Ung thư là nguyên nhân gây tử vong thứ 2 trong các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam

Ung thư là nguyên nhân gây tử vong thứ 2 trong các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam
2 giờ trướcBài gốc
Bệnh ung thư luôn đi đôi với vấn đề tâm lý, việc điều trị rất đặc thù
Mỗi năm tại Việt Nam số ca tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 77% tổng số tử vong, trong đó bệnh ung thư là nguyên nhân đứng thứ 2.
Ở nước ta, ung thư đại trực tràng nằm trong 4 bệnh ung thư thường gặp. Bệnh đang có xu hướng gia tăng, theo GLOBOCAN năm 2022, số ca mắc mới là 16.800 và khoảng 8.400 ca tử vong hàng năm.
Bên cạnh đó, cũng theo dữ liệu GLOBOCAN năm 2022, ung thư tuyến giáp đứng thứ 6 với 6.122 ca mắc mới, trong khi năm 2020 ung thư tuyến giáp đứng thứ 10 về số ca mắc mới tại Việt Nam. Dữ liệu này đã cho thấy sự gia tăng nhanh chóng của bệnh lý ung thư tuyến giáp.
GS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K nhấn mạnh: Việc luôn luôn cập nhật kiến thức, đào tạo qua hội nghị, hội thảo... là việc hết sức cần thiết. Hoạt động này cần duy trì liên tục trong tương lai để bệnh nhân ung thư được hưởng kỹ thuật mới, thuốc mới, tiến bộ mới.
Trên đây là những thông tin được các chuyên gia của Bệnh viện K đưa ra tại lễ ký kết nhằm nâng cao chất lượng quản lý và phòng chống bệnh ung thư diễn ra tại Bệnh viện K sáng nay - 2/10.
Chia sẻ tại lễ ký kết, GS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K (Hà Nội), cho biết, bệnh ung thư là bệnh tương đối đặc biệt với nhiều khía cạnh.
"Về mặt tâm lý, việc mắc bệnh ung thư cũng khiến bệnh nhân dễ bức xúc vì không biết tương lai như thế nào. Bệnh cũng ảnh hưởng đến kinh tế của người bệnh, điều trị dài ngày, thuốc mới, kỹ thuật mới đều rất đắt tiền. Ngoài ra, sau điều trị, việc hòa nhập cộng đồng của bệnh nhân như thế nào, có làm ra tiền không. Đó là gánh nặng với cả bệnh nhân và cộng đồng"- GS.TS Lê Văn Quảng chia sẻ.
Theo GS.TS Lê Văn Quảng, bệnh ung thư luôn đi đôi với vấn đề tâm lý, nên việc điều trị bệnh nhân rất đặc thù, đặc biệt. Tâm lý bệnh nhân thay đổi từng ngày, từng giờ, đây là điều khó trong ngành ung thư.
"Vì thế, việc luôn luôn cập nhật kiến thức, đào tạo qua hội nghị, hội thảo... là việc hết sức cần thiết. Hoạt động này cần duy trì liên tục trong tương lai để bệnh nhân ung thư được hưởng kỹ thuật mới, thuốc mới, tiến bộ mới khác" - Giám đốc Bệnh viện K Lê Văn Quảng nói.
Cũng theo GS Quảng, bệnh viện sẽ đầu tư, xây dựng Bệnh viện K cơ sở 4 để phát triển kỹ thuật cao như xạ trị proton, những kỹ thuật xạ trị tiên tiến nhất trên thế giới.
"Dự án này cũng phải mất 10-15 năm mới có kết quả nhưng chúng ta phải bắt đầu từ bây giờ"- GS.TS Lê Văn Quảng nói và thông tin thêm: Trong năm nay, Bệnh viện K đã đưa cơ sở 1 vào hoạt động, dự kiến đến quý 1/2025 sẽ đưa toàn bộ cơ sở K1 vào hoạt động.
Lãnh đạo 2 bên ký kết hợp tác nâng cao hiệu quả điều trị và chăm sóc bệnh nhân ung thư.
Phát hiện sớm ung thư là chìa khóa để điều trị hiệu quả, mang lại giá trị cao nhất cho bệnh nhân và thầy thuốc
Trao đổi với báo chí bên lề lễ ký kết, PGS.TS Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện K, cho biết thêm, hiểu được bệnh ung thư, tâm lý của người bệnh sẽ góp phần nâng cao chất lượng điều trị. Điều trị ung thư là điều trị đa mô thức, phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, dinh dưỡng, tâm lý và các phương pháp khác.
Theo PGS.TS Phạm Văn Bình, vấn đề đào tạo đóng vai trò rất quan trọng, bác sĩ trẻ chính là sức mạnh của bệnh viện trong tương lai, còn kiến thức kinh nghiệm của các thầy là bước đệm. "Số mắc mới ung thư, số tử vong ngày càng tăng. Trong thời gian qua chúng ta nỗ lực rất nhiều trong công tác phòng chống để con số này không tăng lên, nhưng thực tế lại ngược lại.
Vì thế, chúng ta cần cố gắng hơn. Đây là cuộc chạy đua, mỗi mắt xích liên quan phải cố gắng hết sức để sàng lọc, phát hiện sớm bệnh. Phát hiện sớm bệnh là chìa khóa để việc điều trị có hiệu quả, giá trị cao nhất cho bệnh nhân và thầy thuốc"- PGS.TS Phạm Văn Bình nói.
Với việc ký kết biên bản ghi nhớ này sẽ giúp các bác sĩ chuyên ngành ung thư của Bệnh viện K có cơ hội học tập tại các trung tâm ung thư lớn trên thế giới như: Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Đây cũng là những viên gạch đầu tiên để xây dựng Bệnh viện K trở thành một trung tâm ung thư đầu ngành của toàn quốc; đồng thời cũng giúp mạng lưới phòng chống ung thư Việt Nam ngày càng phát triển thông qua các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học.
Theo PGS.TS Phạm Văn Bình, với quy mô dân số vượt 100 triệu người, trong khi đó số ca mắc ung thư mới và số lượng bệnh nhân ung thư tử vong ngày vẫn tăng, cho nên các bên liên quan cần tiếp tục cố gắng. Trong cuộc chạy đua này, mỗi một mắt xích đề cần cố gắng để xây dựng Bệnh viện K nói riêng và hệ thống mạng lưới phòng chống ung thư Việt Nam nói chung phải ngày càng phát triển, đủ sức mạnh để sàng lọc và phát hiện sớm ung thư.
PGS.TS Phạm Văn Bình - Phó Giám đốc Bệnh viện K phát biểu.
Thái Bình/ Ảnh: Hoàng Bích
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/ung-thu-la-nguyen-nhan-gay-tu-vong-thu-2-trong-cac-benh-khong-lay-nhiem-tai-viet-nam-169241002134945882.htm