Vì sao nhiều người thích 'hóng drama' trên mạng xã hội?

Vì sao nhiều người thích 'hóng drama' trên mạng xã hội?
một ngày trướcBài gốc
"Hóng drama" là cụm từ không còn xa lạ với những người dùng mạng xã hội. "Drama" có nguồn gốc từ Hy Lạp cổ đại, chỉ một hành động hoặc sự kiện kích thích. Ngày nay chúng được người trẻ sử dụng để chỉ những câu chuyện mang tính phơi bày, bóc phốt các vụ scandal có tác động đến cộng đồng, xã hội, nhận được nhiều sự quan tâm.
Một trong những sự kiện thường xuyên thu hút sự chú ý các nền tảng mạng xã hội Việt Nam là những phát ngôn gây sốc, hành động trái đạo lý, hoặc drama tình ái, gây nhiều tranh luận. Hiện nay, trên mạng xã hội, không khó để tìm thấy các hội, nhóm với vài chục, vài trăm nghìn thậm chí là vài triệu lượt theo dõi liên tục chia sẻ những nội dung trên.
Hiện có hàng trăm hội, nhóm với vài trăm nghìn lượt theo dõi liên tục chia sẻ những nội dung "hóng drama"
Chưa có nghiên cứu cụ thể nào về thói quen "hóng drama" của người Việt nhưng báo cáo "Cuộc sống số của người Việt Nam" mới đây của Q&Me cho thấy, có đến 51% người trẻ trong độ tuổi 18 - 29 tuổi dành trên 3 giờ mỗi ngày để sử dụng mạng xã hội. Trong đó, 20% dành từ 3 - 4 giờ, 12% dành từ 4 - 5 giờ và 19% cho biết, họ sử dụng mạng xã hội hơn 5 giờ mỗi ngày.
Thực nghiệm 72 giờ không mạng xã hội của Chương trình Nghiên cứu Internet và Xã hội (VPIS) thuộc Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội cho kết quả hơn 43% người tham gia vi phạm cam kết ngay sau 6 tiếng đầu tiên. Những trạng thái cảm xúc thường thấy là mất kết nối với bạn bè, lạc hậu do không nắm được các thông tin đang diễn ra và bứt rứt, thiếu thốn một thứ gì đó.
Vậy vì sao con người dễ bị cuốn vào drama trên mạng xã hội, với câu chuyện của người thậm chí không hề liên quan đến bản thân? Đối với một số người, việc hóng drama đơn giản là để thỏa mãn sự tò mò và tìm kiếm sự vui nhộn bởi đôi khi cảm giác được hòa mình vào những tình huống kịch tính là cách hiệu quả để giảm bớt căng thẳng trong cuộc sống.
Tuy nhiên, nếu không thể kiểm soát, drama sẽ không chỉ đơn thuần là tin tức giải trí mà có thể trở thành "cơn nghiện" ảnh hưởng đến công việc, học tập, thậm chí là tâm lý, sức khỏe, niềm tin và cách chúng ta nhìn nhận các vấn đề trong cuộc sống.
Drama kích thích phản ứng cảm xúc mạnh mẽ
Con người dễ bị cuốn vào những câu chuyện có yếu tố tranh cãi, bởi vì chúng kích hoạt phản ứng cảm xúc mạnh mẽ, từ tức giận, phẫn nộ, đến hả hê hoặc đồng cảm. Khi cảm xúc bị kích thích, chúng ta có xu hướng chia sẻ và bàn luận nhiều hơn, vô tình giúp lan truyền thông tin theo cấp số nhân. Các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Twitter, TikTok cũng được thiết kế để tối ưu hóa những nội dung gây tranh cãi, khiến drama lan rộng hơn nữa.
Tuy nhiên, thực tế, drama kích thích não tiết ra dopamine là một nguồn không lành mạnh, vì nó đến từ sự tiêu thụ drama thay vì những trải nghiệm thực tế có ý nghĩa. Nếu lạm dụng, có thể bị "nghiện drama", luôn tìm kiếm những tình huống giật gân để thỏa mãn cảm giác kích thích.
