Vì sao Ukraine chưa đưa F-16 tham gia các trận không chiến với máy bay Nga?

Vì sao Ukraine chưa đưa F-16 tham gia các trận không chiến với máy bay Nga?
17 giờ trướcBài gốc
Các phi công lái chiến đấu cơ F-16 của Ukraine đã phải thay đổi đáng kể cách bay trong một thời gian rất ngắn. Đây là một thách thức to lớn đối với họ khi các cuộc giao tranh ngày càng ác liệt, Business Insider dẫn nhận định của một số chuyên gia quân sự cho biết.
Tiêm kích F-16. Ảnh: Không quân Mỹ
Michael Bohnert, một chuyên gia về chiến tranh trên không tại Tổ chức tư vấn RAND cho rằng, các phi công Ukraine buộc phải học lái F-16 trong một thời gian ngắn khiến họ không dễ dàng vượt qua những thói quen và kinh nghiệm cũ vốn ăn sâu trong nhận thức.
Các phi công Ukraine chỉ được đào tạo khoảng 9 tháng tại Mỹ và một số nước châu Âu. Trong khi đó, các phi công phương Tây hầu hết đều được đào tạo trong 3 năm để thành thục kỹ năng vận hành chiến đấu cơ F-16.
“Nói cách khác, lực lượng không quân Ukraine đang phải trải qua một quá trình chuyển đổi mạnh mẽ, khiến các đối tác quốc tế của họ mất nhiều thời gian hơn để hỗ trợ. Nhìn chung, quân đội Ukraine phải thích nghi với vũ khí và phong cách chiến đấu mới theo các mốc thời gian bất ngờ và kết quả thì trái chiều. Đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Trong một cuộc chiến, cách dễ nhất là quay lại với những gì bạn biết rõ nhất”, ông Michael Bohnert lưu ý.
Trước khi Ukraine tiếp nhận chiến đấu cơ F-16 đầu tiên vào tháng 8/2024, phi đội máy bay chiến đấu của nước này chỉ bao gồm các máy bay cũ có từ thời Liên Xô. Những máy bay cũ đó có hệ thống thủy lực, trong khi máy bay chiến đấu F-16 sử dụng hệ thống điều khiển bay ổn định tĩnh/điều khiển bay bằng dây (RSS/FBW) để đạt được hiệu suất cơ động nâng cao. Với chiến đấu cơ này, máy tính sẽ xử lý dữ liệu đầu vào của phi công.
“Điều đó có nghĩa là F-16 không chỉ cơ động hơn mà còn phản ứng nhanh hơn", ông Bohnert cho biết. "Việc chuyển đổi kỹ năng của phi công là một vấn đề khó khăn vì bạn có thể dạy ai đó lái máy bay trong 6 tháng đến một năm. Nhưng để dạy họ cách xử lý tình huống mới khi gặp sự cố thì phải mất 4 đến 6 năm, thậm chí nhiều hơn nữa".
Theo chuyên gia Bohnert, quá trình đào tạo phi công vận hành một loại máy bay chiến đấu hoàn toàn mới rất khó khăn, vì “nếu có điều gì đó không ổn, họ sẽ quay trở lại các thao tác cũ và cách xử lý tình huống cũ”. Điều này có thể khắc phục được bằng cách dành nhiều thời gian hơn trên máy mô phỏng, nhưng quân đội Ukraine có rất ít cơ hội để làm điều này.
Nhiệm vụ đầy thách thức đối với các phi công Ukraine
Các phi công Ukraine đã ca ngợi sức mạnh chiến đấu của những chiếc F-16 vượt trội so với những máy bay chiến đấu cũ của họ, song cũng nhấn mạnh rằng, việc thích ứng với các hệ thống điện tử tiên tiến hơn trên máy bay là một thách thức.
Phi công Moonfish - một trong sáu người đang được huấn luyện sử dụng máy bay chiến đấu tại căn cứ Skrysdtrup ở Đan Mạch - cho biết, “F-16 rất tuyệt vời”. Anh so sánh sự chuyển đổi này giống như việc chuyển từ việc sử dụng một chiếc điện thoại Nokia thông thường sang điện thoại iPhone có nhiều tính năng hơn.
