Khi nhà giáo phải “đóng vai ác”
Năm học 2025-2026, Sở GD&ĐT Hà Nội giao 77 trường THPT tư thục trên địa bàn thành phố tuyển sinh 27.919 chỉ tiêu vào lớp 10; giao 12.080 chỉ tiêu lớp 10 cho 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố và trên 79.000 chỉ tiêu cho các trường THPT công lập.
Học sinh Hà Nội thi tuyển sinh lớp 10 vừa qua. Ảnh: ĐỨC NGUYỄN
Năm 2025, toàn thành phố có khoảng 127.000 học sinh xét tốt nghiệp THCS. Trong số này có trên 102.000 học sinh tham gia dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập do Sở GD&ĐT tổ chức. Như vậy, chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 công lập đạt khoảng 77% trong tổng số thí sinh dự thi, và đạt 62% tổng số thí sinh tốt nghiệp THCS.
Nếu tính số thí sinh dự thi, Hà Nội năm nay có khoảng 23.000 thí sinh trượt lớp 10 công lập. Còn nếu so với giá trị tuyệt đối thí sinh tốt nghiệp THCS, có khoảng 48.000 học sinh không được học lớp 10 công lập. Như vậy, cứ 3 học sinh tốt nghiệp THCS thì có một em không được học lớp 10 công lâp. Đây là nguyên nhân khiến kỳ thi vào lớp 10 trở thành nỗi ám ảnh với nhiều bậc phụ huynh.
Việc đặt ra tỉ lệ phân luồng sau THCS đang tạo sức ép lên phụ huynh, ngành giáo dục khi thực hiện tuyển sinh lớp 10. Bên cạnh đó, nguy cơ làm tụt hậu chất lượng nguồn nhân lực hiện hữu khi mặt bằng chung học vấn của người lao động chỉ ở trình độ THCS.
Sức ép này còn tác động đến giáo viên, ban giám hiệu các trường THCS. Nhiều giáo viên bất đắc dĩ phải “đóng vai ác” khi thực hiện nhiệm vụ tư vấn cho phụ huynh chuyển hướng lựa chọn học nghề cho con em (vì lực học yếu). Một giáo viên chia sẻ, nhận nhiệm vụ này, trước khi đối diện với phụ huynh cũng phải nâng lên đặt xuống, phải tìm hiểu hoàn cảnh gia đình của học sinh. Bởi nếu không, khi tư vấn dễ dẫn đến hiểu nhầm, gây tổn thương cho học sinh, phụ huynh hoặc thậm chí ngược lại, chính giáo viên bị tổn thương do phụ huynh phản ứng thái quá.
Ghi nhận những năm qua, kết thúc học kì I, trên mạng xã hội hoặc qua thư bạn đọc, một số phụ huynh bức xúc khi con em được giáo viên chủ nhiệm “xui” không thi tuyển sinh lớp 10, nên đi học nghề. Thậm chí, nhiều trường THCS sợ ảnh hưởng đến thi đua, đến thương hiệu, từ lớp 8 đã gợi ý, thỏa thuận với những phụ huynh có con học lực yếu chuyển trường.
Thương con nhưng bất lực
Chị Nguyễn Thị Nhung, phường Phú Diễn, Hà Nội, chia sẻ, hai con trai từng rơi vào tình cảnh kết thúc năm học lớp 8, giáo viên chủ nhiệm gợi ý chuyển trường vì con không phù hợp với môi trường học tập hiện tại. Mỗi lần như thế, chị Nhung cảm thấy vừa thương con, vừa bất lực trước những quy định “ngầm” trong môi trường giáo dục.
“Dù biết năng lực của các con có hạn, nhưng gia đình vẫn muốn con được học hết THPT. Chúng tôi lựa chọn cho con học tiểu học, THCS công lập. Gia đình sớm xác định lên THPT, con học ngoài công lập. Nhưng học xong lớp 8, chúng tôi đều phải chuyển 2 con ra trường ngoài công lập. Học ngoài công lập thêm gánh nặng chi phí cho gia đình nhưng chúng tôi ngậm ngùi chấp nhận”, chị Nhung nói.
Mùa thi năm 2024, một số phụ huynh của lớp 9 Trường THCS Tiến Thịnh (huyện Mê Linh cũ, Hà Nội) phản ánh, con họ nằm trong số học sinh không được phát tờ đơn đăng kí dự thi vào thời điểm Sở GD&ĐT quy định.
Điều này không được trao đổi, bàn bạc với phụ huynh và học sinh. Đến đầu tháng 5, gia đình mới nhận ra con mình không có tên trong danh sách đăng kí dự thi. Khi các phụ huynh này đề nghị cho con đăng kí dự thi, nhà trường cho biết tất cả cổng đăng ký dự thi vào lớp 10 đã đóng.
