Qua hơn 2 năm xây dựng và phát triển, Câu lạc bộ là nơi quy tụ của 15 thành viên là thanh niên thôn Đăk Mút, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt, dưới sự dẫn dắt của chàng thanh niên sinh năm 1998 A Nguyên - Trưởng thôn Đăk Mút.
Mô hình chăn nuôi dê của các thành viên Câu lạc bộ Thanh niên tôn giáo phát triển kinh tế.
Dám nghĩ dám làm
Câu chuyện bắt đầu từ khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào thăm thôn Đăk Mút, xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà vào năm 2011. Khi đó, A Nguyên vẫn là một cậu học trò, nhưng vẫn luôn ấn tượng và ghi nhớ lời căn dặn của Tổng Bí thư.
“Tôi nhớ khi đó, Tổng Bí thư căn dặn bà con phải cố gắng thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn bản sắc văn hóa. Là thế hệ trẻ, tôi nghĩ cần phải thay đổi nếp ghĩ của chính bản thân mình. Thanh niên cần làm chủ được kinh tế gia đình, bởi có kinh tế thì mới có thể làm được những việc khác”, anh A Nguyên chia sẻ.
Nghĩ là làm, năm 2021, sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật kinh tế, A Nguyên trở về địa phương, được tín nhiệm bầu làm Phó Bí thư Đoàn xã Đăk Mar. Phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ, tháng 10/2022, anh A Nguyên thành lập Câu lạc bộ Thanh niên tôn giáo phát triển kinh tế.
“Thời điểm mới thành lập, việc khó khăn nhất là làm thế nào để thanh niên trong thôn tham gia vào câu lạc bộ. Vì nhiều yếu tố như tư duy kinh tế, không muốn tạo sự đột phá hoặc do nhiều lí do mà các thanh niên chưa tham gia khiến tôi gặp nhiều khó khăn. Để các bạn hiểu, bản thân tôi và thành viên chủ nhiệm câu lạc bộ đã tự phát triển mô hình kinh tế mới như nuôi lợn, nuôi gà. Khi thấy bán đàn gà thả vườn, thu về lợi nhuận hơn 15 triệu đồng, mọi người mới dần thay đổi suy nghĩ và tham gia câu lạc bộ”, anh A Nguyên chia sẻ.
Tháng 7/2023, anh A Nguyên được kết nạp vào Đảng, đồng thời, được 148 hộ dân thôn Đăk Mút tín nhiệm bầu làm trưởng thôn Đăk Mút kiêm Phó Bí thư Đoàn xã. Cùng với các nhiệm vụ được chính quyền và nhân dân giao phó, anh A Nguyên đã tiếp tục mở rộng số lượng thành viên và phát triển các mô hình kinh tế mới cho Câu lạc bộ Thanh niên tôn giáo phát triển kinh tế.
Đồng bào cùng chung sức
Từ khi thành lập, các thành viên Câu lạc bộ Thanh niên tôn giáo phát triển kinh tế và người dân đã tích cực tham gia làm kinh tế, rào vườn, làm vườn rau xanh... góp phần cùng cán bộ, nhân dân thôn Đăk Mút xây dựng làng dân tộc thiểu số kiểu mẫu. Các thành viên trong câu lạc bộ đã có thêm nhận thức về phát triển kinh tế hộ gia đình, nhiều kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi.
Chị Y Hội (sinh năm 1999) tham gia câu lạc bộ từ đầu năm 2023. Ban đầu, kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn, thu nhập bấp bênh từ việc đi làm thuê. Mặc dù có ý tưởng nuôi gà, nhưng không có kinh phí, kinh nghiệm, chị Y Hội không thể hiện thực hóa ước mơ của mình.
A Nguyên (áo xanh) hướng dẫn các thành viên Câu lạc bộ Thanh niên tôn giáo phát triển kinh tế cách chăm sóc đàn gà của gia đình.
“Sau khi vào Câu lạc bộ, em đã bày tỏ ý tưởng nuôi gà thả vườn của mình. Sau đó, câu lạc bộ đã hỗ trợ con giống trị giá 3 triệu đồng; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, tiêm phòng dịch, vệ sinh chuồng trại. Đến nay, đàn gà của gia đình đã phát triển tốt, lên hơn 60 con, mang lại thu nhập ổn định. Nhờ đó, gia đình em đã đỡ vất vả hơn trước nhiều”, chị Y Hội cho biết.
Tương tự, chị Y Tuyết (sinh năm 1995) cũng là thành viên câu lạc bộ từ năm 2023. Không phải là hộ nghèo nhưng kinh tế gia đình của Y Tuyết cũng không quá đột phá khi chỉ dựa vào một ít đất canh tác nông nghiệp. Khi tham gia vào câu lạc bộ, Y Tuyết đã được giới thiệu, hướng dẫn và tham gia lớp tập huấn nuôi dê của huyện Đăk Hà. Nhờ đó, chị đã mạnh dạn đầu tư vào chăn nuôi dê. Hiện, đàn dê của gia đình chị đã phát triển nhanh số lượng, sau Tết Ấy Tỵ này sẽ xuất chuồng, hứa hẹn mang về giá trị lớn cho gia đình.
Ông Lê Xuân Hưng, Bí thư Đảng ủy xã Đăk Mar cho biết: Đảng ủy xã đánh giá cao hiệu quả hoạt động của Câu lạc bộ Thanh niên tôn giáo phát triển kinh tế. Từ mô hình chăn nuôi, cải tạo vườn tạp, chăm sóc cây cà phê, trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ… nay câu lạc bộ đã mang lại thu nhập ổn định cho các thành viên, tạo được hiệu ứng tích cực với cộng đồng.
Sau hơn 2 năm hoạt động hiệu quả, hiện các đoàn viên, thanh niên, thành viên của câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt hàng tháng để bàn bạc, thống nhất, hướng dẫn việc chăm sóc cây trồng, vật nuôi cũng như kiến thức phát triển kinh tế. Đặc biệt, thôn Đăk Mút đang phát triển các mô hình nuôi dê và chăm sóc cà phê, đồng thời cải tiến phương thức chăm sóc theo hướng hữu cơ, giúp giảm thiểu tác hại đến môi trường và nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, ông Lê Xuân Hưng chia sẻ.
“Năm 2025, câu lạc bộ xác định sẽ tiếp tục phát triển thêm các mô hình phát triển kinh tế mới; tặng các con giống, vật nuôi, giống rau cho các thành viên và người dân chăm chỉ chăn nuôi, làm mô hình rau. Đặc biệt, câu lực bộ kết nạp thêm ít nhất 3 thành viên mới, là những người đam mê khởi nghiệp để giúp câu lạc bộ ngày càng phát triển. Chúng tôi cũng sẽ đề xuất chính quyền địa phương hỗ trợ cho các thành viên vay vốn để sản xuất, phát triển các mô hình kinh tế mới, mang lại hiệu quả cao”, anh A Nguyên khẳng định.
Bài và ảnh: Dư Toán (TTXVN)