Ứng dụng nền tảng số quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP

Ứng dụng nền tảng số quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP
10 giờ trướcBài gốc
Nhân viên Tây Bắc TV giới thiệu, bán các sản phẩm nông sản trên sàn thương mại điện tử
Tính đến nay, toàn tỉnh có 215 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao và 4 sao, trong đó có nhiều sản phẩm mang đậm bản sắc địa phương như: đông trùng hạ thảo, chè shan tuyết, hạt mắc-ca khô Lai Châu, gạo tẻ tròn, gạo lứt séng cù, gạo séng cù, miến dong Bình Lư, dưa lưới ichiba… Không chỉ đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, các sản phẩm có địa chỉ truy xuất nguồn gốc rõ ràng, bao bì nhãn mác đẹp, thích ứng xu hướng thị trường tiêu dùng và theo quy định. Tuy nhiên, các chủ thể OCOP vẫn là chủ hợp tác xã, hộ sản xuất nhỏ, gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thị trường lớn và xây dựng thương hiệu bền vững. Do đó, việc ứng dụng công nghệ số được xác định là giải pháp đột phá nhằm quảng bá, kết nối cung cầu hiệu quả.
Được biết, Sở Công Thương đã triển khai các hoạt động hỗ trợ chủ thể có sản phẩm OCOP thực hiện chuyển đổi số. Cụ thể là hướng dẫn kết nối doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trưng bày quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản tại các hội nghị, hội chợ ở các tỉnh, thành trong cả nước; xây dựng website thương mại điện tử, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa và nâng cao năng lực cạnh tranh. Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ đưa các sản phẩm OCOP của tỉnh lên sàn thương mại điện tử như: Posttmart.vn (Bưu điện Việt Nam), Voson.vn (Viettel Post)... Hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, HTX có sản phẩm tiêu biểu của tỉnh tham gia “Gian hàng trực tuyến Lai Châu” đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trên các sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam do Bộ Công Thương triển khai.
Ngoài ra, Sở Công Thương cũng phối hợp tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng số, livestream bán hàng, chụp ảnh, xây dựng thương hiệu số cho các chủ thể OCOP, hộ kinh doanh và hợp tác xã. Nhờ vậy, năng lực tiếp cận thị trường số của các đơn vị từng bước nâng cao; kết nối hệ thống truy xuất nguồn gốc, minh bạch hóa thông tin sản phẩm, tăng độ tin cậy với người tiêu dùng…
Đồng chí Phạm Ngọc Đang - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh kiêm Chánh Văn phòng cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh cho biết: Trong thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Bưu điện tỉnh mở lớp đào tạo, tập huấn, tuyên truyền, quảng bá sàn thương mại điện tử Buudien.vn đến hội viên, nông dân, các hộ sản xuất nông nghiệp, tổ chức, doanh nghiệp, từ đó đăng ký thêm nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực và sản phẩm OCOP. Các sản phẩm nông sản của tỉnh được Trung tâm Hoạt động cộng đồng tỉnh hỗ trợ bày bán tại gian trưng bày giới thiệu hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP - sản phẩm đặc sản tỉnh. Điều này góp phần thay đổi cách thức quản lý, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm từ truyền thống sang hiện đại và thông minh, giá trị kinh tế cao của các đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn.
Cơ sở Đông trùng hạ thảo Huy Cương, ở tổ 6, phường Đoàn Kết (có nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh) đang chú trọng đầu tư hệ thống máy móc hiện đại; đa dạng kênh bán hàng. Trao đổi với ông Đào Huy Cương - Chủ cơ sở, chúng tôi được biết, cơ sở đã xây dựng, duy trì trang fanpage, website riêng để giới thiệu sản phẩm; đẩy mạnh kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử. Có thể kể đến trên nền tảng TikTok - một trong những kênh bán hàng chủ lực hiện nay, cơ sở đã thiết lập gian hàng trực tuyến với hơn 50 sản phẩm, thu hút trên 15,3 nghìn người theo dõi và nhận được nhiều đánh giá tích cực từ khách hàng, đa phần đạt mức 5 sao. Nhờ áp dụng chiến lược bán hàng đa kênh, cơ sở đạt gần 1.000 đơn/tháng với doanh thu trung bình 600 - 700 triệu đồng/tháng, tăng 50% so với năm 2024; tạo việc làm ổn định cho 50 lao động.
Không chỉ dừng lại ở các sàn thương mại điện tử, tỉnh còn tăng cường truyền thông số về sản phẩm OCOP qua mạng xã hội, website, fanpage, video, clip trải nghiệm thực tế, góp phần lan tỏa giá trị văn hóa, câu chuyện sản phẩm đến đông đảo người tiêu dùng. Việc này không chỉ giúp tăng doanh thu còn xây dựng hình ảnh Lai Châu là vùng đất có sản vật phong phú, đậm đà bản sắc.
Là đơn vị được tôn vinh “Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2024”, chị Khà Thị Hạnh - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần truyền thông và Thương mại dịch vụ Tây Bắc TV (Tây Bắc TV) ở phường Đoàn Kết chia sẻ: Tây Bắc TV thành lập hơn 3 năm, đến nay đã có 4 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Được sự hỗ trợ của Sở Công Thương, chúng tôi đã xây dựng được các kênh phân phối, bán lẻ online đa nền tảng như: youtube, facebook, tiktok, zalo, shoppee, website. Hiện, Tây Bắc TV phát triển được hàng chục KOL (những người tiêu dùng chủ chốt, có sức ảnh hưởng lớn trên thị trường)/KOC (những người có sức ảnh hưởng) với gần 7 triệu người theo dõi trên các nền tảng. Tạo được trend (xu hướng phát triển tiêu biểu) về thịt gác bếp và đang đứng top 1 về sản phẩm hà thủ ô trên kênh bán hàng online.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc ứng dụng nền tảng số trong tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh vẫn còn đối mặt với không ít khó khăn. Nhiều chủ thể OCOP hạn chế về kỹ năng số; hạ tầng mạng tại một số vùng nông thôn còn yếu, chi phí vận chuyển hàng hóa cao… Đây là những thách thức cần được quan tâm tháo gỡ trong thời gian tới.
Hướng tới giai đoạn phát triển mới, Lai Châu xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu và là động lực thúc đẩy Chương trình OCOP phát triển bền vững. Tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, đa dạng hóa kênh phân phối số, hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện sản phẩm theo hướng chuyên nghiệp, chuẩn hóa. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp logistics, các sàn thương mại điện tử để tối ưu hóa quy trình đưa hàng từ bản làng đến tay người tiêu dùng cả nước. Với sự quyết tâm cao, tin rằng tỉnh sẽ hiện thực hóa mục tiêu xây dựng thương hiệu OCOP không chỉ vươn xa trong nước mà còn từng bước chinh phục thị trường quốc tế thông qua nền tảng số.
Thảo Vân - Chu Hừ
Nguồn Lai Châu : https://baolaichau.vn/chuyen-doi-so/ung-dung-nen-tang-so-quang-ba-tieu-thu-san-pham-ocop-980830