Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM: Đột phá để vươn tầm khu vực

Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM: Đột phá để vươn tầm khu vực
4 ngày trướcBài gốc
Chiều 28-3, tại TP.HCM đã diễn ra hội nghị Xây dựng Trung tâm tài chính tại Việt Nam dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng và Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được.
Những đột phá quan trọng
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Được - Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết việc Trung ương lựa chọn TP.HCM là nơi đặt Trung tâm tài chính quốc tế (IFC) toàn diện là vinh dự lớn, đồng thời là trọng trách nặng nề mà Đảng bộ, chính quyền và người dân thành phố sẽ nỗ lực hết mình để thực hiện thành công.
TP.HCM là nơi hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để đảm nhận vai trò đầu tàu trong chiến lược xây dựng IFC, bởi TP sở hữu nền tảng kinh tế năng động và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Cạnh đó, TP.HCM đóng góp khoảng 15,5% GDP cả nước, chiếm hơn 25,3% tổng thu ngân sách quốc gia và gần 11,3% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Ông Nguyễn Văn Được, Chủ tịch UBND TP.HCM. Ảnh: THUẬN VĂN
TP.HCM đã có những thiết chế cơ bản cho thị trường tài chính hiện đại, bao gồm thị trường chứng khoán, thị trường vốn, các trung tâm thanh toán, hạ tầng ngân hàng số và các ứng dụng tài chính công nghệ đã được vận hành một cách bài bản.
Thành phố cũng có vị trí địa lý chiến lược, đồng thời thị trường tài chính tại TP.HCM đã có những kết nối chặt chẽ với các trung tâm tài chính lớn trong khu vực như Singapore, Hong Kong, Thượng Hải, Tokyo... thông qua các hoạt động đầu tư và thương mại.
Việc phát triển Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM không chỉ mang lại lợi ích kinh tế - xã hội thiết thực cho thành phố và cả nước mà còn tạo ra sức lan tỏa tới các đô thị lân cận và cả khu vực Đông Nam Á. Đây sẽ là nền tảng để TP.HCM nâng cao năng lực quản trị đô thị, phát triển bền vững và mở rộng hợp tác toàn diện với các đối tác toàn cầu.
Ông Nguyễn Văn Được - Chủ tịch UBND TP.HCM
Tại hội nghị, ông Andrew Oldland, Trưởng nhóm công tác về Trung tâm tài chính quốc tế, Tổ chức TheCityUk, cho biết trong hơn hai năm qua, TheCityUk đã hợp tác với Việt Nam xây dựng đề án IFC. Hiện đã đi đến giai đoạn cuối cùng để tạo ra những chính sách đột phá và khung pháp lý quan trọng cho IFC của Việt Nam.
“IFC tại Việt Nam sẽ có một bản sắc riêng so với các IFC của các nước khác, với những nắm bắt xu hướng đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính.
Để phát triển IFC thành công, Việt Nam cần xây dựng và duy trì một môi trường pháp lý ổn định, minh bạch và dễ dự đoán. Các chính sách ưu đãi đầu tư cần được thiết kế rõ ràng, nhất quán và có hiệu lực lâu dài, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tiếp theo, IFC cần được quản lý bởi đội ngũ chuyên gia giỏi, có năng lực và kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính quốc tế. Cần trao quyền tự chủ và trách nhiệm rõ ràng cho ban lãnh đạo IFC để họ có thể đưa ra các quyết định nhanh chóng và hiệu quả. Thiết lập các cơ chế hoạt động theo chuẩn mực quốc tế, đảm bảo tính minh bạch, công bằng và cạnh tranh” - ông Andrew Oldland nói.
Đại biểu lắng nghe ý kiến của các chuyên gia trong việc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM. Ảnh: THUẬN VĂN
PGS.TS Trần Hoàng Ngân - Chuyên gia kinh tế nhìn nhận sự đổi mới và sáng tạo cho IFC cần tập trung vào xây dựng các sản phẩm tài chính mới, một yếu tố vô cùng quan trọng.
Các sản phẩm tài chính sáng tạo sẽ không chỉ đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư mà còn tạo ra sự khác biệt, tăng tính hấp dẫn và cạnh tranh cho trung tâm này trong bối cảnh có nhiều trung tâm tài chính quốc tế khác trong khu vực.
Những sản phẩm tài chính mới, bao gồm các mô hình như sàn giao dịch tiền số thử nghiệm, sàn giao dịch gọi vốn cho các startup thông qua ICO và sàn giao dịch chứng khoán phi tập trung, sẽ là công cụ hữu hiệu để thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là trong thời đại công nghệ số và tài chính phi tập trung đang phát triển mạnh mẽ.
