Xã Vĩnh Lộc, TP.HCM: Nơi nghĩa cử tri ân được bồi đắp mỗi ngày

Xã Vĩnh Lộc, TP.HCM: Nơi nghĩa cử tri ân được bồi đắp mỗi ngày
12 giờ trướcBài gốc
Xã Vĩnh Lộc, TP.HCM - vùng đệm nằm giữa căn cứ Vườn Thơm với địa đạo Củ Chi huyền thoại, từng là địa bàn trọng yếu trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nơi đây, giữa những rặng tràm và cánh đồng bưng biền, đất và người đã từng oằn mình trong mưa bom, bão đạn.
Nhắc đến xã Vĩnh Lộc, người ta không thể quên “Đêm trắng Vĩnh Lộc” - ký ức bi tráng của một thời máu lửa. Ngày 15-6-1968, tại đìa Dứa - bưng Láng Sấu, 32 dân công hỏa tuyến - phần lớn là nữ thanh niên trẻ tuổi đã mãi mãi nằm lại sau trận oanh kích ác liệt của phía Mỹ.
Xã Vĩnh Lộc - mảnh đất từng đỏ lửa chiến tranh nay rộn rã tiếng trẻ thơ trong lớp học mới, ấm áp tình làng nghĩa xóm trong từng ngôi nhà vững chãi, nơi truyền thống “uống nước nhớ nguồn” được gìn giữ bằng những hành động cụ thể, thiết thực từ chính quyền và người dân địa phương.
Nhân dịp 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2025), chúng tôi trở lại Vĩnh Lộc để lắng nghe những câu chuyện hào hùng, sống động về lòng quả cảm, sự hy sinh thầm lặng của những người đã cống hiến cả tuổi trẻ, cả gia đình cho đất nước.
Ngọn đèn nhỏ giữa ký ức bưng Láng Sấu
Chúng tôi tìm đến một căn nhà khang trang nằm sâu trong con hẻm nhỏ ở xã Vĩnh Lộc, TP.HCM. Bà Nguyễn Thị Khỏi, 82 tuổi, nữ dân công hỏa tuyến từng tham gia tải thương trong kháng chiến đang ngồi lặng lẽ trên chiếc ghế tre, ánh mắt xa xăm hướng về cánh đồng xưa, nơi ký ức một thời vẫn chưa ngủ yên.
Bà Nguyễn Thị Khỏi - một trong những nữ dân công còn sống sót sau trận càn đêm 15-6-1968. Ảnh: THẢO HIỀN
Bà Khỏi là một trong những nhân chứng sống còn lại của trận oanh kích đêm 15-6-1968 tại bưng Láng Sấu. Đêm ấy, 32 đồng đội của bà hầu hết là thiếu nữ tuổi trăng tròn đã mãi mãi nằm lại giữa đồng nước sình lầy.
Đạn nổ sát bên, nước tung lên từng cột. Có người vừa ngoi lên gọi ‘má ơi!’ là gục luôn.
Tôi nằm gần hai chị đã có chồng con. Chị nắm tay tôi, khóc: ‘Đứa nào sống thì nhắn má tao lo cho con tao với". Câu nói đó, hơn nửa thế kỷ sau, vẫn khiến tôi nhắm mắt không yên.
Bà NGUYỄN THỊ KHỎI
“Nay tôi còn sống là để nhớ giùm tụi nó” - bà nói, mắt không rời khỏi vùng trời phía cánh đồng xưa.
Phần lớn người trong đoàn dân công hỏa tuyến năm ấy chỉ mới 16, 17 tuổi. Riêng bà Khỏi 24 tuổi. Họ là những cô gái nông dân, chưa quen với súng đạn, chỉ biết "yêu quê hương như yêu đồng lúa chín".
“Trai làng lúc đó vô bộ đội hết rồi. Làng chỉ còn lại tụi tui là con gái, mấy cụ già, trẻ nhỏ. Ai cũng tự nguyện xin đi. Không ai rủ ai. Nghe có lệnh là khăn gói lên đường” - bà kể.
Ngày 15-6-1968, vào khoảng 22 giờ 30, 55 dân công tập trung tại ngã tư Tân Hòa 1 để nhận nhiệm vụ tải thương binh từ bưng Cát, vượt đồng dứa bưng Láng Sấu xuống Bình Thủy (Long An), rồi từ đó tải súng đạn về Sài Gòn-Gia Định. Trời tối đen như mực. Đường đi lầy lội, bùn ngập tới bụng. Có đoạn phải lội qua đầm nước, cỏ hoang cao quá đầu. Nhưng tất cả đều im lặng, không ai than vất vả. Chỉ biết lặng lẽ bước, lặng lẽ gánh vác trách nhiệm.
“Có anh thương binh nằm cáng, tụi tui phải giơ lên khỏi đầu để ảnh khỏi ướt. Có lúc sụp lún, chân kéo không lên nổi. Vậy mà chị em vẫn ráng gượng” - bà bồi hồi nhớ lại chuyện xưa.
