Vì sao nghĩa vụ quân sự bắt buộc được áp dụng trở lại ở hai quốc gia Balkan

Vì sao nghĩa vụ quân sự bắt buộc được áp dụng trở lại ở hai quốc gia Balkan
4 giờ trướcBài gốc
Màn phô diễn thiết bị quân sự trong Ngày thống nhất Serbia tại làng Nish vào ngày 15/9/2023. Ảnh: Anadolu/Getty Images
Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic tuyên bố vào ngày 14/9 rằng ông sẽ tái áp dụng chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc đối với nam giới – vốn đã bị bãi bỏ vào năm 2011 - bắt đầu từ năm tới và thời gian phục vụ kéo dài trong 75 ngày. Ở phía bên kia biên giới, Croatia - quốc gia đã đình chỉ nghĩa vụ quân sự vào năm 2008 – cũng thông báo vào tháng 8 rằng, nghĩa vụ quân sự kéo dài hai tháng dành cho nam giới sẽ được khôi phục bắt đầu từ ngày 1/1/2025.
Croatia, với 3,8 triệu dân, và Serbia, với 6,6 triệu dân, đã xảy ra chiến tranh từ năm 1991 đến 1995, sau khi Croatia đơn phương tuyên bố độc lập khỏi Liên bang Nam Tư.
Kể từ đó, mối quan hệ giữa hai nước rơi vào căng thẳng. Một số chuyên gia được tham vấn cho biết họ không thấy bất kỳ nguy cơ xung đột nào từ các biện pháp nói trên, mà thay vào đó là sự phản ánh rõ ràng về những biến động địa chính trị mà khu vực Balkan đang trải qua. Vì những lý do khác nhau - liên quan chặt chẽ hơn đến sự bất ổn phát sinh từ cuộc chiến ở Ukraine - nhiều quốc gia châu Âu đang phải củng cố các lĩnh vực quốc phòng và xem xét lại các mô hình nghĩa vụ quân sự của mình, bao gồm cả Đức.
Florian Bieber, giáo sư chuyên ngành Nghiên cứu Đông Nam Âu tại Đại học Graz ở Áo, chia sẻ với tờ El Pais rằng, động thái của chính phủ Serbia trên hết là "một cử chỉ mang tính biểu tượng nhằm khơi dậy tình cảm dân tộc chủ nghĩa".
Nhà nghiên cứu này coi đây là một dự án "biểu hiện của căng thẳng gia tăng trong khu vực". Ông Bieber tin rằng Belgrade đang tìm cách "tăng cường mối quan hệ của công dân với quân đội và tái vũ trang xã hội một cách tượng trưng". Vị giáo sư nhớ lại rằng động thái này được thực hiện trong bối cảnh những "phát ngôn dân tộc chủ nghĩa Serbia ngày càng gia tăng, đặc biệt là liên quan đến Kosovo, nhưng cũng liên quan đến việc ủng hộ Republika Srpska (một thực thể của người Serb Bosnia được công nhận vào năm 1995 là một phần của Bosnia - Herzegovina)".
Croatia đã là thành viên của NATO kể từ năm 2009 và được điều hành bởi một chính phủ liên minh do Thủ tướng Andrej Plenkovic và đảng bảo thủ của ông - Liên minh Dân chủ Croatia (HDZ), lãnh đạo, liên minh với Phong trào Tổ quốc cực hữu (DP). Còn tại Serbia, Tổng thống Vucic đang lãnh đạo đất nước trong nhiệm kỳ thứ hai liên tiếp, nơi Đảng Tiến bộ Serbia (SNS) bảo thủ không có đối thủ nào có thể đe dọa vị thế thống trị tại Quốc hội.
Nhà nghiên cứu người Serbia, Katarina Djokic, tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), giải thích rằng, những người bảo thủ Croatia luôn sử dụng vấn đề cải thiện quân đội như một chiến lược bầu cử. Và quân đội của cả hai nước đã gây sức ép lên chính phủ của họ trong nhiều năm để tái thiết lập nghĩa vụ quân sự. Ông Djokic nói thêm rằng "Nghĩa vụ tình nguyện không tạo ra đủ số lượng quân dự bị ở cả Croatia và Serbia. Ngày càng ít người trẻ muốn gia nhập quân ngũ, đặc biệt là kể từ sau chiến tranh ở Ukraine. Và đây là hiện tượng cũng đang xảy ra ở các nước châu Âu khác".
Thiếu quân nhân chuyên nghiệp
Nhà nghiên cứu Djokic cho rằng Croatia và Serbia cũng khó có đủ sĩ quan để đào tạo tân binh. "Có lẽ vì thiếu nhân sự nên họ đã lên kế hoạch cho thời gian nghĩa vụ quân sự ngắn như vậy. Có lẽ đó là thời gian tối đa mà họ có thể chi trả: hai tháng hoặc 75 ngày".
