Tham dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng; Thường trực và các thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu tại phiên họp
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nhấn mạnh, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa là một trong những dự luật quan trọng, nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với các cam kết của Việt Nam trong các hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới.
Dự án Luật được xây dựng nhằm tạo môi trường sản xuất, kinh doanh minh bạch, thúc đẩy phát triển thương mại, thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đạt mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững trong thời gian tới.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu
Đồng thời, dự án Luật cũng nhằm thể chế hóa các nội dung về đầu tư, phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia; đổi mới phương thức quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa; đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp khoa học, công nghệ và chuyển đổi số để tăng cường công tác quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Báo cáo tóm tắt Tờ trình dự án Luật, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, dự thảo Luật được xây dựng dựa trên 4 nhóm chính sách lớn đã được Quốc hội thông qua, gồm: phân loại và quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa dựa trên mức độ rủi ro; phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI); tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa; đổi mới chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh.
Quang cảnh phiên họp
Qua thảo luận, các đại biểu đánh giá cao cơ quan chủ trì thẩm tra đã tích cực, cầu thị, tiếp thu nhiều ý kiến góp ý vào dự thảo Luật trong quá trình thẩm tra sơ bộ để hoàn thiện dự thảo Luật.
Các đại biểu nhất trí về sự cần thiết của dự án Luật nhằm thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, trước yêu cầu mới của thực tiễn, hội nhập quốc tế và nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong quá trình thi hành Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở phát huy ưu điểm và khắc phục các hạn chế của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa là rất cần thiết.
Các đại biểu tập trung góp ý vào nhiều nội dung cụ thể, như phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ; nguyên tắc phân loại sản phẩm, hàng hóa theo mức độ rủi ro; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng công nghệ số trong quản lý chất lượng; trách nhiệm quản lý nhà nước…
Có ý kiến đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ cần sớm ban hành Tiêu chuẩn quốc gia, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về truy xuất hàng hóa; xây dựng chính sách tài chính, tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ trong việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa; bổ sung quy định về truy xuất nguồn gốc điện tử; quy định trách nhiệm của doanh nghiệp trong thu hồi sản phẩm khi sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng.
Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn phát biểu
Có ý kiến đề nghị, bổ sung lộ trình bắt buộc đối với việc truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm thiết yếu hoặc có nguy cơ rủi ro cao thay vì chỉ quy định tự nguyện; quy định rõ hơn trong quản lý các sản phẩm thông tin, như tiêu chí an toàn mạng, yêu cầu cập nhật phần mềm…
Về ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, các đại biểu cho rằng, đây là chủ trương đúng đắn, phù hợp với tình thần Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị bổ sung nguyên tắc bảo đảm an toàn chia sẻ thông tin trong ứng dụng khoa học, công nghệ vào quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Tại phiên họp, giải trình, làm rõ một số vấn đề được các đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, Bộ sẽ tiếp thu các ý kiến để rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật nhằm bảo đảm chất lượng cao nhất trước khi trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Chín tới đây.
Phát biểu kết thúc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, sau 2 ngày làm việc tích cực, khẩn trương, thẳng thắng, trách nhiệm, Phiên họp toàn thể lần thứ 12 của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra.
Các đại biểu đã thẩm tra 5 dự án Luật: dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo; dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi); dự án Luật Đường sắt (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Huy nêu rõ, các đại biểu dự họp đã tích cực tham gia ý kiến và phát biểu tâm huyết, sâu sắc về các vấn đề; đề nghị, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu tối đa, hoàn thiện các báo cáo thẩm tra để ký trình Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Huy cũng đề nghị, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cùng các bộ, ngành hữu quan nghiên cứu kỹ lưỡng các ý kiến tại phiên họp, phối hợp chặt chẽ, khẩn trương hoàn thiện các công việc theo kết luận, bảo đảm chất lượng, tiến độ trình Quốc hội.
Tin và ảnh: Thanh Chi