Tuổi 17 của Tô Hoài

Tuổi 17 của Tô Hoài
2 giờ trướcBài gốc
Con trai 17 bẻ gãy sừng trâu!
Tuổi 17, Tô Hoài không chỉ có sức khỏe “bẻ gãy sừng trâu”, mà còn để lại cho đời một tác phẩm vượt thời gian, không biên giới: “Dế mèn phiêu lưu ký”.
Tuổi 17, Tô Hoài sống ở thôn quê, hiếu động, nghịch ngợm với đủ trò chơi: đánh khăng, chơi ô ăn quan, nhảy dây, đánh đáo, chọi dế... Tô Hoài từng tâm sự: “Thời thơ ấu của mình cũng rất tinh nghịch, thích trêu chọc cu lít (cảnh sát Pháp), rồi bỏ chạy hoặc vào hiệu sách ngồi lỳ trong góc và đọc những quyển mình thích và chỉ mua một cuốn vài xu".
Tuổi 17, Tô Hoài đã yêu. Cô gái ông yêu và được yêu tên là Phụng cũng mới vào độ “trăng tròn lẻ”.
Tuổi 17, ông chưa từng qua một trường dạy viết văn nào. Sau những lúc hồn nhiên hòa hết mình vào cuộc sống thôn quê, chỉ biết chơi, nghịch, yêu thì chính những cuốn sách mà ông ngồi lỳ đọc hàng giờ liền ấy là người - thầy của ông về văn học. Thêm vào đó, như chính ông tự nhìn nhận: “Đúng là có lang thang, có nghịch ngợm mới có được “Dế mèn phiêu lưu ký” từ tuổi 17”.
Sau tác phẩm đầu tay ấy, Tô Hoài đi theo Cách mạng, tham gia kháng chiến, hơn nửa thế kỷ sống và cống hiến hết mình cho công cuộc xây dựng miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Ông viết rất khỏe, để lại một sự nghiệp văn chương đồ sộ, với khá nhiều tác phẩm nổi tiếng, như: “Quê mùa”, “Tập truyện Tây Bắc”, “Miền Tây”, “Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ”; Bộ ba tiểu thuyết “Quê người”, “Mười năm”, “Quê hương”; các hồi ký: “Xóm giếng”, “Cỏ dại”, “Cát bụi chân ai”, “Chiều chiều”…
Ông được mệnh danh là nhà văn, nhà tiểu thuyết phong tục (GS Hà Minh Đức), đã thành công với các tác phẩm viết về đề tài miền núi (“Tập Truyện Tây Bắc”, “Miền Tây”, “Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ”…), thể hiện ý thức tôn trọng bản sắc dân tộc, lòng yêu mến và tôn trọng những đặc điểm riêng của người dân vùng cao sinh sống và tham gia cách mạng của Tô Hoài.
Ông ghi dấu ấn đậm nét trên văn đàn là nhà văn viết cho thiếu nhi, viết về loài vật mang sắc thái riêng không thể chộn lẫn.
Song, trong gia tài văn chương đồ sộ ấy, tác phẩm đầu tay “Dế mèn phiêu lưu ký” vẫn được đánh giá là tác phẩm hay nhất của Tô Hoài, và là một trong không ít những cuốn sách có giá trị bậc nhất trong văn học hiện đại cách mạng Việt Nam.
Vietnam book ghi nhận sách tái bản 100 lần.
Trong ngày kỷ niệm tôn vinh “Dế mèn phiêu lưu ký”, nhiều người đến chúc mừng, Tô Hoài cười: “Sách in ở 35 nước, in nhiều lần nhất và hầu như không sửa chữa gì”.
Đời văn trên 90 tuổi dương thế (ông sinh năm 1920, mất năm 2014), ai hơn ông.
Ông cười là phải!
Ông cười, bởi một hạnh phúc viên mãn nữa, như có lần ông tâm sự: “Mình yêu nhiều hơn Nguyễn Đình Thi, nhưng không xảy ra chuyện gì”.
Yêu nhiều, nhưng mối tình tuổi 17, mối tình đã giúp ông làm nên một “Dế mèn phiêu lưu ký” không tuổi vẫn là mối tình ông không bao giờ quên. Tô Hoài từng tâm sự: “Trong các kỷ niệm về cuộc đời, kỷ niệm về tình yêu là lâu bền nhất. Bảy mươi năm mọi thứ đã quên nhưng đường tơ vẫn không đứt”.
Là một độc giả say mê “Dế mèn phiêu lưu ký”, và… cũng có một hai mối tình vắt vai, tôi... khoái và đồng tình với nhận xét của Ông Dế Mèn!
TS. Nguyễn Minh San
Nguồn VHPT : https://vanhoavaphattrien.vn/tuoi-17-cua-to-hoai-a27106.html