Khi đoàn vừa tới mé bờ kinh bưng Láng Sấu thì máy bay địch bất ngờ quần thảo. Ánh pháo sáng rọi trắng mặt nước, vạch rõ từng bóng người đang cố nép mình trong bụi dứa dại. “Tụi tui nhào xuống nước, chui vô đìa dứa, nằm sát bùn. Nhưng đông người quá, nước chao đảo, địch phát hiện ngay” - dòng ký ức chảy tràn trong trí nhớ bà Khỏi.
Ngay sau đó, loạt đạn rốc-két bắt đầu trút xuống. Bà Khỏi ngụp xuống nước, chỉ dám ló mũi lên để thở rồi lại lặn ngay. “Đạn nổ sát bên, nước tung lên từng cột. Có người vừa ngoi lên gọi ‘má ơi!’ là gục luôn. Tôi nằm gần hai chị đã có chồng con. Chị nắm tay tôi, khóc: "Đứa nào sống thì nhắn má tao lo cho con tao với…""- Câu nói đó, hơn nửa thế kỷ sau vẫn theo bà.
Trong hỗn loạn, bà bươn ra khỏi đìa dứa. Gần đó có một người bạn gái cùng đoàn. Hai người nhìn thấy nhau, cùng hét lên “Chạy!”. Nhưng trực thăng địch đã áp sát ngay trên đầu người bạn. Bà không biết bạn còn sống hay đã ngã xuống lúc ấy. Chỉ biết mình tiếp tục chạy. “Không chạy thì chết. Nhưng chạy giữa đồng bưng, đạn rít trên đầu… tim như đứng lại từng nhịp”.
Đến sáng, người dân ra tìm. Trước mắt là cảnh tượng tang thương: 32 người nằm lại, 25 nữ, 7 nam. Có người chỉ mới tham gia dân công ba ngày. Xác người nằm lẫn trong bùn, tóc rối vướng vào dứa, tay vẫn ôm chặt chiếc võng.
“Không ai trách móc. Ai cũng hiểu, tụi nó đi vì đất nước. Tụi nó không chết, tụi nó hóa thành đất, thành sông, thành tên đường…” - bà Khỏi nghẹn giọng.
Cán bộ UBND xã Vĩnh Lộc đều đặn 1-2 tuần ghé nhà bà Khỏi thăm hỏi. Ảnh: THẢO HIỀN
Nơi 32 người ngã xuống giờ là Khu di tích lịch sử dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc. Trong nhà tưởng niệm có hai tấm bia khắc tên họ, trang nghiêm nhưng lặng buồn. Đường mòn năm xưa mà họ từng đi, giờ được đặt tên là Đường Nữ Dân Công. Cái tên mộc mạc, giản dị nhưng là niềm kiêu hãnh lớn lao.
Giữa sự bình yên của làng quê xã Vĩnh Lộc hôm nay, có một bà lão tóc bạc, mỗi sáng vẫn ngồi trước hiên nhà, tay run run đặt lên ngực, mắt nhìn về phía cánh đồng. Bà ngồi đó nâng niu lời hứa với những người bạn đã nằm lại từ cái đêm trắng năm ấy: “Tao sẽ không bao giờ quên tụi bây…”.
Bàn thờ không có hình, mẹ thắp nhang bằng nỗi nhớ
Chiến tranh nay đã lùi xa, đất nước có được độc lập, tự do và thống nhất là nhờ vào những hy sinh mất mát to lớn của các anh hùng liệt sỹ, đặc biệt là sự hy sinh thầm lặng của các Mẹ Việt Nam anh hùng.
Chúng tôi đến thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Á, sinh năm 1929 (xã Vĩnh Lộc A cũ, nay là xã Vĩnh Lộc, TP.HCM) vào một buổi trưa tháng Bảy, thời điểm cả nước tưởng nhớ công lao những người đã ngã xuống vì độc lập dân tộc. Mẹ Á sống trong căn nhà tình nghĩa của UBND huyện Bình Chánh (cũ) trao tặng hơn 20 năm nay. Hỏi Mẹ có nhớ căn nhà xây năm nào, Mẹ cười nhẹ: “Lâu quá rồi, quên mất rồi con ơi”.
Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Á là mẹ của liệt sĩ Nguyễn Văn Đức, người con trai hy sinh khi mới vừa tròn 20 tuổi. Nỗi đau mất con chưa nguôi, Mẹ Á còn phải gánh thêm nỗi mất mát lớn lao khi chồng Mẹ, ông Nguyễn Văn Thành, cũng là một chiến sĩ cách mạng, mãi mãi không trở về.
