nhận 60 trường hợp tử vong do bệnh dại. Riêng năm 2023 đã có gần 700.000 người bị chó, mèo cắn phải đi tiêm phòng, 82 người tử vong vì bệnh dại, tăng 12 trường hợp so với năm 2022.
Không chỉ bệnh dại, tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 20.000 người nhiễm bệnh ấu trùng giun đũa chó, mèo được phát hiện và điều trị ở tất cả các tỉnh, thành phố. Đây cũng là bệnh ký sinh trùng mới nổi trong những năm gần đây do thói quen nuôi thú cưng tăng lên ở giới trẻ. Bệnh gây ra các tổn thương ở gan, ở não, ở lách, thận và gây ra hiện tượng miễn dịch dị ứng, ngứa, nổi mẩn kéo dài.
Tiến sĩ Hoàng Đình Cảnh, Viện trưởng Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng trung ương cho biết, các ca bệnh nhiễm ấu trùng giun đũa chó, mèo đang gia tăng có nguyên nhân do nuôi thú cưng, thường xuyên ôm ấp thú cưng. Thậm chí, khi ôm ấp, ngủ cùng thú cưng, người nuôi dễ nuốt phải trứng giun đũa chó mèo. Khi thâm nhập vào cơ thể, trứng giun đũa chó mèo phát triển thành ấu trùng và di chuyển khắp cơ thể người. Trong đó, bộ phận dễ gặp ấu trùng là gan và gây ra những tổn thương, những ổ áp xe hay ấu trùng có thể đi vào tim, phổi, não… Mức độ tổn thương cùng với các triệu chứng tùy thuộc vào số lượng ấu trùng xâm nhập vào cơ thể.
Để phòng tránh lây nhiễm bệnh từ vật nuôi, các chuyên gia y tế lưu ý, luôn rửa sạch tay, đặc biệt là sau khi chơi với vật nuôi, cầm nắm thức ăn của chúng hoặc sau khi cọ rửa chuồng thú cưng.
Ngoài ra, khi cọ rửa hoặc dọn chất thải của vật nuôi, nên mang găng tay. Không cho vật nuôi chơi ở gần khu vực chế biến thức ăn; không nhận nuôi những vật nuôi hoang dã, không rõ nguồn gốc. Đặc biệt, nên tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi; tẩy giun sán định kỳ cho chó mèo.
Mặt khác, không nên ăn, ngủ chung, ôm hôn chó, mèo. Những gia đình có trẻ nhỏ nên tạm dừng nuôi chó, mèo vì trẻ thường hay lê la, đưa vào miệng những vật dụng trên nền nhà. Thậm chí, tuyệt đối không cho trẻ ôm, hôn chó, mèo, nhất là phần đuôi của chó, mèo. Bởi vì đuôi và lông là khu vực dính nhiều chất thải kèm theo trứng giun, do đó, trẻ dễ nhiễm bệnh ấu trùng giun đũa chó mèo.
Xuân Lộc
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/trao-luu-nuoi-thu-cung-o-nguoi-tre-va-nhung-he-luy-681547.html