Việc tiêu thụ drama quá mức có thể thay đổi niềm tin và cách nhìn nhận về cuộc sống. Chẳng hạn, khi theo dõi quá nhiều những drama tình ái, người xem xuất hiện tâm lý hoài nghi về tình yêu, mất dần niềm tin vào các mối quan hệ. Người theo dõi có thể trở nên bi quan, khó tin tưởng người khác và mất động lực xây dựng các mối quan hệ lành mạnh. Từ đó khiến cho cơ thể thường vào trạng thái kích thích căng thẳng không lành mạnh, tăng adrenaline và cortisol.
"Hóng drama" kích thích phản ứng cảm xúc mạnh mẽ của công chúng/Ảnh: Getty
Drama mang lại cảm giác quyền lực và kết nối
Theo nhà tư tưởng, doanh nhân Ryan Holiday - tác giả cuốn sách "Tin tôi đi, tôi đang nói dối đấy", nhiều người thích hóng drama vì nó mang lại cảm giác "được biết thông tin mật" và có thể chia sẻ với người khác để thể hiện sự hiểu biết. Trong môi trường truyền thông hiện đại, ai nắm bắt drama nhanh chóng sẽ có lợi thế trong các cuộc trò chuyện và tương tác xã hội.
Mặt khác, tâm lý FOMO (hội chứng sợ bỏ lỡ) cũng khiến nhiều người luôn theo dõi các hội nhóm "bóc phốt", "tung drama" để tránh trở thành "người tối cổ" - cụm từ chỉ việc không nắm bắt được các xu hướng, chủ đề đang được bàn tán trên mạng xã hội.
Điều này dẫn đến một chu kỳ liên tục: mọi người khao khát drama, truyền thông cung cấp drama, và vòng lặp này tiếp tục không ngừng.
Cần tỉnh táo khi "hóng drama"
Đa số mọi người xem việc drama là việc thường tình. Tuy nhiên, nếu người tung tin và "hóng" tin không đủ tỉnh táo rất dễ bị cuốn vào những tác động tiêu cực.
Khi bị hút vào những tranh cãi không hồi kết trên mạng, người dùng mạng xã hội có thể đang lãng phí thời gian vốn nên dành cho công việc, học tập hay nghỉ ngơi. Thói quen cập nhật tin tức bất kể giờ giấc khiến không ít người luôn trong tình trạng mệt mỏi, uể oải, được chẩn đoán rối loạn nhịp sinh học, thường xuyên đau nhức nửa đầu do thiếu ngủ.
Nguy hiểm hơn là khi những drama trở thành màn dạo đầu cho trào lưu "bóc phốt", sự bùng nổ tin tiêu cực khiến cộng đồng mạng dễ bị lôi kéo vào trận chiến "không mùi thuốc súng", biến họ trở thành "anh hùng bàn phím" sẵn sàng "ném đá" vào người khác mà không cần quan tâm "nạn nhân" là ai.
Tuy nhiên, chính cảm xúc tò mò, hào hứng khi "hóng drama" hoặc khi được thể hiện quan điểm trên mạng xã hội khiến nhiều người dùng mạng xã hội bị dẫn dắt bởi những thông tin sai lệch mà không hề hay biết. Bản thân người tung tin đồn cũng dễ đối mặt với các mức phạt hành chính, thậm chí đi tù nếu gây ảnh hưởng đến người khác. Trong khi "nạn nhân" bị đem ra bàn tán, chỉ trích phải chịu với tổn thương tâm lý hoặc nảy sinh suy nghĩ dại dột.
Thêm vào đó, hiện nay, sự chú ý của con người là một tài nguyên quý giá trong nền kinh tế truyền thông hiện đại. Các trang tin, KOLs và mạng xã hội không chỉ đưa tin, mà họ còn cố tình tạo ra hoặc khuếch đại drama để thu hút công chúng. Vì vậy, những câu chuyện giật gân, xung đột, bê bối thường xuyên được "thổi phồng" hoặc bóp méo để kích thích sự quan tâm của khán giả. Để rồi khi câu chuyện kết thúc, những nhân vật chính bỗng dưng nhận được sự chú ý đáng kể, thu hút lượt tương tác khủng, lợi ích kinh tế kèm theo cũng tăng vọt.
Chính vì vậy, người dùng mạng nên tỉnh táo sàng lọc thông tin, không để tin xấu, tin độc hại làm ảnh hưởng đến cuộc sống của bản thân và người xung quanh.
Phương Anh
Nguồn Gia Đình VN : https://giadinhonline.vn/vi-sao-nhieu-nguoi-thich-hong-drama-tren-mang-xa-hoi-d205265.html