Quang cảnh vịnh Disko ở Ilulissat, thủ phủ thành phố Avannaata thuộc Greenland (Đan Mạch) ngày 15/7/2024. Ảnh: Getty Images/TTXVN
Theo chuyên trang quân sự Army Reconition ngày 30/3, giữa bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gia tăng để giành quyền thống trị Bắc Cực, Căn cứ Không gian Pituffik, trước đây được gọi là Căn cứ Không quân Thule, hiện đóng vai trò trung tâm trong thế phòng thủ của Mỹ tại khu vực, hoạt động như một tiền đồn để đối phó với các mối đe dọa ngày càng lớn từ Liên bang Nga và Trung Quốc.
Sau khi nhậm chức Tổng thống thứ 47 của Mỹ vào tháng 1/2025, ông Donald Trump đã tái khởi động trọng tâm chiến lược của chính quyền đối với Greenland - một tầm nhìn mà ông đã đề ra từ nhiệm kỳ đầu tiên.
Ông Trump từng viện dẫn giá trị chiến lược to lớn và nguồn tài nguyên đất hiếm phong phú của Greenland, tuyên bố vào năm 2019 rằng Mỹ nên “sở hữu” hòn đảo này, dù bằng thỏa thuận tài chính hay bằng vũ lực.
Gần nhất, vào ngày 29/3, trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với đài NBC của Mỹ, ông Trump nói: “Chúng ta sẽ giành được Greenland. Đúng vậy, 100%”.
Nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố rằng có một “khả năng lớn” là Washington có thể làm điều đó mà không cần dùng đến sức mạnh quân sự, đồng thời nhấn mạnh rằng ông sẽ không “loại trừ bất cứ điều gì”.
Theo Tổng thống Trump việc sáp nhập Greenland là một vấn đề liên quan đến “hòa bình quốc tế” cũng như “an ninh và sức mạnh quốc tế”.
Khi được hỏi động thái này sẽ gửi thông điệp gì đến phần còn lại của thế giới, ông Trump trả lời: “Tôi thực sự không nghĩ về điều đó. Tôi thực sự không quan tâm”.
Tuyên bố của ông Trump, theo Army Recognition, không chỉ mang tính hùng biện mà đã dần trở thành chính sách thực tế, với các quan chức cấp cao hiện đang tích cực củng cố sự hiện diện của Mỹ cũng như cơ sở hạ tầng chiến lược tại Greenland.
Greenland, một lãnh thổ bán tự trị thuộc Vương quốc Đan Mạch, là nơi đặt một trong những tiền đồn quân sự giá trị nhất thế giới - Căn cứ Không gian Pituffik - được Mỹ vận hành theo Thỏa thuận Phòng thủ Greenland năm 1951.
Thỏa thuận này, được hình thành trong khuôn khổ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cho phép lực lượng Mỹ hoạt động tại Greenland với hai lá cờ Đan Mạch và Mỹ tung bay song song - một biểu tượng lâu dài của sự hợp tác phòng thủ xuyên Đại Tây Dương.
Nằm cách Vòng Bắc Cực chỉ 1.200 km (750 dặm) và cách Bắc Cực chưa đến 1.600 km (1.000 dặm), Căn cứ Không gian Pituffik mang lại cho Mỹ khả năng giám sát và cảnh báo tên lửa vượt trội.
Từ vị trí băng giá này, căn cứ cung cấp khả năng phát hiện sớm các vụ phóng tên lửa đạn đạo có thể xảy ra qua khu vực Bắc Cực - một hành lang tiềm tàng cho các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) của Liên bang Nga nhắm vào Bắc Mỹ.
Hơn nữa, Căn cứ Không gian Pituffik còn là một mắt xích quan trọng trong mạng lưới toàn cầu của Lực lượng Không gian Mỹ, hỗ trợ các nhiệm vụ thiết yếu như cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo, chỉ huy và kiểm soát vệ tinh, giám sát lĩnh vực không gian và theo dõi vệ tinh quỹ đạo cực.
Với sự biến đổi nhanh chóng của Bắc Cực do biến đổi khí hậu, các tuyến hàng hải mới đang mở ra, thúc đẩy cả Liên bang Nga và Trung Quốc gia tăng hiện diện trong khu vực.
Liên bang Nga đã mở lại các căn cứ thời Chiến tranh Lạnh, triển khai hệ thống tên lửa tiên tiến và tiến hành các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn ở Bắc Cực.
