Tổng công ty Hàng hải Việt Nam sẽ tập trung đầu tư xây dựng cảng nước sâu và cảng trung chuyển. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) sẽ đầu tư nâng cấp hệ thống cảng biển, mở rộng đội tàu biển, chuyển đổi số, đẩy mạnh chuỗi dịch vụ logistics nhằm gia tăng lợi nhuận.
Thông tin trên được đưa ra tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 của VIMC vào sáng 9/7.
Theo ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị VIMC, dự báo thời gian tới tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Các chỉ số vận tải biển đã giảm mạnh về mức thấp nhất kể từ tháng 6/2020 do nhu cầu suy yếu và các rủi ro liên quan đến chính sách thương mại của Mỹ. Nhiều hãng tàu bắt đầu nối lại các tuyến dịch vụ qua Biển Đỏ.
Trong điều kiện đó, VIMC sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh xoay quanh các lĩnh vực thế mạnh như khai thác cảng container, logistics tích hợp, vận tải hàng rời, hàng nông sản, sắt thép... nhằm tạo thêm nguồn thu và lợi nhuận bổ trợ bên cạnh các mảng kinh doanh truyền thống, mục tiêu là vừa phát huy tối đa công suất hệ thống cảng hiện có, vừa tận dụng lợi thế đội tàu để gia tăng sản lượng vận tải.
VIMC chú trọng tối ưu hóa hiệu quả hoạt động tại các đầu mối quan trọng như cầu cảng, bãi cảng, đội tàu... thông qua việc nâng cao năng suất khai thác, rút ngắn thời gian xếp dỡ, quay vòng tàu; công tác quản lý chi phí sẽ được tăng cường, đặc biệt là chi phí vận hành đội tàu và khai thác container tại cảng, đảm bảo sử dụng nguồn lực tiết kiệm và hiệu quả.
“Song song với khai thác tối đa tài sản hiện hữu, VIMC sẽ đầu tư mở rộng năng lực để chuẩn bị cho giai đoạn tăng trưởng tiếp theo gồm việc đầu tư nâng cấp hệ thống cảng biển, mở rộng đội tàu container, tàu hàng rời và tàu dầu nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong tương lai,” ông Sơn nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Sơn cho biết Tổng công ty sẽ triển khai các hành động chuyển đổi quan trọng trong năm 2025, tập trung vào chuyển đổi số, cải tiến quy trình và nâng cao năng lực cạnh tranh. Những hành động này sẽ đặt nền móng giúp VIMC bứt phá trong thập kỷ tới, giữ vai trò dẫn dắt trong lĩnh vực hàng hải và dịch vụ logistics của Việt Nam.
Định hướng giai đoạn tới, VIMC sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực cho các dự án hạ tầng chiến lược, đặc biệt là xây dựng các cảng nước sâu, cảng trung chuyển quốc tế và hệ thống ICD tại các vùng kinh tế trọng điểm.
Tổng công ty cũng đầu tư đóng mới các tàu thế hệ mới, tàu kỹ thuật cao, ưu tiên phát triển đội tàu container hiện đại nhằm nâng cao năng lực vận tải biển của VIMC; xây dựng mô hình kinh doanh tập trung, linh hoạt, hướng tới khách hàng.
Về tái cơ cấu, doanh nghiệp này dự kiến đẩy mạnh chương trình cơ cấu lại doanh nghiệp với trọng tâm là các đơn vị hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài.
Đại hội cổ đông thường niên năm 2025 của VIMC cũng đã bầu ra bộ máy lãnh đạo mới. Đáng chú ý nhất là sự "đổi vai" giữa chủ tịch và tổng giám đốc.
Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh từ vị trí Tổng giám đốc được bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị, trong khi ông Lê Anh Sơn từ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị được bầu làm Tổng giám đốc VIMC.
Hội đồng quản trị Tổng công ty Hàng hải Việt Nam. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Trước đó, theo báo cáo của VIMC, năm 2024, VIMC vẫn vượt chỉ tiêu về sản lượng, doanh thu và lợi nhuận so với kế hoạch đề ra.
Cụ thể, sản lượng hàng hóa của công ty mẹ đạt gần 4 triệu tấn. Tổng doanh thu đạt 3.157 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 1.353 tỷ đồng.
Khối cảng biển tăng trưởng tốt với 145 triệu tấn hàng hóa thông qua, mang lại doanh thu 7.753 tỷ đồng, thu hút thêm được 10 tuyến dịch vụ container mới. Khối vận tải biển cũng đạt kết quả khả quan với sản lượng vận tải hơn 19 triệu tấn, tăng 22% so với kế hoạch; doanh thu đạt hơn 9.700 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với kế hoạch./.
(Vietnam+)