Sáng 22-11, Sở GD&ĐT TP.HCM đã tổ chức hội thảo khoa học chủ đề Dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo trong giáo dục: Từ thách thức đến đột phá.
Toàn cảnh hội thảo khoa học chủ đề "Dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo trong giáo dục: Từ thách thức đến đột phá". Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Trí tuệ nhân tạo chỉ là công cụ hỗ trợ
Ông Jason See, Giám đốc công nghệ (Bộ Giáo dục Singapore), cho biết trí tuệ nhân tạo có thể hỗ trợ ngành giáo dục bằng cách giảm bớt công việc của giáo viên để họ có thời gian chăm lo cho học sinh và cá nhân hóa học sinh, cũng như tạo nội dung phù hợp với thế mạnh của mỗi em.
Đại biểu tìm hiểu về công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) tại hội thảo. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Theo ông Jason See, để ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giảng dạy cần phải triển khai đồng bộ công nghệ, chính sách và nhân lực. "Chúng ta phải làm sao để giáo viên tiếp cận với công nghệ hiện đại, phải có giải pháp để họ sử dụng, quản lý các công nghệ và tạo động lực để họ thật sự thay đổi" - ông nói.
Ông Jason See cũng khẳng định trí tuệ nhân tạo sẽ tác động không nhỏ đến giáo dục nếu không có chính sách quản lý và tác động phù hợp, không cẩn thận trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo sẽ khiến giáo dục chệch hướng. Do đó, việc tập huấn, đào tạo giáo viên để hiểu biết về trí tuệ nhân tạo rất quan trọng.
“Trí tuệ nhân tạo chỉ là công cụ, là một cấu phần trong cuộc sống hiện nay. Do đó, học sinh và giáo viên cần phải biết, hiểu và sử dụng nó hợp lý. Trí tuệ nhân tạo không thể thay thế giáo viên, khi giáo viên ứng dụng chúng vào công việc thì chúng là công cụ mạnh mẽ để chuyển đổi số giáo dục” - Ông Jason See.
Đồng tình với quan điểm trên, bà Nguyễn Phương Lan, Tổng giám đốc EMG Education, cho rằng công nghệ không thay thế được người thầy. Nếu công nghệ vào tay những người thầy giỏi và biết dùng công nghệ thì có thể thay đổi cả thế giới.
Bà Nguyễn Phương Lan, Tổng giám đốc EMG Education phát biểu tại hội thảo. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Theo bà Lan, ứng dụng trí tuệ nhân tạo có thể điều chỉnh nội dung nhanh chóng và hiệu quả theo nhu cầu của học sinh, đồng thời hỗ trợ giáo viên triển khai hoạt động học tập trên quy mô lớn trong khi vẫn phù hợp với từng học sinh.
Mặt khác, trí tuệ nhân tạo giúp phân tích dữ liệu chỉ trong vài giây, xác định những lỗ hổng kiến thức và những điểm học sinh cần hỗ trợ thêm, từ đó tạo ra bài tập và lộ trình học tập tùy chỉnh phù hợp với tiến độ học tập của từng cá nhân.
EMG Education đã nỗ lực ứng dụng trí tuệ nhân tạo để hướng tới cá thể hóa học tập. Cụ thể, từ một đoạn văn bản được cung cấp, trí tuệ nhân tạo có thể phân tích và đưa ra các từ vựng học sinh cần học và thậm chí tạo ra các câu hỏi đọc hiểu dựa trên văn bản gốc này. Ngoài sử dụng văn bản, trí tuệ nhân tạo còn sử dụng cả hình ảnh để làm dữ liệu đầu vào.
Người thầy phải trở nên hiện đại hơn
Tại hội thảo, thạc sĩ Bùi Thị Thương, giáo viên Trường THPT Nguyễn Huệ (Bà Rịa - Vũng Tàu), nhìn nhận trí tuệ nhân tạo giúp cá nhân hóa việc dạy và học môn Ngữ văn, nhất là rèn kỹ năng tìm hiểu văn bản văn học.
Tuy nhiên, đặc thù của môn Ngữ văn không chỉ phát triển năng lực mà còn bồi đắp về tình cảm, cảm xúc, thái độ cho người học. Giáo viên sẽ là người kết nối giữa người học và tác giả, thời đại; là người khơi gợi sự thấu hiểu, đồng cảm, tư duy phản biện trong từng vấn đề... Đây là những điều mà trí tuệ nhân tạo không thể sao chép máy móc được, có nghĩa nó không thể đem lại cảm xúc đến cho người học.
Các đại biểu tìm hiểu về công nghệ ứng dụng trong giảng dạy tại hội thảo sáng nay. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Người thầy cần không ngừng học tập, sáng tạo để trở thành một người thầy hiện đại. Các sở giáo dục, đơn vị giáo dục cần tổ chức các buổi tập huấn hướng dẫn giáo viên có hiểu biết đúng đắn và trang bị năng lực ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Không phủ nhận lợi ích trí tuệ nhân tạo mang lại, song chìa khóa của sự thành công trong mỗi giờ dạy học chính là kỹ năng sư phạm của giáo viên kết hợp với việc sử dụng công nghệ - Thạc sĩ Bùi Thị Thương
Tại hội thảo, ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục CNTT, Bộ GD&ĐT đánh giá cao sự chủ động, tiên phong của Sở GD&ĐT TP.HCM khi tiếp cận các công nghệ mới trong ngành giáo dục.
Ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục CNTT, Bộ GD&ĐT. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Ông Hải cho biết, hiện mọi người đã thay đổi cách nghĩ về trí tuệ nhân tạo. Trước đây, có ý kiến cho rằng nó sẽ thay thế con người nên có người có cảm giác sợ công nghệ, nhưng giờ đây trí tuệ nhân tạo là một công cụ hữu hiệu phục vụ việc học, còn dùng thế nào là mỗi người quyết định.
Theo ông Hải, trí tuệ nhân tạo hỗ trợ hữu hiệu cho hoạt động giáo dục tuy nhiên nó cũng đem lại những thách thức. Cụ thể, nếu quá lạm dụng chúng trong hoạt động giáo dục, học sinh giảm sự tương tác, mất đi tư duy độc lập, là thách thức cho đội ngũ nhà giáo trong thay đổi phương pháp dạy học và cách đánh giá...
“Chỉ khi chúng ta nhìn rõ được những thách thức thì sẽ có giải pháp để vận dụng AI hiệu quả và đúng hướng” - ông Hải nói.
Kể từ khi ra đời đến nay, trí tuệ nhân tạo đã ảnh hưởng đến giáo dục khá nhiều. Chúng ta sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra các chương trình học tập, hỗ trợ giáo viên phân tích kết quả học tập của học sinh. Ngoài ra, trí tuệ nhân tạo còn giúp tạo ra các môi trường học tập tương tác, sinh động.
Tuy nhiên, việc tích hợp trí tuệ nhân tạo vào giáo dục đặt ra vấn đề về quyền riêng tư, bảo mật dữ liệu, thông tin cá nhân. Chúng ta cần có giải pháp để đảm bảo thông tin cá nhân của học sinh được bảo mật. Ngoài ra, cần có sự cân bằng hợp lý giữa công nghệ và vai trò của giáo viên trong môi trường giáo dục ứng dụng trí tuệ nhân tạo và sử dụng chúng như một công cụ hỗ trợ chứ không thể thay thế con người.
Ông NGUYỄN BẢO QUỐC, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM
NGUYỄN QUYÊN