Trong một cuộc phỏng vấn với Politico, Tom Richter, một cựu phi công Thủy quân Lục chiến Mỹ đã mô tả F-16 như "một con quái thú nhanh nhanh hơn" so với máy bay thời Liên Xô của Ukraine. Tướng James Hecker – Tư lệnh Không quân Mỹ tại châu Âu (USAFE) và Bộ chỉ huy không quân đồng minh của Tổ chức Bắc Đại Tây Dương (NATO) thừa nhận các phi công Ukraine không thể sử dụng máy bay chiến đấu này để thực hiện những nhiệm vụ nguy hiểm nhất vì nó còn khá mới mẻ so với họ.
Hai chuyên gia về chiến tranh trên không người Mỹ cho rằng, quá trình chuyển đổi sang F-16 và việc tích hợp phương tiện này vào các hoạt động chiến đấu của quân đội Ukraine đòi hỏi Kiev phải cải tổ học thuyết và quá trình đào tạo bắt nguồn từ Liên Xô trong nhiều thập kỷ.
"Những thói quen cũ rất khó bỏ. Họ phải sẵn sàng tiếp nhận các khái niệm và tiến trình đào tạo mới cũng như sẵn sàng thay đổi cách thức sử dụng các đơn vị quân đội”, các chuyên gia David Deptula và Christopher Bowie của Viện Mitchell lưu ý.
Những thay đổi trong quân đội thường không diễn ra trong một sớm một chiều. Ông Bohnert nhận định rằng, các lực lượng không quân phương Tây phải mất nhiều năm để chuyển đổi sang máy bay điều khiển bay bằng dây (RSS/FBW) và trong quá vận hành vẫn còn xảy ra một số vụ tai nạn đáng tiếc. Tuy nhiên, phi công Ukraine không có nhiều thời gian như vậy và họ phải chịu áp lực lớn hơn nhiều để thích nghi nhanh chóng.
Một số phi công Ukraine đã vượt qua thách thức lớn đó. Bản đánh giá nội bộ của Không quân Mỹ cho biết, có hai phi công Ukraine đã chứng minh rằng họ có thể hoàn thành khóa đào tạo về F-16 chỉ trong 4 tháng — nhanh hơn gấp bốn lần so với dự đoán của Lầu Năm Góc. Nhưng như các cựu phi công Mỹ đã cảnh báo rằng, không phận nhiều tranh chấp trên lãnh thổ Ukraine sẽ là chiến trường nguy hiểm nhất mà F-16 phải đối mặt.
Cựu Thống chế Không quân Ấn Độ Anil Chopra cho rằng, máy bay chiến đấu F-16 của Ukraine khó có thể tham gia vào các cuộc không chiến với máy bay Nga. Trước đó, ông lập luận rằng F-16 của Ukraine có thể phải chiến đấu với tiêm kích MiG-31 Foxhounds của Nga được trang bị tên lửa tầm xa RM-37M. Song chuyên gia này khẳng định rằng "điều tốt nhất mà máy bay F-16 của Ukraine có thể làm là đóng vai trò phòng thủ và bắn hạ tên lửa phóng từ trên không của Nga".
Chuyên gia quân sự Ukraine, ông Mykhailo Zhyrokhov, cũng đưa ra quan điểm tương tự. Ông Zhtrokov cho rằng tiêm kích F-16 mà Ukraine tiếp nhận không phải là phiên bản mới nhất của dòng máy bay này, vì thế “chúng chủ yếu sẽ được sử dụng trong vai trò phòng không để tiêu diệt tên lửa hành trình và máy bay không người lái". Tuy nhiên, ông lưu ý máy bay sẽ đóng vai trò là nền tảng để phóng các loại vũ khí chính xác.
Hồng Anh/VOV.VN (Tổng hợp)
Nguồn VOV : https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/vi-sao-ukraine-chua-dua-f-16-tham-gia-cac-tran-khong-chien-voi-may-bay-nga-post1126666.vov