Cự Đồng (Phú Thọ) là xã miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống, trong đó chủ yếu là người Mường, Dao.
Những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn đạt được những kết quả tích cực góp phần tôn vinh các giá trị văn hóa của cộng đồng, tăng cường, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.
Bà Đinh Thị Tâm, sinh năm 1954 (người dân tộc Mường, xã Cự Đồng) trước đây từng là giáo viên, theo học tại Trường Đại học Sư phạm Lập Thạch (giai đoạn 1972-1974), rồi gắn bó với công tác giáo dục và văn hóa ở địa phương trong nhiều năm.
Nghỉ hưu từ năm 2009, bà tiếp tục tham gia vào công tác mặt trận của xã đến năm 2017. Trong thời gian nghỉ hưu, bà tập trung vào công việc sưu tầm hiện vật thuộc về văn hóa, đời sống của người dân tộc Mường xưa. Bà bỏ kinh phí xây dựng nhà truyền thống để lưu trữ và hình thành nên CLB giao lưu, truyền tải văn hóa Mường cho các thế hệ kế cận.
Ban đầu, CLB có 19 người cả nam lẫn nữ, đủ mọi lứa tuổi. Người lớn tuổi nhất ngoài 70, nhưng đều chung một niềm đam mê là được đánh chiêng, hát ru, hát ví, hát đối đáp bằng tiếng Mường. Bà Đinh Thị Tâm tự tay in tài liệu, tập luyện mỗi tuần.
Thứ Sáu hát tiếng Mường, Chủ nhật chuyển sang hát xoan, hát chèo, dân ca các vùng khác. “Không ai phải đóng góp gì cả, chỉ cần đến với nhau vì tình yêu với văn hóa”, bà tâm sự.
Bà Đinh Thị Tâm kể, thời gian đầu, bà gõ cửa từng nhà xin lại cối xay, cối giã nước, váy Mường cũ, nhờ thợ đóng lại đạo cụ, thậm chí dùng tiền tiết kiệm cá nhân để dựng kho chứa, chiêu đãi đoàn làm phim về ghi hình.
“Có lúc con cháu không hiểu, hỏi sao tôi cứ làm cái việc không ai trả tiền. Nhưng mình thấy không làm thì day dứt”, bà kể.
Từ 40-50 món đạo cụ ban đầu, đến nay, CLB của bà đã sở hữu hơn 200 hiện vật đều là những vật dụng gắn liền với đời sống và văn hóa Mường xưa, được phục dựng, giữ gìn bằng tất cả tâm huyết của những người phụ nữ cao tuổi trong làng.
Những vật dụng sinh hoạt của người Mường xưa được bà Tâm lưu trữ và đánh dấu.
Những bài hát, lời ca quen thuộc của người dân tộc Mường cũng nằm trong danh sách những kỷ vật được bà Tâm sưu tầm rồi ghi chép lại.
Bà Tâm chia sẻ, từ ngày 14 tuổi, bà đã trông em, hát ru cho em ngủ.
"Mẹ tôi cũng ru em bằng tiếng Mường. Nghe mãi thành quen, rồi thành thương. Những giai điệu ấy ăn sâu vào tiềm thức, theo tôi suốt cuộc đời, để rồi mỗi lần cất lên lời ru ấy, cảm xúc lại dâng trào như thuở xưa đứng bên võng em thơ", bà Tâm bộc bạch.
Mỗi tối cuối tuần hoặc vào quãng thời gian nghỉ hè, bà Tâm cùng các thành viên trong CLB văn hóa văn nghệ dân gian của khu lại truyền dạy tiếng Mường cùng những bài hát ví, hát rang, đối đáp... cho các thế hệ kế cận.
Năm 2024, bà được biểu dương là một trong những phụ nữ cao tuổi tiêu biểu toàn quốc. Trước đó, bà Tâm nhận Bằng khen từ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Người cao tuổi tỉnh Phú Thọ, và vinh dự được gặp Chủ tịch nước, nhận quà lưu niệm tại Văn phòng Chủ tịch nước.
Tuy nhiên, điều khiến bà Đinh Thị Tâm tự hào nhất không phải là những phần thưởng ấy, mà là sự thay đổi của cộng đồng.
“Giới trẻ giờ có nhiều cháu chào bằng tiếng Mường. Có những cháu bé 4 tuổi đã thuộc được một số câu hát. Đó là tín hiệu mừng nhất”, bà Tâm chia sẻ.
Thạch Thảo