Tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của các địa phương, đặc biệt là kìm hãm sự tăng trưởng kinh tế của các thành phố lớn, trong đó có TP.HCM.
Vốn đầu tư công, với vai trò là đòn bẩy quan trọng cho phát triển hạ tầng, kích thích sản xuất và tạo động lực tăng trưởng, khi bị "nằm im" sẽ gây ra những hệ lụy đáng ngại đến sự phát triển kinh tế - xã hội.
Dự án cải tạo bờ Bắc kênh Đôi (Quận 8), một trong những dự án có vốn đầu tư công lớn của TP.HCM
Thực tế cho thấy, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công không chỉ là câu chuyện riêng của TP.HCM mà còn là vấn đề chung của cả nước. Vào thời điểm những tháng cuối năm, Thành phố lại phải lao vào cuộc ‘chạy nước rút’ để tăng tốc giải ngân nguồn vốn bị giam trong suốt thời gian qua. Nếu không đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công có thể dẫn đến các dự án bị kéo dài, đội vốn, giảm hiệu quả.
Điều này không chỉ làm lãng phí nguồn lực của Nhà nước, mà còn ảnh hưởng đến uy tín và hiệu quả của các chính sách đầu tư. Các công trình giao thông, hạ tầng kỹ thuật, y tế, giáo dục… khi không được triển khai đúng tiến độ sẽ gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.
Ngoài ra, vốn đầu tư công chậm được giải ngân đồng nghĩa với việc dòng tiền không được lưu thông hiệu quả trong nền kinh tế. Các doanh nghiệp tham gia các dự án đầu tư công gặp khó khăn về dòng tiền, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Không những vậy, tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công còn khiến các nhà đầu tư e ngại, do dự khi quyết định đầu tư vào các dự án.
Đối với một đô thị năng động và có vai trò đầu tàu kinh tế như TP.HCM, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công càng gây ra những hệ lụy nghiêm trọng. Trong khi nhu cầu đầu tư cho hạ tầng đô thị, giao thông, môi trường… của thành phố là rất lớn thì việc chậm giải ngân sẽ làm gia tăng áp lực lên hệ thống hạ tầng hiện hữu từ đó phát sinh ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân và sức hấp dẫn của thành phố đối với các nhà đầu tư.
Để khắc phục tình trạng này, cần có sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt của các sở, ban ngành thành phố. Tập trung tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, nâng cao năng lực của các nhà thầu, tăng cường giám sát, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao tính minh bạch và hiệu quả của việc sử dụng vốn cũng cần được chú trọng trong tương lai.
Giải ngân nhanh chóng và hiệu quả vốn đầu tư công là ‘chìa khóa’ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống người dân và nâng cao năng lực cạnh tranh của các thành phố lớn như TP.HCM. Nếu ‘cơn bệnh’ chậm giải ngân vốn đầu tư công không được trị dứt điểm có thể sẽ ‘di căn’ sang những lĩnh vực khác, từ đó kìm hãm sự tăng trưởng thành phố trong tương lai.
Trọng Nghĩa/VOV giao thông