Thời gian qua, chị Hồ Như Quỳnh tận tâm truyền dạy, nhằm lan tỏa trong giới trẻ phố núi Pleiku tình yêu đối với đàn tranh-một loại nhạc cụ truyền thống đặc sắc của Việt Nam.
Chị Hồ Như Quỳnh theo đuổi niềm đam mê đàn tranh. Ảnh: NVCC
Dù xuất thân từ gia đình không có truyền thống hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, nhưng Hồ Như Quỳnh lại sớm bộc lộ niềm đam mê âm nhạc với các loại đàn như guitar, organ, đặc biệt là đàn tranh.
Chị Quỳnh cho biết: “Từ năm lớp 10, tôi đã yêu thích các loại nhạc cụ truyền thống. Tuy nhiên, đến cuối lớp 12, khi lựa chọn giữa các ngành học thì tôi mới quyết định thi vào Nhạc viện TP Hồ Chí Minh để học đàn tranh. Tôi cảm thấy may mắn khi lựa chọn của mình được gia đình ủng hộ. Khi cầm giấy báo trúng tuyển Nhạc viện, thật sự không còn gì hạnh phúc hơn”.
Theo chị Quỳnh, nhiều người thường nhầm lẫn đàn tranh Việt Nam với đàn cổ tranh của Trung Quốc vì có nhiều nét tương đồng. Tuy nhiên, khi đặt cạnh nhau sẽ thấy hai nhạc cụ này khác nhau hoàn toàn, từ cấu tạo, kích thước và cả dây đàn. Đàn cổ tranh của Trung Quốc dùng khối gỗ lớn, sử dụng những sợi dây sắt bọc ni lông và sử dụng những dụng cụ riêng cho mỗi đàn để chỉnh dây. Số lượng dây của đàn cổ tranh Trung Quốc là 21. Còn đàn tranh của Việt Nam thì kích thước nhỏ hơn, thanh mảnh hơn và phù hợp với dáng người Việt Nam.
Học sinh tập đàn tranh dưới sự hướng dẫn của cô giáo Như Quỳnh. Ảnh: N.H
“Dây đàn tranh Việt Nam là dây sắt hoặc là dây kim loại kết hợp cùng trục nhỏ ở cuối đàn, giúp chúng ta dễ dàng chỉnh dây hơn và số lượng dây của đàn tranh Việt Nam là 16 dây cho ngày xưa và sau này dần cải tiến thành 17 dây cho đàn tranh hiện tại”-chị Quỳnh cho biết.
Với mong muốn để nhiều người hiểu rõ hơn về đàn tranh của Việt Nam cũng như thêm yêu nhạc cụ truyền thống của dân tộc, cuối năm 2022, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Đàn tranh tại Nhạc viện TP Hồ Chí Minh, chị Quỳnh quyết định trở về Pleiku và mở lớp dạy nhạc cụ truyền thống cho các em học sinh. Hiện tại, lớp học của cô giáo Quỳnh có 30 học viên, trong đó có 15 thiếu nhi.
Tham gia các lớp học nhạc cụ truyền thống do cô giáo trẻ truyền dạy, học viên không chỉ được học về lịch sử, cấu tạo, kỹ thuật chơi đàn tranh, mà còn được học cả cách thẩm âm, cách luyến láy, uyển chuyển các bộ phận trên cơ thể theo nhịp điệu cũng như thư giãn với những âm thanh trong trẻo của đàn tranh và các loại nhạc cụ khác.
Bày tỏ sự yêu thích của mình khi tham gia lớp học đàn tranh, em Châu Ngọc Bảo Trân (10 tuổi) hào hứng cho hay: “Con thấy mấy chị ở trường đánh đàn tranh hay nên con cũng muốn học thử. Con thích đàn tranh và con muốn học để sau này đánh được nhiều bài hay hơn”.
Hồ Như Quỳnh cùng học trò biểu diễn nhạc cụ dân tộc. Ảnh: N.H
Chị Quỳnh chia sẻ: “Tôi mong muốn quảng bá được nhiều hơn để giới trẻ thêm tự hào về nhạc cụ truyền thống. Hy vọng trong tương lai sẽ có thêm nhiều bạn trẻ biết và quan tâm đến nhạc cụ truyền thống của nước mình, có thể kết hợp biểu diễn dòng nhạc hiện đại bằng nhạc cụ truyền thống. Từ đó, sẽ quảng bá nhạc cụ truyền thống của dân tộc Việt Nam đến nhiều nơi trên thế giới”.
NGỌC HẰNG