'Vững tay chèo trước con sóng cả' của thị trường xuất khẩu sầu riêng

'Vững tay chèo trước con sóng cả' của thị trường xuất khẩu sầu riêng
7 giờ trướcBài gốc
Vừa qua, Trung Quốc áp dụng quy định 100% lô hàng sầu riêng từ Việt Nam và Thái Lan muốn xuất khẩu vào thị trường này phải có giấy kiểm định chất vàng O. Khi làm thủ tục xuất nhập khẩu, phía Trung Quốc sẽ tiếp tục lấy mẫu, kiểm tra 100% lô hàng, nếu không có dư lượng chất vàng O thì hàng mới được thông quan.
Lo ngại cánh cửa xuất khẩu thu hẹp
Ông Nghiêm Văn Giang, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX sầu riêng Long Bình (Bình Phước), cho rằng việc Trung Quốc tăng cường kiểm tra và yêu cầu về giấy kiểm định sẽ làm gia tăng thời gian, chi phí của các đơn vị xuất khẩu. Tuy nhiên, đã xác định xuất khẩu thì HTX buộc phải tuân thủ quy định của thị trường này đặt ra.
Không chỉ về chất vàng O mà trước đó, một số mã đóng gói, mã vùng trồng sầu riêng đã bị "đóng cửa" vì không đảm bảo quy định. Điều này cho thấy, nếu không kiểm soát kỹ chất lượng thì cánh cửa xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc và một số thị trường khác sẽ hẹp dần, bởi hành lang pháp lý, hàng rào kỹ thuật xuất khẩu sẽ ngày càng khắt khe và chặt chẽ hơn.
Điển hình như muốn xin giấy phép xuất khẩu sầu riêng hiện nay phải thành lập doanh nghiệp, HTX và phải có giao dịch với khách hàng Trung Quốc, phải xây dựng hệ thống quy trình, kiểm soát chất lượng, phải đảm bảo được truy vết vùng trồng, cụ thể là tìm được người cắt sầu riêng, đơn vị cắt sầu riêng, các loại thuốc, phân, nước đã sử dụng để chăm sóc cho cây…
Sầu riêng là một nông sản chủ lực của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc.
Ngược lại, nếu HTX, nhà vườn không kiểm soát được dư lượng kim loại nặng và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, không có nhật ký chăm sóc vườn, không có định vị vườn với diện tích bao nhiêu, vẫn có kim loại nặng trong đất-phân bón/thuốc vì dùng phân thuốc không rõ nguồn gốc thì chắc chắn diện tích sầu riêng đó rất dễ bị ép giá. Lúc này, thương lái, đơn vị thu mua có "quyền" hạ giá thu mua sầu riêng thấp hơn 10.000-20.000 đồng/kg.
Theo giới chuyên gia, xét về thị trường xuất khẩu sầu riêng, loại nông sản này của Việt Nam vẫn đang phải cạnh tranh gay gắt với sầu riêng Thái Lan khi những năm trước, ngay ở miền Đông Thái Lan đã có hơn 12.000 kho sầu riêng đạt chuẩn. Mỗi năm, Thái Lan xuất khẩu sang Trung Quốc hàng vạn container sầu riêng.
Đặc biệt, cùng thời điểm với Việt Nam, hơn 64 tấn sầu riêng Thái Lan cũng bị Trung Quốc trả lại vì nhiễm chất vàng O nhưng cách xử lý hậu trả về của nước này là tiêu hủy bằng cách chôn lấp trước sự chứng kiến của các cơ quan báo chí vào ngày 7/2 và việc Bộ Nông nghiệp Thái Lan rút giấy phép 26 cơ sở xuất khẩu cho thấy sự mạnh tay của chính quyền trong xây dựng thương hiệu cũng như xuất sầu riêng sang Trung Quốc.
Ngoài Thái Lan, thời gian gần đây, đối thủ đáng gờm khác phải kể đến là Lào với lợi thế gần biên giới Trung Quốc, chi phí vận chuyển thấp hơn so với Việt Nam…
Liên kết để đi đường dài
Để đi đường dài trong xuất khẩu sầu riêng, hướng đi tốt nhất được các ngành chức năng, chuyên gia đề cập vẫn là các hộ dân, nhà vườn tham gia liên kết thành lập HTX với mục tiêu sản xuất kinh doanh minh bạch, quy tắc ứng xử rõ ràng, quá trình hành xử đúng luật.
