Các phương tiện dừng đỗ ở khu vực hốc cứu nạn gây cản trở cho các phương tiện khi có tình huống khẩn cấp.
Toàn tỉnh có 7 hốc cứu nạn, trong đó, Quốc lộ 6 có 6 hốc cứu nạn, Quốc lộ 37 có 1 hốc cứu nạn. Các hốc cứu nạn, nhằm hỗ trợ các phương tiện mất kiểm soát giảm tốc và dừng lại an toàn. Tuy nhiên, có nhiều phương tiện đi vào hốc cứu nạn không đúng mục đích, gây nguy hiểm nghiêm trọng. Trước thực trạng đó, các bộ, kỹ sư của Sở Xây dựng đã đưa ra sáng kiến ứng dụng IoT làm thiết bị cảnh báo tự động ở hốc cứu nạn với việc lắp đặt thiết bị tự động, nhằm phát hiện phương tiện đi vào hốc cứu nạn, hạn chế việc sử dụng không đúng mục đích hốc cứu nạn và hỗ trợ quản lý. Giải pháp này, không chỉ giúp nâng cao an toàn giao thông, còn hỗ trợ các lực lượng quản lý nhanh hơn trong những tình huống nguy cấp.
Ông Nguyễn Thành Văn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, đại diện nhóm sáng kiến, cho biết: Cấu tạo của thiết bị, gồm: Mô dun kết nối, bảng phát triển đi kèm với mô-đun chứa chip vi xử lý và các cảm biến không dây thu thập chính xác nguồn dữ liệu trong môi trường làm việc. Khi xuất hiện bất thường, thiết bị sẽ chia sẻ dữ liệu với các thành phần khác trong mạng lưới, nhằm phối hợp xử lý kịp thời. Cảm biến được lắp đặt tại khu vực phù hợp, được lập trình sẵn để giao tiếp với máy chủ trung tâm và các cổng khác theo yêu cầu.
Sáng kiến được áp dụng thử nghiệm lần đầu tại Km 285 + 850, Quốc lộ 6, khu vực đèo Chiềng Đông, huyện Yên Châu trong thời gian từ tháng 2/2023 đến tháng 5/2023. Thiết bị đã thông báo chính xác ngay khi có phương tiện đi vào hốc cứu nạn. Ông Văn nói thêm: Khi xảy ra tình huống khẩn cấp, phương tiện đi vào hốc cứu nạn cần thông tin kịp thời đến đơn vị chức năng cứu hộ. Vì vậy, chúng tôi đã tạo lập thiết bị tự động, được bố trí sẵn tại khu vực hốc cứu nạn có khả năng cảnh báo khi xảy ra khi có phương tiện đi vào, kể cả chiếm dụng cho mục đích riêng, hoặc phương tiện xảy ra sự cố. Khi có phương tiện đi vào hốc cứu nạn, thiết bị có khả năng cảnh báo đến lực lượng chức năng. Đồng thời, phát ra âm thanh cảnh báo nếu cần.
Thiết bị cảm biến cảnh báo tự động ở hốc cứu nạn.
Để lắp đặt thiết bị, phải xác định vị trí cần lắp đặt, cần cảnh báo, với độ chính xác 5mm khi được lắp có khả năng nhận diện vật thể, như: Người, phương tiện nằm trong khu vực kiểm soát. Căn cứ vào điều kiện thực tế, hạ tầng mạng viễn thông đối với các vị trí có mạng 4G phủ sóng chỉ cần lắp bộ thu phát và sử dụng sim Data hoặc sử dụng wifi để gửi nhận cảnh báo qua mạng internet, tin nhắn SMS đến cán bộ quản lý.
Ưu điểm lớn nhất của sáng kiến là việc bảo trì không cần duy trì thường xuyên. Bên cạnh đó, quá trình làm việc của cảm biến tiêu tốn rất ít điện năng, sử dụng nhiều tháng, mà không cần thay pin hoặc sạc điện. Sáng kiến còn có khả năng áp dụng đối với các vị trí trên kết cấu hạ tầng giao thông, như: Lắp đặt dưới dầm cầu, cảnh báo khi có xe quá tải trọng đi qua cầu; các vị trí có nguy cơ sụt lở cao.
Ông Nguyễn Thế Anh, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Quản lý sửa chữa và xây dựng công trình giao thông II, cho biết: Chúng tôi đã lắp đặt thiết bị cảnh báo tại hốc cứu nạn Km375, Quốc lộ 37, huyện Phù Yên cho thấy rất hiệu quả, khi phát hiện phương tiện chuẩn bị đi vào khu vực nguy hiểm, thiết bị tự động kích hoạt hệ thống cảnh báo tín hiệu qua ứng dụng di động, giúp cơ quan chức năng giám sát trạng thái của hốc cứu nạn theo thời gian thực, hỗ trợ việc điều hành và quản lý.
Với tính ưu việt của sáng kiến, Sở Xây dựng sẽ triển khai lắp đặt ở các hốc cứu nạn đơn vị quản lý, góp phần giảm nhân công theo dõi, nâng cao hiệu quả bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Đồng thời, góp phần tích cực vào việc ứng dụng chuyển đổi số, áp dụng công nghệ số của đơn vị.
Bài, ảnh: Lam Giang