Hướng dẫn cụ thể về phân biệt tài sản hợp pháp và tài sản có nguồn gốc vi phạm

Hướng dẫn cụ thể về phân biệt tài sản hợp pháp và tài sản có nguồn gốc vi phạm
9 giờ trướcBài gốc
Chiều 15/5, Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Điện Biên, Trà Vinh, Cao Bằng (Tổ 8) thảo luận ở tổ về dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân; và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
Nghị quyết sẽ tạo cú hích mạnh mẽ cho cải cách thể chế
ĐBQH Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) bày tỏ sự thống nhất cao với việc xây dựng và ban hành Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân nhằm thể chế hóa Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị. Đồng thời, đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan Chính phủ và Quốc hội trong việc trình, xem xét thông qua Nghị quyết này cũng như phối hợp rà soát các văn bản luật hiện hành để kịp thời sửa đổi, bổ sung ngay tại Kỳ họp đang diễn ra nhằm thể chế hóa Nghị quyết 68-NQ/TW.
ĐBQH Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) phát biểu tại phiên thảo luận
“Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội đã khẳng định rõ hơn vai trò trung tâm, động lực then chốt của khu vực kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế đất nước. Bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi, dự thảo cũng đề xuất nhiều chính sách đặc thù, vượt trội để khu vực này thực sự "lớn mạnh về lượng, nâng cao về chất", đủ sức cạnh tranh ở cấp khu vực và quốc tế”, đại biểu Trần Quốc Tuấn nói.
Theo đại biểu, cộng đồng doanh nghiệp trong nước đang rất kỳ vọng Nghị quyết sẽ tạo cú hích mạnh mẽ cho cải cách thể chế; rút ngắn quy trình cấp phép; tạo điều kiện tiếp cận đất đai, vốn tín dụng thuận lợi hơn; đồng thời hình thành một môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, thông thoáng hơn.
Với hệ thống quy định mới, doanh nghiệp tư nhân sẽ không còn bị phân biệt so với doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp FDI trong tiếp cận đấu thầu, tín dụng, đất đai và các chính sách hỗ trợ khác. Điều này sẽ góp phần tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng, giúp doanh nghiệp tư nhân tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, từ đó xây dựng được nhiều thương hiệu Việt có sức cạnh tranh quốc tế.
Cần cơ chế phối hợp để "một lần thanh tra" không trở thành kẽ hở cho vi phạm
Góp ý vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, đại biểu Trần Quốc Tuấn cho rằng, quy định tại khoản 1, Điều 4: “Thanh tra đối với mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không quá một lần trong năm, trừ trường hợp có bằng chứng vi phạm rõ ràng” hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển, thực sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.
Theo đại biểu, việc giảm thiểu tần suất thanh tra, kiểm tra là cần thiết để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp có thể vi phạm nhiều loại quy định khác nhau vào các thời điểm khác nhau trong năm, chẳng hạn như: sản xuất hàng giả, vi phạm an toàn thực phẩm, xả thải gây ô nhiễm môi trường, vi phạm quy định phòng cháy chữa cháy, hay trốn thuế.
“Nếu chỉ quy định thanh tra không quá một lần trong năm mà không có cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng thì sẽ rất khó phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm xảy ra rải rác trong năm”, đại biểu Trần Quốc Tuấn nêu rõ.
Đại biểu cũng nhấn mạnh rằng, không vì lý do này mà để doanh nghiệp phải tiếp nhiều đoàn thanh tra trong cùng một năm. Việc này không chỉ gây tốn kém thời gian, chi phí mà còn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Từ thực tiễn trên, đại biểu Trần Quốc Tuấn đề nghị bổ sung quy định về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra với các cơ quan quản lý chuyên ngành trong dự thảo Nghị quyết. Mục tiêu là vừa đảm bảo nguyên tắc “không thanh tra quá một lần trong năm”, vừa phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, tránh tình trạng chồng chéo, trùng lặp hoặc buông lỏng quản lý.
ĐBQH Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) phát biểu tại phiên thảo luận
Cũng liên quan đến hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, ĐBQH Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) cho rằng, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội đã có bước tiến khi quy định các hoạt động thanh tra, kiểm tra, cấp phép, chứng nhận đối với doanh nghiệp phải theo hướng không chồng chéo, đúng pháp luật, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi và minh bạch, cần nghiên cứu, bổ sung một số nội dung cụ thể.
Theo đại biểu, trước hết cần làm rõ khái niệm "không chồng chéo" gắn với nguyên tắc "đúng thẩm quyền", nhằm tránh tình trạng lạm quyền hoặc kiểm tra trùng lặp, gây phiền hà cho doanh nghiệp. Đồng thời, cần bổ sung nguyên tắc công khai, minh bạch để nâng cao trách nhiệm giải trình trong hoạt động thanh tra, kiểm tra.
Một điểm quan trọng khác được đại biểu nhấn mạnh là việc cập nhật các xu hướng công nghệ hiện đại như dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI) trong công tác quản lý rủi ro. Việc ứng dụng công nghệ sẽ giúp cơ quan chức năng giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp, phát hiện vi phạm hiệu quả hơn và tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp.
Từ đó, ĐBQH Đào Chí Nghĩa đề xuất bổ sung quy định cụ thể vào Điều 4 của dự thảo Nghị quyết, theo hướng: “Hoạt động thanh tra, kiểm tra, cấp phép, chứng nhận đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh phải bảo đảm không chồng chéo, đúng thẩm quyền, tuân thủ pháp luật, công khai, minh bạch, ứng dụng công nghệ thông tin, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo để phục vụ quản lý rủi ro, giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh”.
Phân biệt tài sản hợp pháp và tài sản vi phạm: cần quy trình rõ ràng
Góp ý Điều 5 quy định về nguyên tắc xử lý các vi phạm và giải quyết các vụ việc, đại biểu Đào Chí Nghĩa đồng tình với tinh thần khuyến khích doanh nghiệp chủ động khắc phục vi phạm; đồng thời cho rằng một số quy định cần được điều chỉnh để đảm bảo sự nghiêm minh, nhất quán và minh bạch trong thực thi pháp luật.
Quang cảnh phiên họp tổ, chiều 15/5
Cụ thể, khoản 2 quy định: “Đối với vi phạm, vụ việc về dân sự, kinh tế, ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước; các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được chủ động khắc phục vi phạm, thiệt hại. Trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì không áp dụng xử lý hình sự”.
Đại biểu Đào Chí Nghĩa cho rằng, quy định này nếu không có giới hạn rõ ràng sẽ dẫn tới sự thiếu nhất quán trong áp dụng pháp luật, đặc biệt với những hành vi vi phạm có tính chất nghiêm trọng như gian lận tài chính, trốn thuế quy mô lớn.
Lo ngại việc ưu tiên khắc phục hậu quả có thể làm giảm tính răn đe của pháp luật, đại biểu đề nghị quy định rõ thời hạn để doanh nghiệp chủ động khắc phục hậu quả, tránh tình trạng kéo dài quá trình xử lý hay né tránh trách nhiệm. Đồng thời, phải phân loại, đánh giá cụ thể từng trường hợp để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.
Tại khoản 8 đề cập đến việc phân biệt rõ tài sản hình thành hợp pháp với tài sản, thu nhập có được từ hành vi vi phạm pháp luật, tài sản khác liên quan đến vụ án; giữa tài sản, quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp với tài sản, quyền, nghĩa vụ của cá nhân người quản lý doanh nghiệp trong xử lý các vi phạm và giải quyết các vụ việc
Theo đại biểu Đào Chí Nghĩa, việc phân biệt tài sản hợp pháp với tài sản có được từ hành vi vi phạm pháp luật là quá trình phức tạp, đặc biệt trong các vụ án kinh tế lớn. Do đó, cần ban hành hướng dẫn chi tiết về quy trình và tiêu chí phân biệt; đồng thời tăng cường năng lực cho cơ quan tố tụng trong việc xác minh tài sản.
Bên cạnh đó, đại biểu đề xuất bổ sung cơ chế giám sát tạm thời đối với tài sản trong quá trình điều tra để ngăn chặn nguy cơ tẩu tán, chuyển nhượng tài sản có nguồn gốc bất hợp pháp, nhưng vẫn bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các bên không liên quan.
Hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp sẽ hưởng nhiều ưu đãi
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại phiên thảo luận
Phát biểu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, ĐBQH tỉnh Điện Biên, cho biết, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp có nội hàm tương đối rõ, có tính chất cấp bách và cần phải tháo gỡ ngay để tác động đến niềm tin, hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân nhưng chưa được thể chế hóa hoặc cần phải sửa đổi, bổ sung mà thuộc thẩm quyền của Quốc hội, hoặc không thuộc phạm vi điều chỉnh của các luật có trong chương trình xây dựng pháp luật kỳ này.
Như vậy, theo Bộ trưởng, những nội dung trong Nghị quyết này là tập trung vào vấn đề “đã rõ, đã chín”, có tính đột phá vượt trội, có thể cụ thể hóa được.
Một số đại biểu băn khoăn rằng việc ban hành các cơ chế, chính sách cần bảo đảm hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, Nhà nước và người dân, cũng như giữa các đối tượng như hộ kinh doanh và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Về vấn đề này, Bộ trưởng cho biết đây cũng là những nội dung mà cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu và tính toán rất kỹ, nhằm đưa các chính sách ưu tiên đối với hộ kinh doanh và doanh nghiệp vừa và nhỏ đến gần nhau hơn.
Theo đó, mức ưu đãi dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ cao hơn; đồng thời, một số quy định đối với hộ kinh doanh sẽ được làm rõ để tránh bị lợi dụng và giúp họ hoạt động minh bạch hơn. Ví dụ như việc bỏ thuế khoán đối với hộ kinh doanh. Cùng với đó, nhiều chính sách ưu đãi cũng đã được thiết kế nhằm hỗ trợ hộ kinh doanh khi chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp, như: hỗ trợ kinh phí xây dựng, thuê/mua nền tảng số, phần mềm; hỗ trợ đào tạo; và sửa đổi các quy định, điều kiện liên quan đến hạch toán, kế toán,…
Ngoài ra, nhiều quy định và điều kiện áp dụng cho doanh nghiệp cũng sẽ được đơn giản hóa, nhằm không gây khó khăn cho các hộ kinh doanh trong quá trình chuyển đổi. Khi đã trở thành doanh nghiệp, họ sẽ được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ như miễn, giảm thuế thu nhập,...
Hà Lan
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/huong-dan-cu-the-ve-phan-biet-tai-san-hop-phap-va-tai-san-co-nguon-goc-vi-pham-10372557.html