Trong tiến trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, biên giới phía Bắc luôn là phên dậu thiêng liêng của Tổ quốc. Giai đoạn 1979 - 1989, đặc biệt là từ năm 1984, mặt trận Vị Xuyên - Hà Giang trở thành nơi khốc liệt nhất của cuộc chiến bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trước sự xâm lấn. Với vị trí chiến lược trọng yếu, Vị Xuyên được ví như “ngọn lửa giữ cửa ngõ quốc gia” - nơi mà mỗi tấc đất đều phải đánh đổi bằng máu xương của biết bao người con ưu tú.
Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo tỉnh dâng hoa tưởng nhớ công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên vào tháng 2/2025. Ảnh: hagiang.gov.vn
Ngày 12/7/1984 là một trong những thời khắc bi thương và bi tráng nhất. Trong trận đánh ác liệt diễn ra tại các điểm cao như 772, 685, 1509, bình độ 1.200, hơn 600 chiến sĩ của ta đã anh dũng hy sinh chỉ trong vòng 24 giờ để giữ vững từng sườn núi, từng vách đá. Những cái tên như “lò vôi thế kỷ”, “cối xay thịt”, “bình độ 1.100”, “cao điểm 1509”... trở thành những địa danh không thể phai mờ trong ký ức dân tộc.
Máu của các anh đã thấm vào đất đá biên cương, hòa quyện cùng mây núi phía Bắc, làm nên một khúc tráng ca bất tử về lòng yêu nước, sự quả cảm và tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Nhiều người lính nằm lại mà chưa kịp để lại tên tuổi, thân thể hóa thành đá núi, hòa làm một với đại ngàn Tổ quốc.
Sau sáp nhập địa giới, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên hiện thuộc tỉnh Tuyên Quang. Nơi đây quy tập hơn 1.800 phần mộ liệt sĩ, trong đó rất nhiều người chưa xác định được danh tính. Mỗi ngôi mộ, mỗi tấm bia đều là một câu chuyện bi hùng chưa kịp viết trọn. Ẩn sau từng nén hương là nước mắt, lòng thành kính và những ước vọng còn dang dở của bao người lính trẻ năm xưa.
Hằng năm, cứ đến ngày 12/7 - ngày giỗ trận, hàng ngàn người từ khắp mọi miền đất nước lại hành hương về Vị Xuyên để tưởng nhớ, tri ân. Lễ tưởng niệm được tổ chức trang nghiêm và thiêng liêng: dâng hương, thắp nến tri ân, thả hoa đăng, đọc diễn văn tưởng niệm, nghe kể chuyện chiến trường... Những nghi thức ấy không chỉ khơi dậy cảm xúc sâu lắng trong lòng người tham dự, mà còn khắc ghi vào tâm khảm thế hệ hôm nay bài học về giá trị của độc lập, của hòa bình và đạo lý làm người.
Không chỉ có thân nhân liệt sĩ hay cựu chiến binh, đông đảo đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên, trí thức trẻ... cũng chọn ngày này để về nguồn, để lắng nghe – và để tiếp bước. Họ lặng người trước từng hàng bia mộ, xúc động khi nghe các nhân chứng sống kể về đồng đội, về những trận đánh sinh tử, về sự sống – cái chết mong manh nơi chiến địa. Và rồi, trên từng đôi mắt, từng nét mặt ấy, ánh lên những suy tư lặng lẽ: “Chúng tôi đang được sống, là nhờ các anh đã từng ngã xuống.”
