Vào năm 2024, Trung Quốc ghi nhận số lượng tranh chấp thương mại kỷ lục tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) khi xuất khẩu bùng nổ khiến hàng Trung Quốc tràn ngập thị trường quốc tế và vấp phải sự phản đối từ các đối tác thương mại.
Cụ thể, Trung Quốc đã vướng vào 198 vụ điều tra, tranh chấp thương mại tại WTO, gấp đôi so với năm trước đó và chiếm gần một nửa tổng số vụ kiện tại tổ chức.
Theo chia sẻ của giáo sư kinh tế Lục Phong thuộc Đại học Bắc Kinh, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã dựa vào xuất khẩu để duy trì tăng trưởng trong bối cảnh nhu cầu nội địa suy yếu do khủng hoảng kéo dài trong lĩnh vực bất động sản. Thặng dư thương mại toàn cầu của Trung Quốc đã đạt mức kỷ lục gần 1.000 tỷ USD trong năm 2024.
Bên cạnh đó, nhà kinh tế François Chimits tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator cho rằng chiến lược mở rộng công suất công nghiệp công nghệ cao của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang đặt ra một thách thức dài hạn cho các đối tác thương mại của nước này.
Ngoài ra, nhiều nhà phân tích khác còn lưu ý rằng áp lực thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Trung Quốc sẽ làm trầm trọng thêm căng thẳng thương mại trên toàn cầu khi hàng hóa Trung Quốc bị đánh thuế sẽ chuyển hướng sang các thị trường khác.
“Càng nhiều rào cản mà Mỹ và Nhật Bản dựng lên, Liên minh châu Âu càng phải hấp thụ phần sản xuất dư thừa từ Trung Quốc”, nhà kinh tế François Chimits tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator nhận xét. Ủy ban châu Âu đã mở 21 cuộc điều tra thương mại đối với các sản phẩm Trung Quốc trong năm 2024, bao gồm bình thép, gỗ dán, nến và giấy trang trí. Con số này cao gấp gần 3 lần so với 9 vụ của năm 2023, theo dữ liệu từ Trung Quốc.
Các cuộc điều tra thương mại nhắm vào Trung Quốc đạt mức kỷ lục vào năm 2024 (biểu đồ trái: Các cuộc điều tra về Trung Quốc của WTO; biểu đồ phải: Các cuộc điều tra thương mại nhắm vào Trung Quốc, theo quốc gia khiếu nại)
Ngoài ra, hơn một nửa số vụ tranh chấp thương mại chống lại Trung Quốc năm ngoái được khởi xướng bởi các nước đang phát triển, cho thấy sự phản đối đối với tình trạng sản xuất dư thừa của Trung Quốc không chỉ đến từ phương Tây.
Các nền kinh tế mới nổi đã khởi xướng 117 vụ kiện, trong đó có 37 vụ từ Ấn Độ, 19 từ Brazil và 9 từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Làn sóng hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc thậm chí còn khiến một số đối tác thân cận với Bắc Kinh cũng lo ngại. Nga gần đây đã áp phí tái chế nhằm hạn chế làn sóng nhập khẩu ô tô Trung Quốc, vốn đã chiếm gần hai phần ba thị trường nội địa sau khi Moscow bị phương Tây trừng phạt.
Pakistan cũng đã mở 5 vụ kiện thương mại vào năm 2024, tập trung vào các mặt hàng như giấy in, băng keo tự dính và hóa chất từ Trung Quốc. Tuy nhiên Bộ trưởng Tài chính Pakistan Muhammad Aurangzeb nói với Financial Times rằng mối quan hệ giữa hai nước vượt xa lĩnh vực thương mại và các tranh chấp này sẽ sớm được giải quyết.
“Khi bạn lớn như Trung Quốc, bạn phải quan tâm đến việc mất cân bằng của mình ảnh hưởng đến phần còn lại của thế giới ra sao”, nhà kinh tế François Chimits nhấn mạnh.
Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc gần đây đã cam kết thúc đẩy tiêu dùng nội địa, nhưng theo giới phân tích, kế hoạch này vẫn thiếu chi tiết.
Ông Bành Sâm, cựu quan chức cấp cao tại cơ quan hoạch định kinh tế quốc gia Trung Quốc, cho rằng cần có một sự thay đổi đáng kể để hướng nền kinh tế nước này sang mô hình tăng trưởng dựa trên tiêu dùng.
Mỹ Hân