Miroslav Aleksic, một thành viên quốc hội và là lãnh đạo của Phong trào Nhân dân Serbia (NPS) đối lập, gọi thông báo của chính phủ là hành động mang tính "tuyên truyền".
"Không có tư duy chiến lược nào ở đây, chỉ có sự liều lĩnh, chủ nghĩa dân túy, tiếp thị… Tôi đã thực hiện nghĩa vụ quân sự của mình trong doanh trại, tôi biết nó như thế nào, khóa đào tạo kéo dài 6 tháng. Tôi không hiểu làm sao bạn có thể đào tạo một người trong 75 ngày để sử dụng thiết bị quân sự tinh vi mà chúng ta được nghe nói đến hàng ngày", ông Aleksic nói với hãng truyền thông địa phương Glas Sumadije.
Nghị sĩ Aleksic nói thêm rằng câu hỏi thực sự là liệu đất nước có đang chuẩn bị cho chiến tranh hay không. "Nếu vậy, với ai và tại sao?", ông đặt câu hỏi. Nhà lãnh đạo phe đối lập cũng tuyên bố: "Nếu chúng ta bắt đầu quá trình chuyên nghiệp hóa quân đội, tại sao chúng ta lại rơi vào tình trạng những người lính chuyên nghiệp rời khỏi quân đội?".
Vuk Vuksanovic, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Chính sách An ninh ở Belgrade, tỏ ra nghi ngờ rằng các biện pháp này sẽ có hiệu lực ở cả Croatia và Serbia. Ông tin rằng, đây có thể là một “chiêu” của chính phủ nhằm chuyển hướng sự chú ý khỏi các vấn đề cấp bách khác. “Cả hai quốc gia đều không xây dựng được một đội quân có sức thu hút hơn đối với những người trẻ tuổi. Ở Serbia, nhiều sĩ quan chuyên nghiệp đang rời đội ngũ vì mức lương thấp và nạn tham nhũng. Nghĩa vụ quân sự bắt buộc chỉ có tác dụng che đậy những vết nứt. Và không chính phủ nào trình bày một dự án nghiêm túc về chi phí”, ông nói.
Vuksanovic cho biết chính quyền Serbia đang cố gắng chuyển hướng sự chú ý khỏi hai vấn đề chính mà đất nước đang phải đối mặt, cụ thể là dự án khai thác lithium, đã gây ra một số cuộc biểu tình trong dân chúng, và tình hình của người Serbia ở miền bắc Kosovo.
Serbia không muốn một cuộc chiến khác chống lại NATO
Năm 2021, Croatia tuyên bố mua 12 máy bay chiến đấu Rafale đã qua sử dụng từ Pháp với giá gần 1,1 tỷ USD. Tháng 8 năm ngoái, tổng thống Serbia đã tăng gấp đôi số lượng máy bay và tuyên bố mua thêm 10 chiến đấu cơ Rafale từ Pháp. Nhưng đây là lô máy bay hoàn toàn mới trị giá 2,95 tỷ USD.
Trong khi Croatia lên án cuộc xung đột của Nga ở Ukraine và tham gia các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt, Serbia lại tránh áp đặt lệnh trừng phạt đối với Moskva mặc dù ủng hộ toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.
Nhà nghiên cứu Djokic giải thích: “Hai quốc gia nhìn vào nhau và đưa ra quyết định dựa trên những gì bên kia làm”.
Jasmin Mujanovic, một nhà nghiên cứu tại Viện New Lines, chỉ ra rằng cả hai quốc gia đều đã phát triển “một quá trình tích lũy vũ khí chậm nhưng có hệ thống” trong thập kỷ qua và việc áp dụng nghĩa vụ quân sự bắt buộc chỉ là “bước tiến mới nhất của quá trình này”.
Ông Mujanovic nói thêm rằng cả hai quốc gia đều có “tham vọng chính trị mạnh mẽ” đối với các quốc gia láng giềng. “Trong trường hợp của Serbia, là chống lại Bosnia và Kosovo. Và trong trường hợp của Croatia, thật không may, cũng là Bosnia. Tôi không nghĩ bất kỳ ai nghĩ rằng Croatia hoặc Serbia sẽ tấn công Bosnia trong tương lai gần", ông nói.
Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo El Pais)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/ho-so-quan-su/vi-sao-nghia-vu-quan-su-bat-buoc-duoc-ap-dung-tro-lai-o-hai-quoc-gia-balkan-20241011171448198.htm