Trung Quốc tuyên bố Dải Gaza không phải công cụ mặc cả chính trị

Trung Quốc tuyên bố Dải Gaza không phải công cụ mặc cả chính trị
4 giờ trướcBài gốc
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Guo Jiakun phát biểu họp báo tại thủ đô Bắc Kinh. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Tại cuộc họp báo cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun tuyên bố rằng Dải Gaza là vùng lãnh thổ của người Palestine và không thể bị lợi dụng để phục vụ các mục tiêu chính trị. Ông nhấn mạnh rằng xung đột kéo dài đã tàn phá khu vực này, gây ra tổn thất nghiêm trọng về người và cơ sở hạ tầng, đẩy hơn hai triệu người dân vào tình trạng thiếu thốn trầm trọng về lương thực, nước sạch, thuốc men và dịch vụ y tế. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc kêu gọi các nước lớn hành động có trách nhiệm, tập trung vào giải pháp nhân đạo thay vì tiếp tục làm gia tăng căng thẳng.
Lập trường của Trung Quốc về vấn đề Palestine từ lâu vẫn nhất quán, nhấn mạnh giải pháp hai nhà nước theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Bắc Kinh ủng hộ quyền tự quyết của người Palestine và khẳng định bất kỳ giải pháp nào cũng phải dựa trên nguyên tắc công bằng, hợp pháp, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ. Trong nhiều năm qua, Trung Quốc duy trì vai trò trung gian ngoại giao trong khu vực, thúc đẩy đối thoại và tìm kiếm giải pháp hòa bình bền vững cho cuộc xung đột Israel - Palestine.
Tuyên bố của Bắc Kinh được đưa ra sau phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vào ngày 4/2. Trong bài phát biểu, ông Trump đề xuất khả năng Mỹ duy trì quyền kiểm soát lâu dài đối với Dải Gaza nhằm thúc đẩy sự phát triển khu vực này với mục tiêu đảm bảo hòa bình tại Trung Đông. Bên cạnh đó, ông cũng đề ra kế hoạch tái định cư người Palestine sang các quốc gia khác trong khu vực với sự hỗ trợ tài chính từ một số nước. Đồng thời, Tổng thống Mỹ khẳng định Washington sẵn sàng triển khai lực lượng quân sự đến Gaza nếu tình hình yêu cầu.
Đề xuất này nhanh chóng thu hút sự chú ý và gây ra nhiều tranh cãi. Giới quan sát lo ngại rằng việc đặt Dải Gaza dưới sự kiểm soát của Mỹ không chỉ vi phạm luật pháp quốc tế mà còn làm phức tạp thêm tình hình khu vực. Kế hoạch tái định cư người Palestine - nếu được thực thi - có thể dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng về nhân quyền và gia tăng xung đột, trong khi khi nhiều người Palestine từ lâu đã khẳng định quyền ở lại quê hương thay vì trở thành người tị nạn tại các nước láng giềng.
Liên hợp quốc và nhiều tổ chức quốc tế trước đó đã kêu gọi các bên liên quan tránh những hành động đơn phương có thể làm tổn hại đến tiến trình hòa bình. Liên minh châu Âu cũng nhấn mạnh rằng bất kỳ giải pháp nào liên quan đến Palestine cần phải được thực hiện trên cơ sở luật pháp quốc tế và có sự đồng thuận của chính người dân Palestine. Trong khi đó, các quốc gia Arab - như Ai Cập, Jordan và Qatar - đều thể hiện quan điểm phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi hiện trạng Dải Gaza mà không có sự chấp thuận từ Palestine.
Việc Trung Quốc lên tiếng trong thời điểm này không chỉ thể hiện quan điểm rõ ràng về vấn đề Palestine mà còn cho thấy lập trường của nước này trong việc phản đối các chính sách có thể làm leo thang căng thẳng tại Trung Đông. Trong nhiều năm qua, Bắc Kinh đã duy trì mối quan hệ ngoại giao với cả Israel và Palestine, đồng thời thúc đẩy các sáng kiến hòa bình nhằm giải quyết xung đột bằng biện pháp đối thoại thay vì vũ lực.
Trong bối cảnh chiến sự tiếp diễn và nguy cơ xung đột lan rộng, tương lai của Dải Gaza vẫn là một vấn đề phức tạp, đòi hỏi sự tham gia của nhiều bên và các giải pháp dựa trên luật pháp quốc tế. Giới chuyên gia nhận định rằng việc ưu tiên viện trợ nhân đạo, hỗ trợ tái thiết và thúc đẩy đối thoại vẫn là con đường khả thi nhất để đảm bảo một nền hòa bình bền vững, thay vì những đề xuất có thể làm gia tăng bất ổn và kéo dài khủng hoảng tại khu vực.
Hoàng Tuấn Anh/Báo Tin tức (Theo TASS)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/trung-quoc-tuyen-bo-dai-gaza-khong-phai-cong-cu-mac-ca-chinh-tri-20250206171655911.htm