Trung Quốc, tự nhận là một “quốc gia gần Bắc Cực,” đang đầu tư vào các trạm nghiên cứu vùng cực, cơ sở hạ tầng vệ tinh và các dự án khai thác đất hiếm tại Greenland, gây lo ngại ở Washington.
Căn cứ Không gian Pituffik hiện được coi là tuyến phòng thủ đầu tiên trước các mối đe dọa ngày càng gia tăng này.
Căn cứ hỗ trợ Bộ Chỉ huy Phòng không Bắc Mỹ (NORAD) và Bộ Chỉ huy Bắc Mỹ (USNORTHCOM) trong việc giám sát hoạt động tên lửa và bảo vệ sườn phía Bắc của Mỹ.
Đối với Liên bang Nga, Căn cứ Không gian Pituffik nâng cao khả năng phát hiện và theo dõi máy bay ném bom tầm xa cũng như các vụ thử nghiệm tên lửa siêu thanh từ các căn cứ Bắc Cực của Nga.
Đối với Trung Quốc, căn cứ này đóng vai trò ngăn chặn sự hiện diện lưỡng dụng của Bắc Kinh tại Bắc Cực, đặc biệt là tham vọng kiểm soát các khoáng sản quan trọng của Greenland và thiết lập cơ sở hạ tầng điều khiển vệ tinh.
Phó Tổng thống Mỹ JD Vance trong chuyến thăm căn cứ quân sự của Mỹ ở Greenland ngày 27/3/2025. Ảnh: JD Vance/X
Nhấn mạnh lại lập trường chiến lược này, theo CNN, Phó Tổng thống Mỹ J.D. Vance đã đến thăm Căn cứ Không gian Pituffik vào ngày 28/3/2025, tái khẳng định quan điểm của Tổng thống Trump rằng Mỹ, chứ không phải Bắc Kinh hay Moskva, phải dẫn dắt tương lai của an ninh Bắc Cực, đồng thời gợi ý rằng Washington có thể đảm bảo sự phát triển và phòng thủ của Greenland tốt hơn so với sự giám sát hiện tại của Đan Mạch.
Theo ông Vance, Greenland sẽ có lợi hơn nếu nằm dưới “chiếc ô an ninh của Mỹ hơn là của Đan Mạch” và chính sách của Mỹ là thay đổi sự lãnh đạo của Đan Mạch trên hòn đảo này. Dù vậy, ông cũng thừa nhận rằng tương lai của Greenland vẫn thuộc về quyết định của người dân nơi đây.
“Người dân Greenland sẽ có quyền tự quyết. Chúng tôi hy vọng họ chọn hợp tác với Mỹ, vì chúng tôi là quốc gia duy nhất trên thế giới sẽ tôn trọng chủ quyền của họ và bảo đảm an ninh của họ bởi vì an ninh của họ cũng chính là an ninh của chúng tôi”, ông Vance nói.
Ngoài giá trị quân sự, Căn cứ Không gian Pituffik còn làm nổi bật lợi ích của Mỹ trong việc đảm bảo nguồn cung đất hiếm—các khoáng sản thiết yếu cho ngành công nghiệp quốc phòng và công nghệ cao.
Khi Trung Quốc sử dụng lợi thế thống trị của mình trong lĩnh vực xuất khẩu đất hiếm như một vũ khí địa chính trị, thì quyền tiếp cận nguồn tài nguyên chưa được khai thác của Greenland được coi là một nhu cầu chiến lược cấp bách.
Sự tập trung trở lại của ông Trump vào Greenland phản ánh một chiến lược rộng lớn hơn: đảm bảo chuỗi cung ứng, bảo vệ quyền tiếp cận các tài nguyên quan trọng và củng cố khả năng tự cường an ninh quốc gia trong bối cảnh cạnh tranh quyền lực toàn cầu.
Khi Bắc Cực trở thành một chiến trường mới của cạnh tranh địa chính trị, Căn cứ Không gian Pituffik đứng ở tuyến đầu trong nỗ lực của Mỹ nhằm thể hiện sức mạnh, bảo vệ đồng minh và bảo vệ lợi ích chiến lược ở vùng Viễn Bắc.
Dù nằm dưới tầm quan sát của các vệ tinh hay trong tâm điểm của địa chính trị, Pituffik vẫn là lá chắn Bắc Cực của nước Mỹ—một nơi mà tương lai của an ninh toàn cầu có thể sẽ được định đoạt.
Thành Nam/Báo Tin tức