Việc triển khai những sản phẩm này sẽ tạo ra một hệ sinh thái tài chính linh hoạt, an toàn và hiện đại, đồng thời mở rộng khả năng kết nối với các thị trường tài chính quốc tế, giúp trung tâm tài chính TP.HCM tăng cường sự hấp dẫn và nâng cao vị thế trên bản đồ tài chính toàn cầu.
“Thông qua việc áp dụng các công nghệ tiên tiến như blockchain, hợp đồng thông minh và hệ thống bảo mật phi tập trung, các mô hình này không chỉ giải quyết những thách thức hiện tại của thị trường tài chính mà còn mở ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và nhà đầu tư.
Sự tích hợp của các yếu tố này sẽ tạo nên một thị trường tài chính số không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư quốc tế, nâng tầm vị thế của Việt Nam trên bản đồ tài chính toàn cầu” – PGS.TS Trần Hoàng Ngân nói.
Việt Nam đang xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính nhằm mục tiêu thiết lập khung hành lang pháp lý mở, minh bạch, có chính sách ưu đãi đặc thù, vượt trội, phù hợp với thông lệ quốc tế. Đồng thời chuẩn bị các điều kiện nền tảng để phát triển Trung tâm tài chính tại Việt Nam. Định hướng lớn xuyên suốt như sau:
Thứ nhất, tiếp tục mở cửa mạnh mẽ lĩnh vực tài chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các định chế tài chính quốc tế hoạt động hiệu quả, minh bạch, công bằng, phù hợp thông lệ quốc tế.
Thứ hai, triển khai rõ ràng lộ trình hình thành Trung tâm tài chính tại Việt Nam vào năm 2035, kết nối tương hỗ chặt chẽ với các trung tâm tài chính quốc tế lớn trong khu vực và trên thế giới, hướng đến hình thành mạng lưới tài chính liên kết, không cạnh tranh trực tiếp.
Thứ ba, thúc đẩy thử nghiệm các cơ chế tài chính tiên tiến, đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ tài chính, đặc biệt là fintech, blockchain, ứng dụng trí tuệ nhân tạo; phát triển mạnh tài chính xanh, khuyến khích các sản phẩm bền vững, các quỹ đầu tư theo chuẩn thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm, tiêu chuẩn môi trường - xã hội - quản trị (ESG).
Thứ tư, tăng cường kết nối với các trung tâm tài chính để phát triển nhân lực chất lượng cao, hợp tác đào tạo và nâng cao quản trị tài chính theo chuẩn quốc tế.
Thứ năm, đảm bảo ổn định thị trường tài chính, quản lý rủi ro và bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư. Đây là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam nhằm xây dựng môi trường đầu tư an toàn và bền vững tại các trung tâm tài chính.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng
Cơ hội vàng cho nền kinh tế
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng khẳng định việc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế không phải là nội dung mới trên thế giới nhưng đối với Việt Nam đây là bài toán khó và chưa có tiền lệ.
Song với những lợi thế sẵn có, như vị trí chiến lược ở ngã tư quốc tế giữa các con đường hàng hải, là tâm điểm của khu vực Đông Nam Á, múi giờ khác biệt với 21 trung tâm tài chính lớn nhất toàn cầu, thuận lợi thu hút dòng vốn nhàn rỗi trong thời gian nghỉ giao dịch từ các trung tâm này, Việt Nam sẽ vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội nhưng cũng không cầu toàn để mất thời cơ.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: THUẬN VĂN
“Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để tham gia và định vị vai trò trong chuỗi thị trường tài chính toàn cầu với vị trí địa chính trị quan trọng, kinh tế vĩ mô ổn định và môi trường đầu tư ngày càng cải thiện.
Những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra đều mang tính phấn đấu rất cao, đòi hỏi tư duy đổi mới, cải cách mạnh mẽ và nỗ lực hành động để tạo đột phá, đóng góp quan trọng vào sự phát triển ổn định và bền vững của khu vực và toàn cầu.
Chúng tôi cam kết xây dựng một mô hình mở, minh bạch, hiện đại và thân thiện với nhà đầu tư quốc tế, đồng thời đảm bảo sự ổn định và an toàn của hệ thống tài chính quốc gia“ - Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân - Đại học Kinh tế TP.HCM cho biết trong khi chờ đợi IFC chính thức đi vào hoạt động, TP.HCM cần thực hiện những bước đi mạnh mẽ và quyết đoán để thúc đẩy quá trình triển khai các hoạt động cần thiết.
