Tự hào truyền thống Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa

Tự hào truyền thống Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa
4 giờ trướcBài gốc
Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa.
Trải qua hơn 75 năm xây dựng và phát triển, trường đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung qua từng giai đoạn cụ thể.
Giai đoạn từ năm 1949 đến năm 1954: Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc chuẩn bị chuyển sang tổng phản công, đòi hỏi phải có một đội ngũ cán bộ đông đảo, đáp ứng yêu cầu của hai nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến, trường mở những lớp huấn luyện chính trị ngắn ngày, bồi dưỡng cho cán bộ về cuộc kháng chiến, truyền đạt các Chỉ thị, Nghị quyết của tỉnh và tình hình nhiệm vụ đất nước, nâng cao tinh thần yêu nước, đạo đức cách mạng.
Giai đoạn từ 1954 đến năm 1975: Dưới sự lãnh đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự chỉ đạo của Ban Tuyên huấn Trung ương, trường tập trung đào tạo, bồi dưỡng sát với tình hình, nhiệm vụ của đất nước, đó là thực hiện cách mạng XHCN ở miền Bắc và giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Trường vừa mở các lớp bồi dưỡng ngắn ngày, trang bị kiến thức về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa, cải thiện đời sống Nhân dân,...vừa chuẩn bị đào tạo dài hạn cho cán bộ cơ sở, nhằm trang bị về lý luận Mác - Lênin, đường lối, chính sách của Đảng, công tác Đảng và công tác vận động quần chúng sát với tình hình, nhiệm vụ của đất nước.
Giai đoạn từ năm 1975 đến năm 1985: Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước được thống nhất, đặt ra cho sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ những nhiệm vụ mới. Nhất là yêu cầu nâng cao nhận thức lý luận để phục vụ cho sự nghiệp xây dựng CNXH trên phạm vi cả nước.
Trong giai đoạn cả nước tiến hành cách mạng XHCN, trường vừa tiếp tục thực hiện chương trình đào tạo sơ cấp lý luận, vừa tiến hành đào tạo thí điểm chương trình trung cấp lý luận chính trị theo sự chỉ đạo của Ban Tuyên huấn Trung ương và từng bước vươn lên đảm nhiệm toàn bộ chương trình đào tạo trung cấp lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ cơ sở, các ban, ngành, huyện, thị xã của địa phương (bằng hình thức đào tạo tập trung chính quy và đào tạo tại chức ở các huyện, thị xã) với số lượng lớn.
Giai đoạn từ năm 1986 đến năm 1993: Quán triệt sâu sắc đường lối đổi mới toàn diện đất nước, theo định hướng XHCN của Đảng, trường từng bước tổ chức đào tạo cán bộ cốt cán cơ sở vào nền nếp; thực hiện đào tạo theo chức danh, cương vị trách nhiệm được phân công, bao gồm các lớp: Quản đốc phân xưởng, Giám đốc xí nghiệp, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp.
Trong những năm 1989, 1990, 1991, tình hình kinh tế của đất nước còn nhiều khó khăn, tình hình thế giới biến động phức tạp, mô hình CNXH ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ. Song, kiên định với mục tiêu lý tưởng của Đảng, trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trường luôn duy trì quy mô đào tạo, bồi dưỡng, góp phần ổn định tư tưởng và niềm tin của cán bộ, đảng viên.
Giai đoạn từ năm 1994 đến nay: Ngày 25/6/1994 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa ra Thông báo số 87-TB/TU về việc thành lập Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trên cơ sở hợp nhất Trường Đảng Hoàng Văn Thụ và Trường Hành chính - Pháp lý tỉnh. Ngày 28/7/1994 UBND tỉnh Thanh Hóa ra Quyết định số 853-TC/UBTH về việc thành lập Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ tỉnh. Ngày 5/9/1994 Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VII) ra Quyết định số 88-QĐ/TW về việc thành lập Trường Chính trị cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ngày 2/11/1994 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa ra Thông báo số 96-TB/TU về việc đổi tên Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ tỉnh thành Trường Chính trị tỉnh. Chủ trương mới của Đảng đã đặt dấu mốc quan trọng đối với sự phát triển của Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa trong thời kỳ CNH, HĐH quê hương, đất nước.
Với những thành tích đã đạt được, nhà trường đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1998), hạng Nhì (năm 2000), hạng Nhất (năm 2009); được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước (năm 2011); được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 2014) và nhiều phần thưởng của các ngành, các cấp.
Thực hiện Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn, trường đã triển khai nhiều biện pháp toàn diện để hoàn thiện các tiêu chí chuẩn mức 1 và chuẩn mức 2. Kết quả, nhà trường đã hoàn thành sớm hơn kế hoạch toàn bộ các chỉ tiêu chuẩn mức 1 và hơn 80% các chỉ tiêu chuẩn mức 2, trong đó có nhiều chỉ tiêu vượt chuẩn. Với những nỗ lực và thành tích xuất sắc của cán bộ, giảng viên và học viên, ngày 19/5/2023, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa vinh dự đón Bằng công nhận Trường Chính trị tỉnh đạt chuẩn quốc gia mức 1.
Tự hào về ngôi trường có bề dày lịch sử và truyền thống hào hùng, thế hệ học viên hôm nay luôn ý thức sâu sắc trách nhiệm của bản thân trong học tập lý luận chính trị. Theo đó, để góp phần bồi đắp, làm giàu thêm giá trị truyền thống, mỗi học viên cần tiếp thu đầy đủ, hệ thống các kiến thức về chính trị, tư tưởng, quản lý nhà nước, các chuyên đề lý luận và thực tiễn để nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu công tác. Đồng thời, không ngừng rèn luyện đạo đức cách mạng; phát huy tính tự giác, sáng tạo; vận dụng sáng tạo kiến thức lý luận vào thực tiễn công tác; xây dựng tinh thần đoàn kết với đồng nghiệp,đồng chí, tương trợ lẫn nhau để cùng tiến bộ. Đây cũng là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh tập thể trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Học viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa không chỉ mang trên vai trách nhiệm học tập, rèn luyện mà còn mang sứ mệnh kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của nhà trường. Trách nhiệm của mỗi học viên là không ngừng phấn đấu, học tập và cống hiến, góp phần vào sự phát triển của địa phương và đất nước, xây dựng tỉnh Thanh Hóa ngày càng giàu mạnh, văn minh.
Phạm Văn Thọ
Nguồn Thanh Hóa : http://baothanhhoa.vn/tu-hao-truyen-thong-truong-chinh-tri-tinh-thanh-hoa-228801.htm