Vì sao người bệnh cao huyết áp nên kiêng ăn mặn và cách hạn chế muối

Vì sao người bệnh cao huyết áp nên kiêng ăn mặn và cách hạn chế muối
15 giờ trướcBài gốc
(Ảnh: Getty images)
Muối là một gia vị không thể thiếu trong các bữa ăn hàng ngày của mỗi gia đình người Việt. Nó không chỉ mang lại vị đậm đà cho các món ăn mà các thành phần có trong muối đều đóng vai trò thiết yếu đối với cơ thể.
Tuy nhiên, ăn quá nhiều muối có thể liên quan đến các vấn đề như tăng huyết áp hoặc nguy cơ ung thư dạ dày.
Tầm quan trọng của muối đối với cơ thể
Muối hay còn được gọi là natri clorua, là một hợp chất được cấu tạo thành từ khoảng 40% natri và 60% clorua (hai loại khoáng chất có vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe).
Natri là loại khoáng chất có tác dụng điều chỉnh sự co cơ, chức năng thần kinh, huyết áp và lượng máu trong cơ thể. Mặt khác, clorua là chất điện giải có nhiều thứ hai trong máu, chỉ sau natri.
Chất điện giải là các nguyên tử được tìm thấy trong chất lỏng của cơ thể, nó mang theo điện tích và rất cần thiết cho mọi cơ quan, từ xung thần kinh đến cân bằng chất lỏng. Tuy nhiên, nồng độ clorua thấp có thể dẫn đến một tình trạng nguy hiểm, gọi là nhiễm toan hô hấp, trong đó, carbon dioxide tích tụ trong máu và khiến máu mang tính axit hơn.
Mặc dù hai loại khoáng chất có trong muối này đều rất quan trọng, tuy nhiên, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng mỗi cá nhân có thể có các phản ứng khác nhau đối với muối.
Một số người có thể không bị ảnh hưởng nhiều bởi chế độ ăn nhiều muối, trong khi những người khác có thể bị cao huyết áp hoặc đầy hơi khi tăng lượng natri.
Những trường hợp gặp phải tình trạng này được coi là nhạy cảm với muối và cần phải theo dõi lượng natri tiêu thụ của họ cẩn thận hơn so với những người khác.
Ăn mặn ảnh hưởng đến huyết áp như thế nào?
Khi người bệnh tăng huyết áp ăn mặn sẽ làm tăng lượng Na+ trong máu từ đó gây tăng áp lực thẩm thấu trong máu và dẫn đến tăng cảm giác khát, tăng khối lượng tuần hoàn, tăng áp lực trong lòng mạch làm tăng huyết áp.
Ăn mặn làm tăng tính thẩm thấu của màng tế bào nhất là các tế bào cơ trơn của thành mạch từ đó gây tích nước trong tế bào và gây tăng trương lực thành mạch, co mạch dẫn đến tăng sức cản ngoại vi và gây tăng huyết áp.
(Ảnh: iStock)
Việc tăng lượng muối trong thực đơn hàng ngày cũng làm tăng thêm độ nhạy cảm của hệ tim mạch và thận với Adrenalin gây tăng huyết áp.
Huyết áp tăng do ăn quá nhiều muối có thể gây căng thẳng cho động mạch. Để đối phó, các cơ nhỏ trong thành động mạch phải hoạt động mạnh mẽ và dày hơn trước. Tuy nhiên, điều này vô tình khiến cho không gian bên trong các động mạch trở nên hẹp hơn và khiến huyết áp ngày một tăng cao.
Khi huyết áp tăng cao có thể làm vỡ hoặc tắc nghẽn các động mạch, từ đó khiến cho các cơ quan của cơ thể bị thiếu oxy và các chất dinh dưỡng cần thiết, dẫn đến bị tổn thương nghiêm trọng.
Đối với những người đang có các vấn đề về tim mạch, khi ăn quá nhiều muối có thể gây tăng huyết áp và khiến tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn. Huyết áp tăng cao sẽ làm hỏng các động mạch dẫn đến tim.
Ban đầu, nó có thể làm giảm lượng máu đến tim, gây ra các triệu chứng như đau thắt ở ngực, nhất là khi bạn hoạt động mạnh. Khi đó, các tế bào trong tim cũng hoạt động kém hiệu quả hơn trước vì chúng không được nhận đủ lượng oxy và các chất dinh dưỡng.
Nếu cơ thể tiếp tục được nạp quá nhiều muối, theo thời gian, những hệ lụy do tăng huyết áp có thể trở nên nghiêm trọng hơn, đến mức các động mạch bị vỡ hoặc bị tắc hoàn toàn.
Ngoài ra, huyết áp cao là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới các cơn đau tim tiềm ẩn. Cách tốt nhất để ngăn chặn các cơn đau tim và giảm huyết áp hiệu quả là thực hiện chế độ ăn ít muối.
Do vậy, người bệnh tăng huyết áp chỉ nên tiêu thụ khoảng 5g muối mỗi ngày. Cách ước tính 5g muối cho các loại gia vị như sau:
35g xì dầu khoảng 3,5 thìa
8g bột canh khoảng 2,5 thìa
11g hạt nêm khoảng 2 thìa
26g nước mắm khoảng 3,5 thìa
Người cao huyết áp nên ăn gì để giảm các nguy cơ?
Người bị Cao huyết áp cần thực hiện: Ăn ít muối, ít dầu mỡ và ít đường. Bên cạnh đó, người bệnh cần đặc biệt lưu ý:
(Ảnh: Getty)
Tăng cường rau xanh: Rau xanh chứa phong phú thành phần vitamin, khoáng chất, chất xơ,… tạo sự cân bằng trong ăn uống. Nguồn dưỡng chất trong rau xanh giúp tăng cường khả năng kháng bệnh của cơ thể, có ích trong việc hấp thụ đường và chất béo, phù hợp với người bị Cao huyết áp.
Nên ăn nhiều cá vì trong cá chứa hàm lượng lớn axit béo không bão hòa có tác dụng làm giảm lượng mỡ máu và ngăn ngừa tắc mạch máu.
Ăn ít các loại thịt gia súc, gia cầm vì chúng chứa lượng cao axit béo bão hòa, không tốt cho huyết áp.
Nên áp dụng chế độ ăn uống hợp lý, tập luyện thường xuyên, đồng thời kết hợp sử dụng thuốc theo chỉ định của thầy thuốc để huyết áp luôn trong tầm kiểm soát./.
(Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/vi-sao-nguoi-benh-cao-huyet-ap-nen-kieng-an-man-va-cach-han-che-muoi-post1047307.vnp