Đầu tiên, việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho IFC là cực kỳ quan trọng, bao gồm các hạ tầng phục vụ cho hoạt động tài chính quốc tế như hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số hiện đại, hạ tầng giao thông, và hạ tầng văn hóa xã hội.
Bên cạnh đó, việc thu hút nhân lực tài chính toàn cầu và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các công tác quản lý, điều hành, giám sát và trọng tài quốc tế là vô cùng quan trọng.
Thêm vào đó, chuẩn bị kỹ lưỡng kế hoạch triển khai các thể chế chính sách sau khi Quốc hội thông qua là một yếu tố then chốt. Thành phố cần có những chính sách thu hút các tập đoàn tài chính lớn trên thế giới, thu hút nhân lực cao cấp tài chính toàn cầu và xây dựng các quy chế hoạt động rõ ràng và minh bạch.
Điều này sẽ tạo ra một môi trường pháp lý ổn định, khuyến khích các nhà đầu tư và doanh nghiệp quốc tế tham gia vào IFC.
Các chuyên gia đóng góp các cơ chế phát triển cho Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM. Ảnh: THUẬN VĂN
Theo TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, một trung tâm tài chính quốc tế đòi hỏi lực lượng lao động chuyên nghiệp, có trình độ cao trong các lĩnh vực then chốt như tài chính, ngân hàng, blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI) và quản trị rủi ro. Đồng thời đủ khả năng cung cấp các dịch vụ chuyên nghiệp và chất lượng, đây là nền tảng để phát triển và duy trì khả năng cạnh tranh của các trung tâm tài chính.
TP.HCM cần có chiến lược phát triển nguồn nhân lực dài hạn với các giải pháp cụ thể, xây dựng hệ sinh thái và chính sách đãi ngộ hấp dẫn cho chuyên gia tài chính trong và ngoài nước để định cư và làm việc tại trung tâm tài chính TP.HCM.
Cùng với đó là thiết lập các khóa đào tạo chuyên biệt để giải quyết tình trạng thiếu hụt kỹ năng trong các lĩnh vực tài chính và công nghệ. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng đào tạo, bao gồm trung tâm nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính và công nghệ.
Theo Tập đoàn tư vấn Roland Berger (Đức), để tạo dựng một IFC thành công, TP.HCM cần triển khai quyết liệt các chính sách mang tính đột phá từ Chính phủ, thực thi các giải pháp thu hút nhà phát triển và nhà đầu tư, cùng các khuyến khích chung nhằm định hình một trung tâm tài chính tầm cỡ quốc tế tại Việt Nam.
Chẳng hạn, TP.HCM có thể cân nhắc áp dụng chính sách ưu đãi thuế vượt trội, như thuế thu nhập doanh nghiệp nên được giảm xuống 10% trong 15 năm hoặc miễn hoàn toàn trong 4 năm đầu và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo.
Tương tự mô hình Dubai và Dublin, việc miễn và giảm thuế cho các quỹ quản lý cũng sẽ khuyến khích các quỹ đầu tư hàng đầu đầu tư vào trung tâm và thúc đẩy tài chính xanh nhờ vào sự hỗ trợ từ Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Về mặt thu hút nhà phát triển và nhà đầu tư, TP.HCM có thể học hỏi kinh nghiệm từ Dubai trong việc xây dựng hạ tầng hiện đại trong bán kính 25 km, kết hợp với công nghệ tiên tiến để tạo điều kiện phát triển tối ưu. Ngoài ra, các công ty công nghệ tài chính (FinTech) cần được ưu tiên đặc biệt thông qua hỗ trợ hạ tầng và ưu đãi thuế, lấy cảm hứng từ cách tiếp cận của Thụy Sĩ trong việc phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Cuối cùng, các chính sách khuyến khích chung nên tập trung vào thu hút nhân tài quốc tế.
Lấy ví dụ từ Busan, phía Roland Berger cho rằng TP.HCM có thể áp dụng chương trình cấp visa nhanh trong vòng 15 ngày cho nhân sự cấp cao hoặc miễn phí cấp phép trong năm đầu tiên. Các chính sách, ưu đãi này sẽ giúp thành phố tạo lợi thế cạnh tranh, đồng thời định vị TP.HCM như một trung tâm tài chính hiện đại, dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ tài chính và ngân hàng xanh trên trên khu vực và toàn cầu.
PHƯƠNG MINH. Ảnh: THUẬN VĂN
Nguồn PLO : https://plo.vn/trung-tam-tai-chinh-quoc-te-tai-tphcm-dot-pha-de-vuon-tam-khu-vuc-post841376.html