Trung Quốc hạn chế xuất khẩu đất hiếm, Ấn Độ nắm bắt cơ hội, tăng tốc khai thác

Trung Quốc hạn chế xuất khẩu đất hiếm, Ấn Độ nắm bắt cơ hội, tăng tốc khai thác
8 giờ trướcBài gốc
Khoáng sản đất hiếm của Ấn Độ chủ yếu có trong các bãi cát ven biển giàu monazit ở Andhra Pradesh, Odisha, Tamil Nadu, Kerala và Tây Bengal. Ảnh minh họa: Unsplash
Theo India Today, khoáng sản đất hiếm - hay kim loại đất hiếm - là nhóm gồm 17 nguyên tố đóng vai trò thiết yếu trong công nghệ hiện đại, từ sản xuất xe điện (EV), tua-bin gió, điện thoại thông minh đến hệ thống dẫn đường tên lửa như Akash và Astra. Những nguyên tố này đang trở thành tâm điểm cạnh tranh chiến lược toàn cầu do phụ thuộc vào một số quốc gia có trữ lượng và năng lực chế biến lớn.
Trung Quốc hiện là quốc gia nắm giữ trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới với khoảng 44 triệu tấn, kiểm soát hơn 90% công suất chế biến toàn cầu. Tuy nhiên, nước này mới đây đã hạn chế xuất khẩu bảy loại đất hiếm nhằm đáp trả chính sách thuế quan của Mỹ. Động thái này đã gây chấn động chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có ngành công nghiệp xe điện của Ấn Độ vốn phụ thuộc gần 90% nguồn cung đất hiếm từ Trung Quốc.
Từ nguy cơ đến cơ hội chiến lược
Việc Trung Quốc siết chặt xuất khẩu đã làm dấy lên lo ngại về việc "vũ khí hóa" tài nguyên. Dù không nêu đích danh Bắc Kinh, nhưng Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã lên tiếng tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lần thứ 17 tại Brazil, kêu gọi các quốc gia đảm bảo chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng không bị lợi dụng làm công cụ địa chính trị.
Dù đây là một thách thức lớn, nhưng các chuyên gia nhận định đó cũng là cơ hội để Ấn Độ đẩy mạnh khai thác nội địa và giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Quốc gia Nam Á này hiện sở hữu trữ lượng đất hiếm lớn thứ ba thế giới, khoảng 6,9 triệu tấn, tập trung chủ yếu ở các bãi cát ven biển thuộc Andhra Pradesh, Odisha, Tamil Nadu, Kerala và Tây Bengal.
Tuy nhiên, tiềm năng này đang bị cản trở bởi hạn chế về công nghệ tinh chế, cơ sở hạ tầng yếu và quy định pháp lý chặt chẽ. Đạo luật Năng lượng Nguyên tử năm 1962 từng ngăn cản khai thác tư nhân, song hiện chính phủ đang xem xét cải cách nhằm khuyến khích đầu tư tư nhân vào lĩnh vực này.
Ấn Độ hành động
Theo các biện pháp hạn chế xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 4/4, Trung Quốc yêu cầu khai báo mục đích sử dụng cuối cùng và xin giấy phép xuất khẩu. Điều này đã làm gián đoạn nguồn cung và tăng chi phí vận chuyển, đặc biệt ảnh hưởng đến các nguyên tố đất hiếm dùng trong sản xuất nam châm hiệu suất cao – thành phần quan trọng của động cơ EV và thiết bị quốc phòng.
Các nhà sản xuất ô tô như Maruti Suzuki và JSW MG Motor India đang phải đối mặt với quy trình mua sắm kéo dài 40 - 45 ngày do thiếu nguyên liệu. Trong năm tài chính vừa qua, Ấn Độ đã nhập khẩu 540 tấn đất hiếm từ Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện tại, nhiều đơn hàng hiện không được Bộ Thương mại Trung Quốc (MOFCOM) phê duyệt. Tình trạng này đe dọa tiến độ sản xuất trong lĩnh vực xe điện và cản trở các mục tiêu năng lượng sạch của New Delhi.
Để đối phó với cuộc khủng hoảng, tháng 7 vừa qua, chính phủ Ấn Độ công bố Sứ mệnh Khoáng sản Quan trọng Quốc gia với tổng đầu tư 343 tỷ rupee, giao Cục Khảo sát Địa chất Ấn Độ (GSI) thực hiện 1.200 dự án thăm dò từ 2024 đến 2031.
Bên cạnh đó, Bộ Công nghiệp Nặng cũng đề xuất chương trình trị giá 1.345 tỷ rupee nhằm thúc đẩy sản xuất nam châm đất hiếm, thu hút các doanh nghiệp như Mahindra & Mahindra, Uno Minda và Sona BLW Precision Forgings.
Công ty nhà nước Indian Rare Earths Limited (IREL) đã bắt đầu cắt giảm xuất khẩu để ưu tiên cung cấp trong nước, đồng thời mở rộng hoạt động sang Oman và Việt Nam để khai thác. Ấn Độ cũng đang tăng cường hợp tác với Australia – một trong những quốc gia có trữ lượng đất hiếm đáng kể – để đảm bảo công nghệ và nguồn cung ổn định.
Thách thức vẫn còn phía trước
Dù trữ lượng lớn, các mỏ đất hiếm của Ấn Độ thường có nồng độ thấp và lẫn với nguyên tố phóng xạ như thori, làm tăng chi phí và rủi ro khai thác. Bên cạnh đó, Ấn Độ vẫn thiếu công nghệ tinh chế hiện đại và nhân lực kỹ thuật chuyên sâu.
Abhijit Kulkarni, chuyên gia tại EY-Parthenon (thuộc Ernst & Young), nhận định rằng Ấn Độ cần một chiến lược toàn diện và đầu tư dài hạn để khắc phục những “lỗ hổng nghiêm trọng” trong chuỗi giá trị đất hiếm hiện nay.
Việc Trung Quốc kiểm soát 70% sản lượng và 90% công suất chế biến đất hiếm toàn cầu cho thấy tầm quan trọng chiến lược của ngành tài nguyên này. Với tiềm năng chưa được khai thác đầy đủ, Ấn Độ đang đứng trước một cơ hội hiếm có để định vị mình như một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nếu New Delhi có thể vượt qua các thách thức hiện tại bằng cải cách chính sách, đầu tư bền vững và nâng cấp hạ tầng công nghệ.
Bảo Hà/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/trung-quoc-han-che-xuat-khau-dat-hiem-an-do-nam-bat-co-hoi-tang-toc-khai-thac-20250715153718465.htm