Mẹ Nguyễn Thị Á được trao tặng Danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng năm 2015. Ảnh: THẢO HIỀN
Theo lời kể của Mẹ Á, ông Thành nhập ngũ vào khoảng năm 1968. Không lâu sau đó, người con trai thứ ba là anh Nguyễn Văn Đức cũng nối bước cha, lên đường nhập ngũ. Cả hai người thân yêu ấy đều ngã xuống trong cuộc chiến tranh giữ nước, để lại Mẹ sống lặng lẽ với ký ức, tình yêu và nỗi nhớ.
“Hồi đó chồng với con cùng đi bộ đội, tôi ở nhà làm lụng. Nghe tin đơn vị báo người thân hy sinh, đau lắm… mà cũng chẳng biết lấy ai để mà khóc cùng” - Mẹ nói rồi im lặng một hồi lâu.
Sau chiến tranh, trải qua nhiều lần dọn nhà, hỏa hoạn và thiếu thốn, đến nay Mẹ Á không còn giữ được bất kỳ bức ảnh nào của chồng và con trai. Ngay cả bàn thờ cũng không có tấm hình nào để thắp nhang tưởng nhớ. “Không còn gì hết, chỉ còn ký ức trong đầu” - Mẹ nghẹn ngào nói.
Bàn thờ không ảnh, Mẹ Á thắp nhang cho chồng và con bằng ký ức trong tim. Ảnh: TRẦN MINH
Nhắc đến sự quan tâm của chính quyền địa phương, Mẹ xúc động nói: “Nhờ có Nhà nước, chính quyền mà Mẹ có căn nhà tình nghĩa này để ở, hằng tháng còn được hưởng chế độ Mẹ Việt Nam anh hùng. Chứ giờ già yếu, không có sự giúp đỡ đó thì không biết xoay xở thế nào”.
Với Mẹ, sự quan tâm của chính quyền, các đoàn thể và con cháu chính là nguồn động viên lớn nhất, giúp Mẹ vơi đi phần nào nỗi nhớ và sự thiếu vắng những người thân yêu.
Giữ đạo lý tri ân là trách nhiệm
Xã Vĩnh Lộc là một vùng đất từng chịu nhiều hy sinh, mất mát trong các cuộc kháng chiến, có nhiều gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công. Với chúng tôi, việc chăm lo cho các đối tượng chính sách không chỉ là trách nhiệm, mà còn là đạo lý, là nét đẹp được gìn giữ và phát huy qua nhiều thế hệ.
Đảng ủy, UBND xã Vĩnh Lộc luôn quan tâm thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với người có công, đảm bảo đúng, đủ, kịp thời, minh bạch. Cụ thể, UBND xã thường xuyên rà soát, thẩm định và chi trả các khoản trợ cấp, cấp thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ điều dưỡng phục hồi sức khỏe cho người có công, tổ chức họp mặt, thăm hỏi, tặng quà nhân các dịp lễ, Tết.
Song song đó, xã cũng quan tâm thực hiện công tác xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn cùng chung tay chăm lo. Chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ xuyên suốt, cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân.
Đảng ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Vĩnh Lộc đến thăm hỏi Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Á. (Ảnh do UBND xã cung cấp)
Không chỉ dừng lại ở vật chất, địa phương xã Vĩnh Lộc cũng đặc biệt chú trọng đến yếu tố tinh thần. Hằng năm, xã tổ chức lễ viếng, thắp nến tri ân tại các đài tưởng niệm, khu mộ liệt sĩ, mời thân nhân, gia đình người có công tham dự. Các trường học trên địa bàn cũng được lồng ghép nội dung giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” thông qua hoạt động ngoại khóa, kể chuyện lịch sử, thăm Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình liệt sĩ… để thế hệ trẻ hiểu và biết trân quý những hy sinh của cha anh.
Đặc biệt, vào dịp 27-7 năm nay, xã Vĩnh Lộc tổ chức các đoàn đến nhà thăm hỏi, tri ân Mẹ Việt Nam anh hùng, thương - bệnh binh; đồng thời biểu dương các cá nhân, tập thể có nhiều đóng góp trong công tác “Đền ơn đáp nghĩa”. Đây là dịp để chúng tôi không chỉ tưởng nhớ mà còn lan tỏa tinh thần tri ân trong cộng đồng, giúp các giá trị truyền thống tiếp tục được giữ gìn và phát huy trong đời sống hiện đại.
Chúng tôi tin rằng tri ân không phải là hành động nhất thời theo dịp lễ, mà cần được duy trì thường xuyên, trở thành một nét văn hóa trong ứng xử hằng ngày. Càng phát triển đô thị, càng hội nhập sâu rộng, thì đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” lại càng cần được bồi đắp. Đó cũng là cách mà người dân xã Vĩnh Lộc hôm nay gìn giữ ký ức, giữ lấy gốc rễ của lòng yêu nước và nghĩa tình.
Ông TRẦN HUỲNH ANH, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc, TP.HCM
THẢO HIỀN - TRẦN MINH
Nguồn PLO : https://plo.vn/video/xa-vinh-loc-tphcm-noi-nghia-cu-tri-an-duoc-boi-dap-moi-ngay-post862502.html