Trường THCS Tiến Thịnh có khoảng 30 học sinh không thi vào lớp 10, trong đó lớp 9B nhiều nhất với 9 học sinh. Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, chủ nhiệm lớp 9B, phân trần, kết quả học tập thấp, khả năng thi tuyển vào lớp 10 rất khó nên đã phân tích, định hướng cho các con đăng kí vào trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.
Bộ Trưởng GD&ĐT: Cách phân luồng 'rất cứng nhắc'
Trong một lần về thực tế tại tỉnh Bắc Giang cũ (nay là tỉnh Bắc Ninh), lãnh đạo Sở GD&ĐT Bắc Giang chia sẻ lo lắng khi tỉ lệ học sinh của địa phương tốt nghiệp THCS không học THPT hoặc tốt nghiệp THPT không xét tuyển đại học cao dần.
“Bắc Giang có nhiều khu công nghiệp, học sinh tốt nghiệp THCS hoặc THPT có thể định hướng làm công nhân trong các nhà máy, doanh nghiệp. Thu nhập công nhân đủ sống nên phụ huynh không muốn con học lên cao. Nhưng người dân đâu biết rằng, chỉ sau tuổi 35, họ có nguy cơ mất việc, khi đó, trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn không có, họ lấy gì nuôi thân và gia đình”, vị lãnh đạo sở nói.
Kì thi lớp 10 được so sánh căng thẳng hơn kì thi ĐH nên học sinh rất cần sự đồng hành của gia đình. Ảnh: ĐỨC NGUYỄN
Những lo lắng này có cơ sở hơn trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh mạnh như hiện nay. Thực tế, trong cơ quan nhà nước, một số ngành nghề đã nâng chuẩn đối với người lao động. Ví dụ, theo Luật Khám, chữa bệnh năm 2023, đến năm 2027 sẽ không cấp chứng chỉ hành nghề cho y sĩ trình độ trung cấp, đồng nghĩa với việc xóa sổ hệ trung cấp ngành này, những người đang làm việc chưa đạt trình độ từ cao đẳng phải đi học nâng chuẩn.
Luật Giáo dục 2019 quy định, chuẩn giáo viên mầm non từ cao đẳng trở lên, giáo viên tiểu học, THCS, THPT từ đại học trở lên. Như vậy, các trường cao đẳng sư phạm địa phương không còn nhiệm vụ đào tạo giáo viên tiểu học, THCS như trước đây; giáo viên chưa đạt chuẩn phải tiếp tục học nâng chuẩn.
Thực tế những năm qua cho thấy, việc phân luồng 40% học sinh THCS đi học nghề và 60% tiếp tục học THPT công lập tạo ra áp lực rất lớn cho các kì thi tuyển sinh vào lớp 10. Vĩnh Phúc cũ (nay là tỉnh Phú Thọ) nhiều năm qua là địa phương thực hiện chính sách "rắn" về phân luồng sau THCS, thậm chí gây bức xúc, khiếu nại trong nhân dân. Trong khi tỉ lệ phân luồng học sinh sau THCS của cả nước bình quân đạt 17,8%, Hà Nội thi lớp 10 căng thẳng nhưng thực tế phân luồng chỉ đạt khoảng 12%.
Trao đổi tại nghị trường Kì họp thứ 19, Hội đồng Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc khóa XVII, một số đại biểu bày tỏ quan ngại tỉ lệ phân luồng quá cao của tỉnh những năm qua đang tạo nhiều áp lực và thiệt thòi, thậm chí cả hệ lụy cho học sinh, gia đình và xã hội. Tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học THPT của Vĩnh Phúc giảm dần qua các năm học, từ khoảng 70% năm 2019 xuống còn khoảng 63% năm 2024. Điều này gây áp lực cho học sinh trong kì thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT hằng năm.
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng GD&ĐT sáng 20/6, đại biểu Nguyễn Công Long, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội, cho rằng cần xem lại tỉ lệ phân luồng 40% sau THCS. Vì bối cảnh mới đặt ra yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhân lực phải đủ năng lực để tiếp cận chuyển đổi số, kỉ nguyên số, trí tuệ nhân tạo.
Thực tế đặt ra yêu cầu nhưng nhân lực chỉ đáp ứng mặt bằng học vấn THCS thì rất khó có thể thực hiện được mục tiêu đổi mới. Trước chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhìn nhận, việc phân luồng theo tỉ lệ 40-60%, tức 40% sau THCS sẽ vào trường nghề là cách phân chia "rất cứng nhắc, thiếu căn cứ khoa học và thực tiễn". Do đó, Bộ GD&ĐT đang biên soạn đề xuất một nghị định khác thay thế.
Nghiêm Huê