Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (trái), Ngoại trưởng Nhật Bản Takeshi Iwaya (giữa) và Ngoại trưởng Hàn Quốc Cho Tae Yul trong cuộc họp báo chung sau cuộc gặp ba bên tại Tokyo, ngày 22/3/2025. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Cụ thể, Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Ahn Duk-geun đã hội đàm với Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Yoji Muto và Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Wang Wentao.
Đây là cuộc đối thoại kinh tế đầu tiên giữa ba nước sau 5 năm gián đoạn. Theo thông tin từ hãng tin Reuters, đối thoại diễn ra trong bối cảnh ba cường quốc xuất khẩu hàng đầu châu Á này phải đối mặt với mức thuế quan mới từ Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Sau cuộc họp, các bộ trưởng thương mại ba nước đã nhất trí hợp tác chặt chẽ để tiến hành các cuộc đàm phán toàn diện và cấp cao về thỏa thuận thương mại tự do Hàn Quốc-Nhật Bản-Trung Quốc nhằm thúc đẩy thương mại khu vực và toàn cầu. Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Ahn Duk-geun nhấn mạnh: "Cần phải tăng cường thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) mà cả ba nước đều tham gia, đồng thời tạo khuôn khổ mở rộng hợp tác thương mại giữa ba nước thông qua các cuộc đàm phán FTA Hàn Quốc-Trung Quốc-Nhật Bản".
Đáng chú ý, cuộc gặp diễn ra chỉ vài ngày trước khi Tổng thống Trump công bố áp thêm thuế quan. Tuần trước, ông Trump đã công bố mức thuế nhập khẩu 25% đối với ô tô và phụ tùng ô tô, một động thái có thể gây tổn hại đặc biệt cho các nhà sản xuất ô tô châu Á. Theo dữ liệu từ S&P, sau Mexico, Hàn Quốc là nước xuất khẩu xe lớn nhất thế giới sang Mỹ, tiếp theo là Nhật Bản.
Sáng kiến của Trung Quốc nhằm thành lập một khối an ninh và kinh tế châu Á diễn ra vào thời điểm địa chính trị phức tạp. Điều đáng chú ý là Nhật Bản và Hàn Quốc đều là đồng minh quân sự của Mỹ, và cả hai bên đều muốn duy trì thỏa thuận này. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, việc có mối quan hệ an ninh với hai trong số những đồng minh thân cận nhất của Mỹ có thể giúp Trung Quốc an toàn hơn, chưa kể đến các cơ hội kinh tế tiềm năng.
Ngoài ra, có căng thẳng giữa Mỹ và các đồng minh châu Á: Nhật Bản đã phản đối các yêu cầu của Mỹ về việc tăng chi tiêu quân sự và Hàn Quốc phẫn nộ khi bị chỉ định là một "quốc gia nhạy cảm" - tức là một quốc gia tham gia phát triển vũ khí hạt nhân.
Mặc dù vậy, việc thiết lập một khối châu Á mới giữa ba nước vẫn còn nhiều thách thức. Seoul, Bắc Kinh và Tokyo vẫn bất đồng quan điểm về nhiều vấn đề, bao gồm tranh chấp lãnh thổ và việc Nhật Bản xả nước thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị phá hủy. Họ đã không đạt được tiến triển đáng kể nào trong thỏa thuận thương mại tự do ba bên kể từ khi bắt đầu đàm phán vào năm 2012.
Tuy nhiên, như Tiến sĩ Friedman Theo Tiến sĩ George Friedman, nhà dự báo địa chính trị và người sáng lập trang web Geopolitical Futures, nhận định, ngay cả những cử chỉ ngoại giao cũng có thể mang ý nghĩa quan trọng. Cuộc họp cho thấy Trung Quốc đã buộc phải xem xét lại bối cảnh địa chính trị của mình. Sau cuộc họp tại Seoul trên, các bộ trưởng ba nước đã nhất trí tổ chức cuộc họp cấp bộ trưởng tiếp theo tại Nhật Bản, một dấu hiệu cho thấy quá trình đối thoại sẽ tiếp tục trong tương lai gần.
Trước đó ngày 22/3, tại thủ đô Tokyo, Hội nghị Ngoại trưởng Nhật - Trung - Hàn lần thứ 11 đã ra thông cáo báo chí chung khẳng định tầm quan trọng của hợp tác ba bên và hợp tác với ASEAN. Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Takeshi Iwaya nhấn mạnh việc tăng cường hơn nữa hợp tác giữa ASEAN, vốn là trung tâm của khuôn khổ khu vực, với Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc có ý nghĩa rất quan trọng theo quan điểm mở rộng kết quả hợp tác ba bên ra toàn bộ khu vực.
Vũ Thanh/Báo Tin tức