Bà Nguyễn Thị Biên (50 tuổi, trú tại thôn Mai Sơn, xã Ba Lòng, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) cho biết, ngày 1/2, gia đình nhận được thông tin về việc, trâu của họ đang chăn thả tại khu rừng ở xã Triệu Ái (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) bị chết.
Tiêm phòng vaccine cho trâu, bò tại huyện Đakrông (tỉnh Quảng Trị). Ảnh: NDCC.
Đến tận nơi kiểm tra phát hiện, nhiều con trâu của gia đình bà Biên đã bị chết, trong đó có những xác trâu đang trong giai đoạn phân hủy. “5 con trâu của gia đình tôi đã bị chết. Nhìn xác trâu nằm ngổn ngang trên mặt đất tôi vô cùng xót xa” - bà Biên buồn bã nói.
Còn ông Trần Đức Lợi (45 tuổi, trú tại thôn Na Nẫm, xã Triệu Nguyên, huyện Đakrông) - người đầu tiên nhận được thông tin về việc trâu bị chết cho biết, lúc mới đến nơi chúng tôi phát hiện 2 con bị chết. Tiếp tục tìm kiếm, chúng tôi phát hiện hàng chục xác trâu khác nằm rải rác trong khu vực chăn thả. Đến nay, đã có 9 con trong bầy 19 con trâu của gia đình tôi bị chết.
Ngoài việc trâu, bò chết gây thiệt hại nặng về tài sản, hiện nay ông Lợi cũng như nhiều hộ dân khác vẫn đang “gồng mình” để trả lãi định kỳ từ món nợ 150 triệu đồng đã vay ngân hàng để mua bầy trâu trước đó. Đồng thời, tiếp tục tìm kiếm những con trâu còn thất lạc, mua vaccine về tiêm phòng cho vật nuôi còn sống với mong muốn, chúng sẽ khỏe mạnh để gây dựng đàn, ổn định lại cuộc sống.
Ông Trần Hữu Hiếu - Chủ tịch UBND xã Ba Lòng cho biết, chăn nuôi trâu là nguồn thu nhập chính của gia đình bà Biên và nhiều hộ dân khác trên địa bàn. Việc trâu bị chết khiến nhiều gia đình gặp khó khăn về kinh tế. Hiện, chính quyền địa phương đang phối hợp với các ngành chức năng hướng dẫn người dân phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc này.
Theo ông Nguyễn Phú Quốc - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, qua kết quả xét nghiệm của Chi cục Thú y vùng III, trong mẫu trâu chết của các hộ dân tại huyện Đakrông phát hiện hiện vi khuẩn Pasteurella multocida gây bệnh tụ huyết trùng và ký sinh trùng Babesia gây bệnh lê dạng trùng (ký sinh trùng đường máu).
Trong đó, bệnh tụ huyết trùng ở trâu, bò thường ở 3 thể (thể ác tính hoặc quá cấp tính, thể cấp tính và thể mãn tính) với đặc trưng: tụ huyết và xuất huyết ở các vùng da mỏng trên cơ thể. Bệnh phát quanh năm, nhưng tập trung chủ yếu vào mùa mưa và thời điểm chuyển mùa.
Theo ông Quốc, trong điều kiện bình thường, ở đa số trâu, bò khỏe mạnh vi khuẩn tụ huyết trùng thường sống ký sinh trên niêm mạc đường hô hấp và tiêu hóa nhưng chúng không gây bệnh. Khi gặp các yếu tố ngoại cảnh bất lợi, như: thời tiết thay đổi đột ngột, thiếu thức ăn, làm việc nặng nhọc khiến sức đề kháng của con vật giảm sút, thế cân bằng sinh học bị phá vỡ, vi khuẩn tăng cường độc lực, xâm nhập vào máu và phủ tạng để gây bệnh.
Bệnh lê dạng trùng là bệnh ký sinh trùng đường máu với đặc điểm điển hình “sốt cao, đái đỏ”. Bệnh truyền qua vật chủ trung gian là các loài ve, chúng hút máu trâu, bò bệnh sau đó truyền bệnh cho con khỏe. Trâu, bò ở các lứa tuổi đều nhiễm bệnh nhưng phổ biến ở lứa tuổi từ 5 tháng đến 3 năm tuổi, tỷ lệ chết cao. Bệnh thường lây lan mạnh vào các tháng nóng ẩm khi ve phát triển mạnh.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo, khi phát hiện trâu, bò có triệu chứng khác thường (có thể chỉ một vài trong số các triệu chứng), như: con vật sốt, bỏ ăn hoặc ăn ít, lười vận động, khó thở thì chủ vật nuôi phải báo ngay cho nhân viên thú y xã và trưởng khu dân cư biết. Trưởng khu dân cư báo cáo ngay cho UBND cấp xã, Trạm Chăn nuôi và Thú y cấp huyện để được hướng dẫn các biện pháp xử lý. Đàn gia súc bệnh phải nhốt tại chuồng, vệ sinh tiêu độc khử trùng theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Không được bán chạy, chuyển vùng hoặc giết mổ gia súc.
Để điều trị bệnh tụ huyết trùng cần, nâng cao sức đề kháng, chữa triệu chứng và hạ sốt cho trâu, bò bằng thuốc trợ tim mạch và tiêm kháng sinh đặc hiệu.
Đối với bệnh lê dạng trùng, trước khi tiêm thuốc trị ký sinh trùng máu nên tiêm trợ tim cho trâu, bò trước 15 - 30 phút bằng Cafein 20% liều 10 - 20ml hoặc long não nước 10% liều lượng 40 - 50ml.
Ngoài ra, chủ vật nuôi cần thực hiện quy trình phòng bệnh tổng hợp về chuồng trại; con giống; chăm sóc, nuôi dưỡng; vệ sinh, tiêu độc, khử trùng và tiêm phòng.
Ngiã Văn