Bộ trưởng Nội vụ Anh Yvette Cooper và Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam ký kết kế hoạch hành động chung tại Hội nghị thượng đỉnh về phòng, chống tội phạm có tổ chức đưa người di cư trái phép. (Nguồn: ĐSQ Anh tại Việt Nam)
Bộ trưởng Nội vụ Anh Yvette Cooper và Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam ngày 31/3 đã ký kết kế hoạch hành động chung tại Hội nghị thượng đỉnh về phòng, chống tội phạm có tổ chức đưa người di cư trái phép.
Việc ký kết thể hiện cam kết mạnh mẽ của hai quốc gia trong đấu tranh chống tội phạm đưa người di cư trái phép và tội phạm mua bán người, thông qua việc ngăn chặn người di cư qua những tuyến đường nguy hiểm, tăng cường chia sẻ thông tin và đấu tranh chống tội phạm.
Kế hoạch hành động này được xây dựng trên cơ sở Biên bản ghi nhớ về hợp tác phòng, chống mua bán người do hai nước ký kết năm 2018.
Theo Đại sứ quán Anh tại Việt Nam, năm 2024, hơn 3.000 người Việt vượt biển từ Pháp vào Anh trái phép bằng thuyền hơi. Các hành trình vượt biển đẩy rủi ro này được thực hiện trên những phương tiện quá tải và nguy hiểm. Đặc biệt, nhiều người nhập cư trái phép vào Anh phải đối mặt với việc bị bóc lột lao động nhằm trả nợ cho kẻ môi giới.
Bộ trưởng Nội vụ Yvette Cooper nhấn mạnh, mua bán người là loại hình tội phạm vô nhân đạo, bóc lột và biến nạn nhân thành nô lệ. Do đó, chính phủ Anh đang sử dụng mọi phương thức nhằm xác định, bảo vệ nạn nhân và triệt phá những băng nhóm tội phạm.
"Hợp tác quốc tế đóng vai trò tiên quyết, giúp chúng ta triệt phá các nhóm tội phạm ở cả Anh và Việt Nam - những kẻ đang thu lợi trên sự tuyệt vọng của người di cư. Cùng với Chính phủ Việt Nam, chúng tôi có thể triệt phá các nhóm tội phạm mua bán người và giúp ngăn chặn nhiều người trở thành nạn nhân”, Bộ trưởng Yvette Cooper chỉ rõ.
Kế hoạch hành động chung này là cơ sở để Bộ Nội vụ Anh tiếp tục triển khai các dự án tại Việt Nam về phòng, chống mua bán người. (Nguồn: ĐSQ Anh tại Việt Nam)
Kế hoạch hành động chung này là cơ sở để Bộ Nội vụ Anh tiếp tục triển khai các dự án tại Việt Nam về phòng, chống mua bán người, trong đó có khoản tài trợ 1 triệu Bảng Anh của Quỹ phòng, chống nô lệ hiện đại.
Kể từ năm 2018, thông qua Quỹ phòng, chống nô lệ hiện đại, Anh cũng đã tài trợ cho các đối tác thực hiện dự án về phòng, chống mua bán người ở Việt Nam. Dự án xác định, hỗ trợ nạn nhân và những người di cư dễ bị tổn thương, đồng thời truyền thông đến hơn 7 triệu người, tập huấn 1.936 người có khả năng cao sẽ di cư và trở thành nạn nhân của mua bán người.
Hội nghị thượng đỉnh về phòng, chống tội phạm có tổ chức đưa người di cư trái phép ngày 31/3 vừa qua tại London (Anh) nhằm kết nối các quốc gia và tổ chức quốc tế trong nỗ lực chung nhằm triệt phá các mạng lưới tội phạm có tổ chức đưa người di cư trái phép.
Các Bộ trưởng đến từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự, đồng thời cam kết chung tay triệt phá các băng nhóm tội phạm có tổ chức đưa người di cư trái phép.
Hội nghị bao gồm 3 chủ đề chính: Triệt phá các mắt xích của đường dây tội phạm, đấu tranh chống tội phạm tài chính và đấu tranh chống tội phạm trên không gian mạng. Các quốc gia tham gia đã thông qua Thông cáo chung của hội nghị, thể hiện sự đoàn kết, quyết tâm và nỗ lực lâu dài trong “Triệt phá đường dây tội phạm có tổ chức và đấu tranh với các đối tượng phạm tội” và “Chia sẻ sự hiểu biết nhằm tăng cường nỗ lực chung” trong phòng, chống tội phạm đưa người di cư trái phép.
Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Công an, cho biết tình trạng bất ổn chính trị, xung đột bạo lực, khủng hoảng kinh tế, thất nghiệp, biến đổi khí hậu ở các quốc gia và khu vực là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những làn sóng di cư bất hợp pháp. (Nguồn: ĐSQ Anh tại Việt Nam)
Phát biểu tại hội nghị, Đại tướng, Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang cho biết, thời gian qua, các làn sóng di cư bất hợp pháp trên thế giới có xu hướng gia tăng, đe dọa đến chính mạng sống của người di cư và gây ra những tác động tiêu cực về chính trị, kinh tế, xã hội ở nhiều quốc gia. Nguyên nhân chủ yếu do bất ổn chính trị, xung đột bạo lực, khủng hoảng kinh tế, thất nghiệp, biến đổi khí hậu ở các quốc gia và khu vực.
Đặc biệt, tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, gần đây đã nổi lên tình trạng các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia triệt để lợi dụng mạng xã hội, trí tuệ nhân tạo nhằm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, buôn bán ma túy, vũ khí, vật liệu nổ, lạm dụng tình dục trẻ em, rửa tiền thông qua tiền ảo, mua bán người.
"Với tinh thần hợp tác của một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam mong muốn tiếp tục học hỏi kinh nghiệm của các nước trong phòng, chống các loại tội phạm xuyên quốc gia, đặc biệt tội phạm mua bán người, để cùng nhau xây dựng một thế giới an toàn, bình yên, công bằng và thịnh vượng”, Đại tướng Lương Tam Quang khẳng định.
Ngọc Anh