Hồng y Kevin Farrell, người thông báo về sự ra đi của Giáo hoàng Francis vào sáng 21/4, hiện tạm giữ vai trò lãnh đạo Vatican cho đến khi một giáo hoàng mới được bầu chọn.
Hồng y người Mỹ gốc Ireland Kevin Farrell, lãnh đạo ba cơ quan trọng yếu của Vatican, được Giáo hoàng Francis chỉ định từ năm 2019: Hồng y Nhiếp chính.
Tạm thời điều hành Vatican trong giai đoạn "trống tòa", tức khoảng thời gian sau khi một giáo hoàng qua đời hoặc từ nhiệm cho đến khi tòa thánh bầu lên người kế nhiệm.
Được sinh ra ở Dublin (Ireland), nhưng ông Farrell đã nhập tịch Mỹ sau nhiều năm phục vụ Giáo hội Công giáo ở quốc gia này. Ông từng là giám mục tại Dallas.
Hồng y Farrell, 77 tuổi từng theo học tại Đại học Salamanca ở Tây Ban Nha, Đại học Gregorian ở Rome, Italia và có bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh của Đại học Notre Dame ở Indiana, Mỹ.
Ông cũng có bằng triết học và thần học của Đại học St. Thomas ở Rome.
Ông nổi tiếng là người quyết đoán, có khả năng tổ chức tốt và đặc biệt thành thạo tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha, hai ngôn ngữ phổ biến nhất trong Giáo hội. Ngoài ra, ông còn nói được tiếng Italy và tiếng Gael của Ireland.
Theo tiểu sử của Hồng y Farrell tại Vatican, ông được thụ phong linh mục vào ngày 24/12/1978 và bắt đầu sự nghiệp với tư cách là cha tuyên úy tại Đại học Monterrey ở Mexico.
Ông chuyển đến Mỹ để gia nhập Tổng giáo phận Washington vào năm 1984.
Ông từng phục vụ tại nhiều nhà thờ trên khắp thế giới, bao gồm vai trò tuyên úy tại Đại học Monterrey ở Mexico. Farrell có hơn 30 năm phục vụ trong hệ thống nhà thờ tại Mỹ, được bổ nhiệm làm Giám mục Dallas vào năm 2007.
Giáo hoàng Francis đã nhận ra năng lực đa dạng của Farrell và bổ nhiệm ông làm Hồng y Nhiếp chính vào năm 2019, ba năm sau khi triệu ông đến Vatican để phong tước Hồng y và phụng sự ở vai trò Tổng trưởng Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống.
Năm 2023, Farrell tiếp tục được Giáo hoàng Francis tín nhiệm giao làm Chủ tịch Tòa án Tối cao của Vatican.
Ông cũng được bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề Mật, giám sát các hợp đồng công đặc biệt của Tòa thánh.
Trong vai trò nhiếp chính, ông có quyền yêu cầu mọi cơ quan của Vatican báo cáo ngân sách, thông tin tài chính và cập nhật các công việc đang được triển khai.
Ông cũng sẽ đảm nhiệm vai trò chủ chốt trong các nghi thức tang lễ của Giáo hoàng Francis và tổ chức Mật nghị Hồng y để bầu ra giáo hoàng mới.
Quyền hạn của Hồng y Nhiếp chính chỉ giới hạn về nghi lễ và điều hành hoạt động thường nhật của Vatican.
Khi có vấn đề nghiêm trọng phát sinh, ông phải tham vấn với toàn thể Hồng y đoàn. Trong thời gian trống tòa, mọi lãnh đạo của các cơ quan thuộc Vatican đều tạm dừng công việc.
Ngày 22/4, trong phiên họp chung đầu tiên của các Hồng y tại Vatican sau khi Giáo hoàng Francis qua đời, ba Hồng y đã được chọn vào Ủy ban hỗ trợ Hồng y Nhiếp chính gồm Pietro Parolin, Stanislaw Rylko và Fabio Baggio. Ủy ban này được bầu lại thành viên sau mỗi ba ngày.
Hồng y Nhiếp chính có thể trở thành Giáo hoàng nếu nhận đủ tín nhiệm. Kịch bản này từng xảy ra hai lần trong lịch sử, với Hồng y Nhiếp chính Gioacchino Pecci trở thành Giáo hoàng Leo XIII vào năm 1878 và Hồng y Nhiếp chính Eugenio Pacelli trở thành Giáo hoàng Pius XII năm 1939.
Việt Hùng
Theo BBC, CNN, Vatican News