Tri ân liệt sĩ không dừng lại ở những nghi lễ long trọng. Nhiều năm qua, chính quyền tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện đồng bộ các chính sách đền ơn đáp nghĩa. Từ hỗ trợ sinh kế cho thân nhân liệt sĩ, chăm sóc người có công, xây dựng nhà tình nghĩa, đến việc quy tập hài cốt liệt sĩ, tu bổ nghĩa trang, nhà bia tưởng niệm – tất cả đều thể hiện sự quan tâm thường xuyên, trách nhiệm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Thế hệ trẻ xã Thanh Thủy tham gia bảo vệ đường biên mốc giới. Ảnh: hagiang.gov.vn
Đặc biệt, tỉnh phối hợp với Bộ Quốc phòng và các đơn vị chuyên trách tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ còn nằm lại tại các cao điểm hiểm trở. Những hành trình “hồi hương” lặng lẽ nhưng đầy nước mắt ấy kéo dài suốt nhiều năm, không quản khó khăn, băng rừng vượt núi, tìm lại từng dấu tích, từng kỷ vật... để đưa các anh trở về với đất mẹ. Đó là những cuộc tri ân bằng hành động, bằng tâm huyết, bằng cả trái tim.
Trong hành trình giáo dục truyền thống yêu nước, lịch sử dân tộc không chỉ được truyền tải qua sách vở, mà còn phải được “sống” - bằng cảm nhận trực tiếp, bằng sự trải nghiệm thực tế. Vị Xuyên chính là một “lớp học lịch sử sống động” như thế.
Nhiều trường học, tổ chức Đoàn - Hội đã chọn Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên làm điểm đến trong các chương trình “về nguồn”, “hành trình tri ân”, “kết nghĩa với gia đình liệt sĩ”, “thắp nến tri ân”, “kể chuyện lịch sử”... Những chuyến đi như thế đã tác động mạnh mẽ đến tư tưởng, nhận thức và lý tưởng sống của thanh thiếu niên. Bởi chỉ khi đứng trước những ngôi mộ chưa ghi tên, lắng nghe những câu chuyện thật như xé lòng, các em mới thực sự hiểu thế nào là sự đánh đổi để giành lại độc lập, thế nào là giá trị của hòa bình.
Từ những giọt nước mắt lặng lẽ, đến những lời cam kết trước anh linh các liệt sĩ, thế hệ trẻ hôm nay đang từng ngày gìn giữ ngọn lửa mà cha anh để lại – bằng sự học tập chăm chỉ, sống có trách nhiệm, cống hiến cho quê hương, đất nước.
Ngày giỗ trận 12/7 tại Vị Xuyên không chỉ là dịp tưởng niệm một sự kiện lịch sử, mà còn là một nghi lễ văn hóa - tâm linh mang đậm bản sắc dân tộc. Đó là nơi giao hòa giữa quá khứ và hiện tại, giữa mất mát và hy vọng, giữa bi thương và khát vọng vươn lên.
Văn hóa tưởng niệm ở Vị Xuyên không khô cứng, hình thức, mà đầy xúc cảm và nhân văn. Đó là những vòng hoa của cựu binh từ Quảng Trị vượt hơn 1.000 km để về thắp hương đồng đội. Là dòng nước mắt của người mẹ liệt sĩ lần đầu được nghe tên con mình vang lên trong buổi lễ. Là bàn tay run run của học sinh lớp 12 khi thắp nến bên mộ người chiến sĩ “vô danh” mà lòng đau như gặp người thân ruột thịt.
Những giá trị ấy, nếu được gìn giữ và nhân lên, sẽ trở thành nền tảng tinh thần quý giá cho sự phát triển bền vững của đất nước - trong thời bình cũng như những lúc thử thách.
Trên mảnh đất biên cương đầy nắng gió, nơi từng viên đá cũng mang dấu vết thời gian, những nén hương được thắp lên mỗi dịp 12/7 chính là lời hứa thiêng liêng: “Tổ quốc không bao giờ quên!” Đó là lời tri ân quá khứ, là ngọn lửa truyền trao cho hiện tại, là nguồn động lực tinh thần để đất nước tiếp tục vững bước trên hành trình phát triển và hội nhập.
Vị Xuyên – với những nấm mộ chưa tên, những bản hùng ca chưa lời kết - sẽ mãi là địa chỉ đỏ trong tâm thức dân tộc. Một di sản vô giá không chỉ của lịch sử, mà còn của văn hóa, tâm linh, nhân cách và trách nhiệm công dân trong thời đại mới.
Vũ Mai Anh