Kế hoạch tái cấu trúc toàn cầu Re:Nissan vừa bước sang giai đoạn quyết liệt hơn khi CEO Ivan Espinosa xác nhận nhà máy Oppama tại Nhật sẽ ngừng hoạt động vào tháng 3/2028. Ảnh minh họa/Reuters
Tập đoàn ô tô Nissan vừa chính thức xác nhận sẽ dừng hoạt động sản xuất tại nhà máy Oppama vào cuối tài khóa 2027 (tức tháng 3/2028), trừ khi có nhà đầu tư mua lại. Đây là một phần trong kế hoạch tái cấu trúc toàn cầu mang tên Re:Nissan do CEO mới Ivan Espinosa khởi xướng. Theo đó, Nissan sẽ giảm số lượng nhà máy từ 17 xuống còn khoảng 10, cắt giảm 20.000 nhân sự trên toàn cầu và hạ công suất từ 3,5 triệu xuống còn 2,5 triệu xe mỗi năm…
Việc đóng cửa Oppama, nơi hiện có khoảng 3.900 lao động và công suất đạt 240.000 xe mỗi năm, được xem là quyết định khó khăn nhưng là bước đi cần thiết nhằm tập trung nguồn lực vào các nhà máy hiệu quả hơn như Kyushu. Dù vậy, khoảng 2.400 công nhân sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp, chưa kể hàng trăm doanh nghiệp phụ trợ, nhà cung cấp và dịch vụ hậu cần trong khu vực cũng đứng trước nguy cơ mất việc hoặc sụt giảm doanh thu.
Thành lập từ năm 1961 tại tỉnh Kanagawa, nhà máy Oppama là một trong những cơ sở sản xuất ô tô chủ lực và mang tính biểu tượng của Nissan. Trong suốt hơn 64 năm hoạt động, nhà máy đã sản xuất hơn 17,8 triệu xe, trong đó có những dòng xe nổi bật như Leaf, Cube, March (Micra), Note và Aura.
Đặc biệt, vào năm 1970, Oppama trở thành nhà máy đầu tiên tại Nhật Bản áp dụng robot hàn vào dây chuyền sản xuất – một bước tiến mang tính cách mạng về công nghệ thời bấy giờ, giúp nâng cao đáng kể năng suất và chất lượng sản phẩm.
Đây cũng là nơi tiên phong trong việc phát triển xe điện, góp phần đưa Nissan trở thành một trong những thương hiệu đầu tiên trên thế giới thương mại hóa xe điện đại trà với mẫu Leaf. Thành công toàn cầu của Leaf đã khẳng định vai trò chiến lược của Oppama trong việc dẫn dắt Nissan chuyển mình sang công nghệ xanh, thân thiện với môi trường.
Nhà máy Oppama của Nissan. Ảnh: Jiji Press.
Hiện nay, trong bối cảnh Nissan đang đối mặt với khủng hoảng tài chính và buộc phải tái cấu trúc sâu rộng, việc đóng cửa nhà máy Oppama là một phần trong chiến lược hướng tới tương lai. Điều này cũng đồng nghĩa với việc khép lại một biểu tượng lịch sử, nơi từng ghi dấu những cột mốc đổi mới và mở rộng toàn cầu của hãng.
Tuy nhiên, Nissan cho biết sẽ tiếp tục duy trì các cơ sở nghiên cứu, khu thử nghiệm va chạm và bến cảng xuất khẩu tại Oppama nhằm giảm thiểu tác động đến cộng đồng địa phương. Đồng thời, hãng đang xem xét nhiều phương án tái sử dụng nhà xưởng, bao gồm khả năng hợp tác với Foxconn để phát triển xe điện tại cơ sở này.
Hãng cũng đang tiến hành đơn giản hóa hoạt động kinh doanh bằng cách giảm số lượng khung gầm từ 13 xuống còn 7 và cắt giảm tới 70% số lượng linh kiện sử dụng. Một đội ngũ chuyên trách gồm 3.000 người đã được giao nhiệm vụ tối ưu hóa chi phí trên toàn hệ thống toàn cầu.
Năm 2024, Nissan ghi nhận khoản lỗ ròng lên tới 671 tỷ yen (tương đương 4,5 tỷ USD). Kế hoạch xây dựng nhà máy pin trị giá 1 tỷ USD cũng bị tạm hoãn, trong khi thương vụ sáp nhập với Honda đổ vỡ. Trước sức ép cạnh tranh, thị phần suy giảm và chi phí sản xuất tăng cao, đặc biệt là nguy cơ từ mức thuế quan nhập khẩu 25% của Mỹ, Nissan buộc phải điều chỉnh để có thể tồn tại.
Vũ Đậu