Học sinh Trường Tiểu học và THCS A Ngo hào hứng xung phong tham gia chương trình -Ảnh: T.N
Đầu tháng 4/2025, một chương trình ngoại khóa truyền cảm hứng đọc sách cho học sinh với chủ đề “Từ trang sách đến thế giới - Hành trình không cần hộ chiếu” lần đầu tiên được tổ chức tại Trường Tiểu học và THCS A Ngo, để lại ấn tượng trong nhiều người.
Trở về sau buổi nói chuyện với các em học sinh ngôi trường này, chị Nguyễn Thị Hải Oanh - người sáng lập và điều hành Công ty TNHH MTV Amazing English Tour (AET) chia sẻ: “Dù học tập ở một ngôi trường nhỏ nơi vùng sâu nhưng học sinh ở đây có nguồn năng lượng rất tích cực. Các em ngây thơ, trong trẻo, ham học hỏi và rất chịu khó lắng nghe. Đó là những mầm xanh đang khao khát lớn lên bằng tri thức. Tôi cũng rất ấn tượng bởi sự tận tụy và tâm huyết của thầy cô giáo nơi đây. Họ luôn chủ động tìm kiếm cơ hội cho học sinh của mình được tiếp cận với nguồn cảm hứng mới”, Hải Oanh chia sẻ.
Thầy giáo Ngô Duy Hưng, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS A Ngo cho hay, năm học 2024 - 2025, Trường Tiểu học và THCS A Ngo có 590 học sinh, nhà trường có 4 điểm trường, cách nhau khá xa nên buổi sinh ngoại khóa này chỉ có gần 300 học sinh ở điểm trường chính tham dự được. Hiện nay, thư viện nhà trường có khá đủ các thể loại sách truyện, sách tham khảo cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 9.
Theo lịch đọc hằng ngày thì học sinh có thể đến thư viện trong các buổi hoặc đọc sách tại lớp học. Tuy nhiên, vì thư viện chỉ đặt ở điểm trường chính nên ở các điểm trường lẻ, nhà trường bố trí các tủ sách đặt tại các lớp học hoặc ở phòng đợi giáo viên. “Học sinh ở đây đều là người dân tộc thiểu số, hoàn cảnh gia đình khó khăn, phụ huynh không có điều kiện để quan tâm, hướng dẫn hay mua thêm sách cho các em đọc.
Vì thế việc đọc chủ yếu diễn ra ở lớp, ở thư viện. Hiểu được thiệt thòi của các em điểm trường lẻ, nhân viên thư viện thường phối hợp với giáo viên chủ nhiệm luân chuyển, hoán đổi sách trong các điểm trường để giúp cho học sinh được tiếp cận sách một cách tối đa. Khó khăn lớn nhất là những ngày mưa gió, việc vận chuyển sách đi các điểm trường lẻ rất vất vả”, thầy Hưng bộc bạch.
Học sinh Trường Tiểu học và THCS A Ngo trả lời câu hỏi của chị Hải Oanh, người truyền cảm hứng đọc sách cho các em - Ảnh: T.N
Trong nhiều năm qua, để giúp học sinh tiếp cận, lựa chọn đúng loại sách và hình thành thói quen đọc sách, ngoài bố trí các tiết đọc tại thư viện, nhà trường cũng tổ chức các hoạt động, hội thi, chương trình ngoại khóa về đọc sách, tìm hiểu về sách.
Hưởng ứng ngày Sách và Văn hóa đọc năm 2025, bên cạnh chấm sản phẩm Sổ tay đọc sách của học sinh (hội thi thường niên của trường), nhà trường liên hệ AET tổ chức buổi ngoại khóa nhằm mang đến một làn gió mới cho học sinh trong việc đọc sách, văn hóa đọc sách thông qua những câu chuyện người thật, việc thật, vượt khó vươn lên trong học tập để thành công như hôm nay của chị Nguyễn Thị Hải Oanh - người sáng lập và điều hành AET. Đồng thời giúp cho học sinh có cách tiếp cận mới về sách.
Với lối dẫn chuyện tự nhiên, chị Hải Oanh đã chia sẻ với các bạn nhỏ hành trình nỗ lực của một “cô giáo làng” với lớp học ban đầu chỉ 2 - 3 em học sinh trở thành người sáng lập và điều hành AET - một doanh nghiệp tiên phong chuyên tổ chức các tour du lịch giáo dục - học tiếng Anh qua trải nghiệm dành cho học sinh từ 8 - 17 tuổi ở vùng nông thôn của Việt Nam. Từ câu chuyện của chính mình, chị Hải Oanh chia sẻ về hành trình đọc sách giúp phát triển bản thân, khai phá nội lực và mở cánh cửa ra thế giới thông qua khởi nghiệp và học tập suốt đời.
Chị Oanh cũng phân tích thói quen đọc trong thời đại công nghệ số, khơi gợi ý thức “đọc để không bị bỏ lại phía sau”; gợi ý cho các bạn học sinh cách duy trì thói quen đọc sách mỗi ngày, một thay đổi nhỏ nhưng tạo ra sức bật lớn cho tương lai. “Các em nên bắt đầu từ việc mình mong muốn đọc gì, khám phá điều gì, kể cả đó là một cuốn truyện tranh gắn liền với tuổi thơ của mình.
Khi đó, các em sẽ thấy đọc sách như là một sự thưởng thức và thư giãn vì làm điều mình thích. Dần dần, khi đã quen với việc đọc thường xuyên sẽ muốn đọc nhiều hơn thế và tự tạo thành thói quen một cách tự nhiên. Và để thói quen được duy trì lâu dài, các em nên tạo cho mình việc đọc sách vào giờ nhất định trong ngày với ít nhất là 30 phút”, chị Oanh nhấn mạnh.
Để tạo ra những nhân tố điển hình cho học sinh trong trường noi gương, thời gian qua, giáo viên Trường Tiểu học và THCS A Ngo đã tích cực huy động các nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài để xây dựng và duy trì thói quen đọc sách cho học sinh. Điển hình là em Hồ Thị Ngân, học sinh lớp 8A, được Quỹ học bổng Thiện Nhân Văn tài trợ 300.000 đồng/tháng để mua sách và hỗ trợ đồ dùng học tập.
Nguồn hỗ trợ này giúp Ngân tiếp cận được với nhiều quyển sách hay, từ đó em giới thiệu đến các bạn trong lớp, trong trường. “Mỗi một cuốn sách mang lại cho em những bài học quý báu, những cảm xúc khác nhau. Khi đọc em thường ghi lại những điều học được qua nhân vật trong sách, qua những gì sách đề cập. Việc làm này không chỉ giúp em nhớ lâu hơn mà còn tích lũy thêm được nhiều kiến thức bổ ích”, Ngân nói.
Thủy Ngọc