Bổ sung thêm chế độ hỗ trợ, mở rộng linh hoạt trong tình huống đặc biệt
Theo khoản 1 Điều 30 Luật Việc làm 2025, bảo hiểm thất nghiệp bao gồm 4 chế độ:
Tư vấn, giới thiệu việc làm
Hỗ trợ người lao động đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề
Trợ cấp thất nghiệp
Hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo lại để duy trì việc làm cho người lao động
Đáng chú ý, khoản 2 Điều 30 bổ sung quy định mới cho phép Chính phủ linh hoạt can thiệp trong các tình huống đặc biệt như khủng hoảng, suy thoái kinh tế, dịch bệnh, thiên tai… bằng cách giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp hoặc hỗ trợ bằng tiền.
So với Luật Việc làm 2013, những thay đổi này giúp hệ thống an sinh xã hội thích ứng nhanh hơn với các biến động thực tế.
Ảnh minh họa
Làm rõ mức hưởng và thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp
Luật mới giữ nguyên công thức tính trợ cấp thất nghiệp, song bổ sung mức trần rõ ràng và điều chỉnh thời gian hưởng cụ thể hơn.
Mức trợ cấp hằng tháng = 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng gần nhất.
Mức tối đa: Không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng bảo hiểm cuối cùng.
Thời gian hưởng được tính như sau:
Đóng đủ từ 12 đến dưới 36 tháng: Hưởng 3 tháng
Mỗi 12 tháng đóng thêm: Hưởng thêm 1 tháng
Tối đa 12 tháng hưởng trợ cấp
Trong khi đó, Luật cũ (năm 2013) không quy định rõ trần tối đa, gây khó khăn trong tính toán và áp dụng.
Thời gian giải quyết hồ sơ nhanh hơn 5 ngày
Một điểm mới đáng chú ý là thời điểm bắt đầu hưởng trợ cấp thất nghiệp. Theo khoản 3 Điều 39 Luật Việc làm 2025, người lao động đủ điều kiện sẽ được hưởng trợ cấp sau 11 ngày làm việc kể từ ngày nộp đầy đủ hồ sơ.
So với quy định cũ là 16 ngày làm việc (khoản 3 Điều 50 Luật 2013), quy trình này đã được rút ngắn 5 ngày, tạo thuận lợi hơn cho người lao động.
Điều chỉnh điều kiện hưởng trợ cấp theo loại hợp đồng
Luật mới cũng phân loại rõ ràng điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo loại hợp đồng:
Với HĐLĐ từ 12 tháng trở lên: Phải đóng đủ 12 tháng trong vòng 24 tháng trước khi nghỉ việc.
Với HĐLĐ từ 1 tháng đến dưới 12 tháng: Phải đóng đủ 12 tháng trong vòng 36 tháng trước khi nghỉ việc.
Luật Việc làm 2013 không phân biệt loại hợp đồng hay thời gian xét, dẫn đến khó áp dụng với lao động thời vụ hoặc hợp đồng ngắn hạn.
NB (T/h)