Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã phát triển một phương pháp giúp giảm phạm vi phát hiện tiếng ồn của động cơ tàu ngầm xuống hơn một nửa. Ảnh: Đại học Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc).
Thông tin trên được đăng trong một nghiên cứu đã được bình duyệt và công bố trên tạp chí Noise and Vibration Control của Trung Quốc.
Theo đó, ông Zhang Zhiyi cùng nhóm nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm trọng điểm nhà nước về Hệ thống cơ học và rung động của Đại học Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc) cho biết sáng kiến mới này về mặt lý thuyết có thể giúp giảm hơn một nửa phạm vi bị phát hiện từ các hệ thống sonar của đối phương.
Theo bài báo, công nghệ này nhằm thay thế các giá đỡ động cơ không linh động truyền thống bằng hệ thống cách ly rung hỗn hợp chủ động - thụ động, qua đó có thể giúp giảm tiếng ồn của động cơ truyền qua thân tàu ngầm tới 26 decibel (dB).
Hệ thống này bao gồm một vòng gồm thép - cao su - thép để phân tán rung động, kết hợp với một lớp hoạt động với 12 bộ truyền động áp điện được bố trí hướng tâm xung quanh động cơ nhằm giảm thêm tiếng ồn.
Các bộ truyền động được chạy bằng điện này có thể triệt tiêu các chuyển động ở cấp độ micron của động cơ bằng lực điều khiển mạnh thông qua cơ chế đòn bẩy chính xác.
Theo bài báo được công bố vào tháng 4, nghiên cứu chỉ ra rằng chỉ cần giảm 10 dB tiếng ồn của phương tiện dưới nước cũng có thể làm giảm phạm vi phát hiện của phương tiện xuống 32%.
Các nhà nghiên cứu cho biết: "Trong quá trình di chuyển ở tốc độ thấp, tiếng ồn cơ học do hoạt động của thiết bị điện tạo ra là nguồn tiếng ồn chính đối với các phương tiện dưới nước. Điều này đóng vai trò là đặc điểm chính về mặt âm thanh khiến chúng bị phát hiện - thường được thể hiện dưới dạng một loạt các thành phần âm thanh tần số thấp. Việc áp dụng các biện pháp giảm rung để giảm truyền năng lượng từ động cơ qua các cấu trúc hỗ trợ là rất quan trọng để nâng cao hiệu suất tàng hình âm thanh của các phương tiện dưới nước".
Ông Zhang và nhóm của mình đã tiến hành thử nghiệm trong phòng thí nghiệm trên một nguyên mẫu thu nhỏ cho thấy hiệu suất chưa từng có khi đã giảm tới 24dB (12dB nhờ cơ chế giảm thụ động, 12dB nhờ cơ chế giảm chủ động) ở tần số 100 Hz và giảm tới 26dB ở tần số 400Hz.
Theo nghiên cứu, băng tần hiệu quả trải dài từ 10 - 500Hz, bao phủ hầu hết các sóng hài đặc trưng của động cơ, trong khi khả năng giảm ồn theo thời gian thực đạt được nhờ vào thời gian phản hồi cực ngắn của hệ thống.
Mặc dù kết quả phòng thí nghiệm rất ấn tượng, nhưng nghiên cứu trên vẫn còn nhiều thách thức. Trong đó, độ cứng của cao su thay đổi khi nhiệt độ và áp suất thay đổi và nhóm nghiên cứu không rõ liệu vật liệu áp điện sẽ bền đến mức nào trong quá trình hoạt động lâu dài.
Bên cạnh đó, hiện nay nhiều người chưa được làm rõ về việc các tàu ngầm của Trung Quốc đang sử dụng loại công nghệ giảm tiếng ồn động cơ nào. Đồng thời, nhóm nghiên cứu cũng không nêu rõ mức cải thiện tổng thể về độ ồn của tàu ngầm nếu ứng dụng công nghệ mới.
Tập đoàn đóng tàu Nhà nước Trung Quốc, một công ty lớn trong lĩnh vực đóng tàu ngầm, đã có đóng góp vào công trình nghiên cứu này.
Bình Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc