Chiều 15/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân.
Quy định về thanh tra cần rõ ràng, tránh tạo khoảng trống pháp lý
Tham gia thảo luận, đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) cho rằng, dự thảo Nghị quyết đã khẳng định rõ hơn vai trò trung tâm, động lực then chốt của khu vực kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế đất nước.
Bên cạnh việc tạo điều kiện, dự thảo cũng đã quy định những chính sách vượt trội, đặc thù để kinh tế tư nhân thực sự "lớn mạnh về lượng, nâng cao về chất", có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế.
Theo ông Tuấn, hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp trong nước đang rất hân hoan và kỳ vọng Nghị quyết sẽ thúc đẩy cải cách thể chế, rút ngắn quy trình cấp phép, tiếp cận đất đai và vốn tín dụng dễ dàng hơn, hình thành môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch hơn.
Một nội dung quan tâm khác, theo ông Tuấn là các doanh nghiệp sẽ giảm lo ngại bị hình sự hóa trong các tranh chấp dân sự, nhấn mạnh yếu tố "không làm khó người làm ăn chân chính".
"Khi các quy định pháp luật được thông qua sẽ bảo vệ doanh nghiệp khỏi rủi ro pháp lý không đáng có. Doanh nghiệp tư nhân không bị phân biệt so với doanh nghiệp Nhà nước hoặc FDI khi tham gia đấu thầu, tiếp cận tín dụng, đất đai, chính sách hỗ trợ khác", ông Tuấn nói.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Ảnh: Media Quốc hội).
Góp ý về nội dung: "Thanh tra đối với mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không được quá một lần trong năm, trừ trường hợp có bằng chứng vi phạm rõ ràng, quy định tại khoản 1, Điều 4 dự thảo Nghị quyết", ông Tuấn lo lắng nếu các quy định không rõ ràng, sẽ tạo khoảng trống pháp lý, dễ bị lợi dụng.
Theo ông Tuấn, muốn kinh tế tư nhân phát triển lớn mạnh, thì rất cần các quy định pháp luật phải được thiết kế chặt chẽ, thông thoáng và ban hành theo hướng hỗ trợ đặc biệt để tạo thuận lợi tối đa, giúp cho doanh nghiệp tư nhân thật sự là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế quốc gia.
Dù vậy, ông cho rằng các quy định đó cũng phải đảm bảo hài hòa lợi ích của cả 2 nhóm đối tượng liên quan mật thiết với doanh nghiệp tư nhân, đó là Nhà nước và người tiêu dùng, cộng đồng xã hội.
"Các quy định pháp luật tuyệt đối không vì hỗ trợ cho doanh nghiệp tư nhân mà bỏ sót quyền và lợi ích hợp pháp của 2 nhóm đối tượng này, đó là Nhà nước và người tiêu dùng, cộng đồng xã hội", ông Tuấn nhấn mạnh.
Vị đại biểu nêu ra ví dụ về những vụ việc điển hình vừa mới xảy ra, gây bức xúc cho xã hội như vụ vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh hàng giả, sữa giả; thực phẩm chức năng giả; thực phẩm bị pha trộn hóa chất, trong đó có món ăn lòng xe điếu… đã gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.
"Câu hỏi nhức nhói được xã hội quan tâm đặt ra, đó là những người uống sữa giả, thực phẩm chức năng giả đó có được bồi thường thiệt hại hay không? Hay nói cách khác là quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng có được pháp luật bảo vệ không, hay sẽ bị lãng quên và đi vào dĩ vãng?", ông Tuấn đặt câu hỏi.
Theo cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, việc thanh tra đối với mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh sẽ thực hiện không được quá một lần trong năm, trừ trường hợp có bằng chứng vi phạm rõ ràng (Ảnh: TH).
Ông cũng cho rằng, thực tế đã có một số doanh nghiệp có khả năng sẽ vi phạm pháp luật một trong nhiều nội dung vào từng thời điểm khác nhau trong năm như vi phạm quy định về sản xuất hàng giả; vi phạm về các quy định an toàn thực phẩm; vi phạm môi trường, xử lý nước thải; vi phạm về an toàn phòng cháy chữa cháy hay vi phạm các hành vi kê khai trốn thuế và nhiều quy định khác…
Vị đại biểu nhấn mạnh, nếu Nghị quyết chỉ quy định thanh tra 1 lần trong năm, mà thiếu sự phối hợp đầy đủ của các cơ quan chuyên ngành liên quan thì không thể phát hiện ra hành vi vi phạm.
Để đảm bảo hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân, nhưng không bỏ sót các hành vi vi phạm của các doanh nghiệp tư nhân, cơ sở kinh doanh và cá nhân kinh doanh không chân chính, có thể gây tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của nguồn thu ngân sách và người tiêu dùng, ông đề nghị bổ sung cơ chế phối hợp giữa cơ quan thanh tra, kiểm tra với các cơ quan khác có liên quan vào nội dung khoản khoản 1, Điều 4 dự thảo Nghị quyết.
"Điều này để đảm bảo rằng việc thanh tra và kiểm tra không quá 1 lần trong năm, nhưng được tổ chức thực hiện một cách hiệu quả và không trùng lặp", ông Tuấn nói và cho rằng, việc này vừa hỗ trợ cho doanh nghiệp không mất thời gian phải tiếp các đoàn thanh tra, nhưng cũng giúp ngăn ngừa khả năng một số doanh nghiệp không chân chính sẽ lợi dụng để vi phạm pháp luật.
Đại biểu Đào Chí Nghĩa phát biểu tại tổ (Ảnh: Media Quốc hội).
Tham gia thảo luận, đại biểu Đào Chí Nghĩa (đoàn Cần Thơ) góp ý vào quy định miễn kiểm tra thực tế với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh tuân thủ tốt quy định pháp luật.
Đại biểu đánh giá ở quy định này chưa rõ tiêu chí để xác định doanh nghiệp tuân thủ tốt. "Nếu không có tiêu chuẩn cụ thể, quy định này có thể dẫn đến không minh bạch hoặc thiên vị trong việc áp dụng", ông Nghĩa nói.
Góp ý về quy định chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đại biểu Nghĩa cho rằng đây là quy định phù hợp với xu hướng cải cách nhưng thiếu cơ chế giám sát chặt chẽ và công cụ hỗ trợ (như hệ thống dữ liệu điện tử, công nghệ số). Do đó, có thể làm giảm hiệu quả quản lý, đặc biệt trong các lĩnh vực như an toàn thực phẩm, môi trường hoặc xây dựng.
Ứng xử hài hòa lợi ích giữa các nhóm doanh nghiệp
Làm rõ một vấn đề đại biểu nêu tại phiên họp tổ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, đối tượng của dự thảo Nghị quyết bao gồm các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Nói về việc ứng xử để hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp Nhà nước và người dân, giữa các hộ kinh doanh và các doanh nghiệp vừa và nhỏ với nhau, ông Thắng cho biết, đã nghiên cứu và tính toán rất kỹ việc này.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng (Ảnh: Media Quốc hội).
Theo ông Thắng, nội hàm trong 2 Nghị quyết của Chính phủ, của Quốc hội ban hành để triển khai Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị là để đảm bảo với mỗi đối tượng thì đều có chương trình, chính sách hỗ trợ.
"Với 5 triệu hộ kinh doanh, chúng ta mong muốn những hộ kinh doanh có thể lớn để sẵn sàng chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Hay đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ mà có thể lớn được, có cơ hội lớn được thì người ta cũng sẵn sàng phấn đấu để trở thành những doanh nghiệp vừa và lớn", ông Thắng nói.
Do đó, Bộ trưởng cho biết, dự thảo Nghị quyết đã có chính sách hỗ trợ cả những doanh nghiệp vừa, doanh nghiệp lớn. "Chúng tôi cũng rất là lo, nếu ưu ái quá đối với hộ kinh doanh thì người ta cũng không muốn lớn nữa. Hay ưu đãi doanh nghiệp vừa và nhỏ quá thì người ta cũng không muốn lớn", ông Thắng chia sẻ và cho biết, trong quá trình tham mưu, Bộ Tài chính đã nghiên cứu rất kỹ vấn đề này.
Theo tư lệnh ngành Tài chính, hiện nay cơ chế chính sách được nêu trong dự thảo Nghị quyết đang cố gắng "kéo" các chính sách ưu tiên giữa hộ kinh doanh và các doanh nghiệp vừa và nhỏ vào với nhau.
"Trước đây ứng xử với với hộ kinh doanh như thế nào thì bây giờ cũng phải có những quy định rõ ràng hơn để tránh việc lợi dụng và để hộ kinh doanh hoạt động minh bạch hơn", ông nói.
Nguyễn Thu Huyền