Việt Nam muốn thịnh vượng phải dựa vào tài sản trí tuệ

Việt Nam muốn thịnh vượng phải dựa vào tài sản trí tuệ
9 giờ trướcBài gốc
Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh tại buổi làm việc với Cục Sở hữu trí tuệ ngày 14.5.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Sở hữu trí tuệ (SHTT) là nền tảng để biến tri thức thành tài sản, biến đổi mới sáng tạo thành động lực tăng trưởng. Không có SHTT thì không thể có thị trường công nghệ, không thể thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Nếu Việt Nam muốn phát triển nhanh và bền vững, SHTT phải trở thành trụ cột chiến lược, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng tài sản quốc gia.
Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng tại buổi làm việc với Cục Sở hữu trí tuệ ngày 14.5 - Ảnh: MIC
Nói về vai trò của SHTT, Bộ trưởng Hùng đề nghị đơn vị này cần nghiên cứu cuốn sách Từ đói nghèo đến thịnh vượng đề cập đến quy luật là quốc gia phát triển thì 80% tổng tài sản của quốc gia đó là tài sản trí tuệ, tức tài sản ảo, tài sản vô hình. Quốc gia nào sở hữu nhiều tài sản "cứng", tài sản hữu hình là quốc gia kém phát triển.
Theo đó, Bộ trưởng Hùng cho rằng Việt Nam phát triển, thịnh vượng chính là dựa vào tài sản trí tuệ, tài sản vô hình. Việt Nam trở thành quốc gia phát triển là có sự đóng góp của SHTT, bởi quốc gia càng phát triển thì tỷ lệ SHTT càng cao. Nhiều quốc gia nhỏ nhưng vĩ đại là nhờ SHTT. "Hãy xây dựng tài sản vô hình, trí tuệ dựa trên các cải tiến, sáng tạo thành tài sản", Bộ trưởng Bộ KH-CN nói.
Theo Bộ trưởng Hùng, nâng cao nhận thức về SHTT thì mới thúc đẩy được đổi mới sáng tạo và qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng trưởng 2 con số. Ngày SHTT thế giới cũng nhằm tôn vinh đóng góp của nhà sáng chế, nghệ sĩ, doanh nhân và các tổ chức sáng tạo. Mỗi năm, trong lĩnh vực này cần có sự khen thưởng, đánh giá những người phát minh, sáng tạo và có cách thức tôn vinh họ.
Làm khoa học công nghệ cũng vậy, SHTT phải sử dụng trí tuệ, năng lực nghiên cứu toàn cầu để phát triển. Cục SHTT đang sở hữu cơ sở dữ liệu về trí tuệ toàn cầu và có thể khai thác nhờ công cụ phân tích trí tuệ toàn cầu để có thể tìm ra định hướng phát triển công nghệ, nghiên cứu lĩnh vực, tài sản trí tiệu giá cao để cung cấp tri thức cho doanh nghiệp công nghệ, xã hội.
Bộ trưởng Hùng cho rằng làm lĩnh vực SHTT cần học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia. Kinh nghiệm cho thấy quốc gia nào mạnh về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo thì đều mạnh về SHTT. Bộ trưởng lấy ví dụ Mỹ thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu từ ngân sách nhà nước rất mạnh mẽ khi dành 3% ngân sách liên bang chi cho các dự án nghiên cứu lớn; mỗi năm Mỹ chi 200 tỉ USD từ ngân sách nhà nước, gấp 200 lần Việt Nam.
Trong khi đó, Hàn Quốc có hệ thống bảo hộ sáng chế mạnh. Ngoài bảo hộ, Hàn Quốc còn đẩy mạnh giáo dục về SHTT, hỗ trợ đăng ký sáng chế. Hàn Quốc đứng Top 3 thế giới về đơn sáng chế nộp/người. Lĩnh vực SHTT của Việt Nam có thể học hỏi Hàn Quốc.
SHTT bao giờ cũng là nằm trong hệ sinh thái nên cần chú và hệ sinh thái này là dựa trên nền tảng bảo hộ và khai thác tài sản. Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo muốn tồn tại, phát triển bền vững thì phải thu hút được đầu tư cho nghiên cứu, đẩy mạnh được thương mại kết quả nghiên cứu.
Bộ trưởng Hùng cũng lưu ý Cục Sở hữu trí tuệ cần chuyển đổi số toàn diện hoạt động SHTT, tăng cường thực thi công tác SHTT trên môi trường số... đặc biệt liên quan đến công nghệ mới, công nghệ số; hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác thương mại SHTT.
"Chuyển đổi số phải thiết kế lại quy trình phù hợp với một môi trường số. Cơ sở dữ liệu phải sạch, mở để các bên có thể viết phần mềm, khai thác. Gắn SHTT với thị trường công nghệ nên sàn khoa học công nghệ và SHTT là một cặp song sinh. Hãy lồng ghép SHTT vào một chương trình quốc gia để từ đó đi lên, ví dụ như chương trình OCOP", Bộ trưởng cho hay.
Theo ông Lưu Hoàng Long - Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, trong 2 năm 2023 - 2024 cục đã tiếp nhận hơn 707.000 đơn sở hữu công nghiệp các loại (tăng 34,4% so với giai đoạn 2015-2019); xử lý được trên 617.800 đơn (tăng 45,2% so với giai đoạn 2015-2019); cấp 212.370 văn bằng bảo hộ (tăng 45,2% so với giai đoạn 2015-2019).
Cục đã hỗ trợ triển khai 32 dự án hỗ trợ bảo hộ và khai thác tài sản trí tuệ đối với doanh nghiệp, các sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực; hỗ trợ địa phương triển khai 155 dự án về bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm của địa phương, sản phẩm OCOP trên địa bàn...
Tuyết Nhung
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/viet-nam-muon-thinh-vuong-phai-dua-vao-tai-san-tri-tue-232612.html