Trung tâm chăm sóc khách hàng EVNHCMC quá tải sau sáp nhập

Trung tâm chăm sóc khách hàng EVNHCMC quá tải sau sáp nhập
8 giờ trướcBài gốc
Ông Bùi Trung Kiên, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) phát biểu tại họp báo chiều 3/7. Ảnh: Thảo Liên.
Theo Nghị quyết số 202 của Quốc Hội về việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, từ ngày 1/7, các tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu đã thực hiện sáp nhập cùng TP.HCM. Tổng công ty Điện lực TP.HCM tiếp nhận, quản lý 2 công ty điện lực trên địa bàn Bình Dương và Bà Rịa Vũng Tàu (cũ). Do đó, 2 công ty điện lực này là đơn vị trực thuộc Tổng công ty Điện lực TP.HCM, thay cho Tổng công ty Điện lực Miền Nam.
Tại buổi họp báo kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM chiều 3/7, ông Bùi Trung Kiên, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) cho biết sau 2 ngày sáp nhập, EVNHCMC gặp khó khăn trong việc chuyển đổi ứng dụng chăm sóc khách hàng.
Trước đây, khách hàng ở Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) tiếp cận với điện lực thông qua ứng dụng chăm sóc khách hàng của Tổng công ty Điện lực miền Nam. Sau sáp nhập, khách hàng phải cài đặt lại ứng dụng chăm sóc khách hàng của EVNHCMC để tiếp nhận thông tin, phản ánh tình trạng mất điện hoặc các yêu cầu về dịch vụ điện.
"Việc chuyển đổi này dẫn đến tình trạng trung tâm chăm sóc khách hàng bị quá tải cục bộ, khi tiếp nhận lượng lớn cuộc gọi từ người dân yêu cầu xử lý sự cố. Hậu quả, một số khách hàng không thể liên lạc hoặc gặp được tổng đài viên", ông Kiên thừa nhận.
Ông Kiên cho biết đã có phản ánh về việc cuộc gọi bị tính phí nhưng phải gọi nhiều lần mới kết nối được tổng đài.
Ngoài ra, ông Kiên cũng lưu ý khách hàng sử dụng điện về việc lợi dụng chủ trương sắp xếp, sáp nhập các đơn vị điện lực, các đối đối tượng xấu có thể lại tiếp tục thực hiện các cuộc gọi mạo danh nhân viên ngành điện để lừa đảo.
Nếu khách hàng nhận được cuộc gọi nghi ngờ mạo danh “Điện lực” hoặc xưng danh là “Công ty điện lực” nhưng không nói rõ tên, địa bàn quản lý của công ty điện lực, hoặc thông tin không rõ ràng, minh bạch, khách hàng cần cảnh giác, không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng hoặc thông tin sử dụng điện cho người lạ để tránh bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, đồng thời liên hệ trực tiếp cho EVNHCMC để được xác minh có biện pháp xử lý kịp thời.
Lãnh đạo EVNHCMC khuyến khích khách hàng sử dụng ứng dụng chăm sóc khách hàng của ngành điện vì cho phép gọi trực tiếp đến tổng đài trung tâm chăm sóc khách hàng miễn phí, giúp cải thiện trải nghiệm khách hàng và tránh việc phải gọi nhiều lần hoặc trả phí.
Về thanh toán tiền điện, EVNHCMC cho biết việc thanh toán không thay đổi, người dùng có thể tiếp tục chi trả tiền điện như bình thường mà không cần lo lắng về việc bị cắt điện do không thanh toán được.
Người sử dụng điện cần lưu ý khi thanh toán trực tiếp trên các ứng dụng ngân hàng, cần chọn "Tổng công ty Điện lực TP.HCM" thay vì "Tổng công ty Điện lực miền Nam" như trước.
Đối với khách hàng tại khu vực Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) cần thực hiện thanh toán qua cổng dịch vụ của Tổng công ty Điện lực TP.HCM. Những khách hàng đã đăng ký hình thức trích nợ tự động hoặc ủy nhiệm thanh toán cần liên hệ ngân hàng để thay đổi thông tin sang số tài khoản mới của EVNHCMC, nhằm tránh gián đoạn giao dịch.
Riêng với khách hàng tại khu vực TP.HCM (cũ), sau khi sắp sếp tinh gọn các công ty điện lực thì khách hàng sử dụng điện các huyện Nhà Bè, Cần Giờ (cũ) thanh toán tiền điện qua số tài khoản của Công ty Điện lực Tân Thuận; khách hàng các quận 10, Phú Nhuận, Tân Bình (cũ) thanh toán tiền điện qua số tài khoản Công ty Điện lực Sài Gòn; khách hàng các quận 11, Tân Phú (cũ) thanh toán tiền điện qua số tài khoản Công ty Điện lực Chợ Lớn; khách hàng quận Gò Vấp (cũ) thanh toán tiền điện qua số tài khoản Công ty Điện lực Gia Định.
Trong 2 ngày đầu tiên sau sáp nhập, ông Kiên thông tin số lượng khách hàng của Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) đã chuyển đổi qua ứng dụng của EVNHCMC đạt gần 100.000 lượt, so với tổng số hơn 1 triệu khách hàng và khoảng 600.000 lượt cài đặt ứng dụng cũ.
Thảo Liên
Nguồn Znews : https://znews.vn/trung-tam-cham-soc-khach-hang-evnhcmc-qua-tai-sau-sap-nhap-post1565758.html