Từ 1/7/2025: Trốn đóng bảo hiểm xã hội sẽ bị xử lý như thế nào?

Từ 1/7/2025: Trốn đóng bảo hiểm xã hội sẽ bị xử lý như thế nào?
3 giờ trướcBài gốc
Tình trạng chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội đang gia tăng trong thời gian qua, khiến nhiều người lao động bị ảnh hưởng quyền lợi. Một trong những lý do khiến hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội phổ biến là do luật chưa phân tách rõ ràng, dẫn đến cơ quan quản lý rất khó xử phạt hành vi này.
Việc mạnh tay xử lý trốn đóng bảo hiểm xã hội sẽ góp phần nâng cao được trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người lao động. Ảnh minh họa
Vụ Pháp chế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nêu rõ, hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội là hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 17 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, tùy vào tính chất và mức độ vi phạm, có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự. Đối với Luật Bảo hiểm y tế, tại Điều 11, một trong những hành vi bị nghiêm cấm là không đóng hoặc đóng bảo hiểm y tế không đầy đủ theo quy định, chưa quy định hành vi về chậm đóng, trốn đóng.
Tuy nhiên, theo Vụ Pháp chế - Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, cơ quan bảo hiểm xã hội đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định hành vi trốn đóng để xử phạt vi phạm hành chính. Trong đó, do không có tách biệt rõ hành vi chậm đóng và trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế nên có sự khác nhau trong việc hiểu và xác định hành vi, xác định yếu tố lỗi và các yếu tố cấu thành tội phạm giữa các văn bản.
Nhằm tăng cường tính tuân thủ pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 có 1 chương để quy định về quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội; làm rõ nội hàm và việc xử lý hành vi chậm đóng và hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội.
Trong đó, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 bổ sung quy định cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm đôn đốc và hướng dẫn việc lập hồ sơ đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bổ sung các biện pháp xử lý hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội nhằm tăng cường tính tuân thủ pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Biện pháp xử lý đối với hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội gồm: Bắt buộc đóng đủ số tiền bảo hiểm xã hội chậm đóng, trốn đóng; nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp chậm đóng, trốn đóng và số ngày chậm đóng, trốn đóng; xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; không xem xét trao tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng.
Đặc biệt, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 quy định cụ thể biện pháp xử lý hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại Điều 41. Trong đó, Khoản 2 Điều 41 quy định rõ hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SBLAW, việc Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 đã đưa ra khái niệm rõ ràng về chậm đóng và trốn đóng bảo hiểm xã hội kỳ vọng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc thực hiện và theo dõi các quy định này. Khi có những định nghĩa cụ thể, các doanh nghiệp sẽ dễ dàng trong việc đối chiếu và thực hiện theo đúng quy định. Đồng thời, việc bổ sung các quy định, biện pháp xử lý là hoàn toàn hợp lý, từ đó góp phần ngăn chặn tình trạng trốn, nợ đóng bảo hiểm xã hội và nâng cao được trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người lao động.
Bảo Thoa
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/tu-172025-tron-dong-bao-hiem-xa-hoi-se-bi-xu-ly-nhu-the-nao-351987.html