Các HTX phải xác định được mục tiêu rõ ràng đó là sản xuất theo tiêu chuẩn nào, sản lượng rõ ràng trên mỗi ha, tỷ lệ phần trăm sản lượng dự kiến cho từng loại sầu riêng đạt chuẩn A, B, C, D hay hàng dạt…
Đặc biệt, để tham gia xuất khẩu, HTX phải có diện tích sản xuất lớn và có cam kết đồng thuận của các thành viên trong thực hiện quy trình trồng và các quy định liên quan trong xuất khẩu, vận hành HTX. Từ đây, HTX cũng đủ sản lượng sầu riêng lớn để ký hợp đồng xuất khẩu với các doanh nghiệp hoặc trực tiếp xuất khẩu.
TS Võ Thị Kim Sa, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn 2, cho biết tham gia HTX, các thành viên phải chấp nhận đóng phí. Điều này không nên coi là rào cản mà đóng phí là để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của chính HTX từ họp hành, đến lấy các mẫu xét nghiệm, tư vấn, đào tạo, tham quan trực tiếp các vùng trồng hay cơ sở sản xuất hiệu quả...
“Có tham quan những vùng sản xuất của các đối tác, thậm chí các vùng trồng ở nước ngoài như vùng trồng sầu riêng ở Thái Lan, các thành viên HTX mới thấy được điểm khác và chưa hoàn thiện trong quy trình sản xuất của mình để tham khảo, rút kinh nghiệm và có hướng đi phù hợp”, TS Võ Thị Kim Sa dẫn chứng.
Hơn nữa, khi tham gia HTX và sản xuất trên quy mô lớn, giá mua vật tư đầu vào sẽ được chiết khấu ít nhất 5-15% với nhà cung cấp, khác hoàn toàn so với mua lẻ bên ngoài. Lúc này, các yêu cầu về hồ sơ nhập khẩu phải có nguồn gốc rõ ràng, có bản kiểm nghiệm hàng hóa cho từng lô hàng xuất khẩu cũng trở nên đơn giản khi Ban giám đốc HTX có thể liên hệ ngược lại với các đơn vị cung cấp vật tư để họ tham quan, đánh giá và đưa ra các bản cung cấp quy trình sản xuất vật tư đầu vào.
Đặc biệt, khi làm việc theo HTX sẽ thường có đội ngũ kỹ sư tư vấn do HTX tự thành lập hoặc doanh nghiệp liên kết hỗ trợ. Lúc này, HTX sẽ tính toán được quy trình sản xuất, tỷ lệ từng loại trái đạt tiêu chuẩn A/B/C/D… tổng chi phí trên mỗi tấn sầu riêng, chi phí cho từng loại như phân, thuốc, nhân công, vận chuyển, chi phí đánh giá chất lượng,… trên sản lượng. Từ đó, hàng rào pháp lý về dư lượng kim loại nặng, thuốc bảo vệ thực vật, ngoại quan của quả sầu riêng, đóng gói sẽ được cụ thể theo từng thị trường xuất khẩu, tiêu thụ.
Một minh chứng là việc tính được mùa vụ dựa trên điều kiện thời tiết khí hậu của một số HTX ở Đồng Nai hiện nay thông qua xác định thời điểm ra hoa, thời điểm rải vụ theo từng diện tích nên từ đầu năm đến cuối năm, HTX luôn có sầu riêng tiêu thụ trong nước và phục vụ xuất khẩu.
Bên cạnh đó, HTX cũng là đại diện pháp lý quan trọng để lập hồ sơ đăng ký mã số vùng trồng theo quy định của Trung Quốc, châu Âu, Mỹ. Đặc biệt, quy định hiện nay là mã vùng trồng và mã đóng gói sẽ phải đăng ký tên tổ chức, cá nhân xuất khẩu hoặc ủy quyền cho các đơn vị khác xuất khẩu sử dụng mã vùng trồng, mã đóng gói của mình theo số lượng dự kiến.
Điều này cho thấy, các hộ nông dân phải hợp tác, thành lập HTX, từ đó mới thuận lợi trong việc làm việc với cơ quan quản lý trong đăng ký mã vùng trồng. Và khi có được điều này, HTX, đơn vị xuất khẩu sẽ nắm được sản lượng tối đa, thời gian thu hoạch với cơ quan quản lý. Và HTX muốn bán cho ai, đơn vị nào thì đơn vị thu mua cũng phải đưa ra được hợp đồng/ ủy quyền với mã đóng gói. Còn nếu hộ dân làm ăn nhỏ lẻ, không có mã số vùng trồng, không cung cấp được hợp đồng đóng gói thì sản phẩm rất khó xuất khẩu.
Huyền Trang
Nguồn Vnbusiness : https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/vung-tay-cheo-truoc-con-song-ca-cua-thi-truong-xuat-khau-sau-rieng-1104940.html