Nhìn vào thực tiễn tại TP Hà Nội, trong thời gian qua, từ TP đến cơ sở đã thực hiện đầy đủ, nghiêm túc việc công khai, minh bạch những thông tin người dân cần biết và được biết theo đúng quy định. Trong đó, các đơn vị đã cập nhật, hướng dẫn rõ ràng toàn bộ các quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các chính sách... trên trang thông tin điện tử của các đơn vị. Các quy trình, thủ tục giải quyết công việc, các chế độ, định mức... đều được công khai bằng nhiều hình thức. TP cũng tăng công khai, minh bạch trong quy hoạch, thông tin đấu giá quyền sử dụng đất, các dự án thu hồi đất...
Giải quyết thủ tục hành chính tại điểm phục vụ hành chính công phường Tây Hồ. Ảnh: Thanh Hải
Thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”, tại cơ sở, mọi hoạt động quản lý hành chính, nhất là trong công tác thực hiện đầu tư; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đều được công khai... đã tạo điều kiện cho người dân giám sát, phòng ngừa các vi phạm. Đồng thời, tiến hành các đoàn kiểm tra đột xuất về công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng... kịp thời phát hiện một số sai phạm, sơ hở trong quản lý để chấn chỉnh ngay.
Chỉ tính riêng từ 1/7/2025 đến nay, khi cấp xã mới đi vào hoạt động theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, việc tập trung xử lý vi phạm trong đất đai, trật tự xây dựng đã được thúc đẩy theo hướng chủ động, minh bạch. Trong đó, nhiều đơn vị đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ vai trò của người dân, tổ dân phố và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc phát hiện và phản ánh kịp thời các hành vi vi phạm. Tại nhiều địa bàn như phường Định Công, xã Hồng Vân, Quốc Oai…, mô hình "giám sát cộng đồng" bước đầu phát huy hiệu quả. Người dân chủ động gửi ảnh, video phản ánh về vi phạm lên các nhóm zalo của tổ dân phố hoặc báo trực tiếp cho UBND xã, phường. Các cơ chế tiếp nhận và phản hồi thông tin cũng được rút gọn tối đa, nhờ đó chính quyền cơ sở xử lý kịp thời ngay từ khi công trình có dấu hiệu vi phạm.
Hiện nay, với sự phân cấp, phân quyền mạnh mẽ xuống cấp xã mới, đã giúp định hình rõ hơn trách nhiệm và năng lực xử lý tại từng đầu mối. Người dân có thể nhận diện rõ “một điểm đến – một cấp giải quyết – một cấp chịu trách nhiệm” và tránh tình trạng đùn đẩy, vòng vo, đồng thời cũng góp phần tăng công khai, minh bạch để dân giám sát. Nhìn từ Hà Nội, tại các điểm phục vụ hành chính công của các xã, phường trên địa bàn TP, các đơn vị đã chủ động bố trí thêm cán bộ hướng dẫn nộp hồ sơ trực tuyến, tư vấn pháp lý, hỗ trợ các nhóm yếu thế… Đây là bước đi kịp thời, để cán bộ cấp xã chuyển mình mạnh mẽ theo hướng đổi mới cách nghĩ, cách làm và cách phục vụ, bảo đảm công tác giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, DN được tốt nhất.
Đặc biệt, việc giám sát cá nhân người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ, đảng viên về thực hiện quy định nêu gương tiếp tục được thúc đẩy; thu hút người dân quan tâm theo dõi, phản ánh những biểu hiện chưa đúng trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên... Để tiếp tục tăng sự kết nối, tương tác giữa người dân và chính quyền, TP Hà Nội tiếp tục thúc đẩy ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHanoi), tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị từ người dân một cách minh bạch, nhanh chóng và hiệu quả. Đồng thời, TP tiếp tục yêu cầu công bố thông tin số điện thoại đường dây nóng, hòm thư điện tử… của đơn vị có trách nhiệm tiếp nhận, phản hồi kiến nghị của tổ chức, cá nhân về việc chậm trễ xử lý các hồ sơ "làn xanh" và ấn định thời gian phải giải quyết.
Đây là cơ sở quan trọng để gỡ những “điểm nghẽn” phát sinh, cải thiện môi trường kinh doanh, khơi thông nhiều nguồn lực trong thời điểm hiện nay. Không chỉ ở cấp TP, các đơn vị, cơ sở cũng thường xuyên nắm bắt phản ánh, kiến nghị của công dân qua các kênh, nhất là trên môi trường số, để người dân có thể phản ánh nhanh chóng, thuận tiện những kiến nghị trong đời sống xã hội, đặc biệt là liên quan đến cải cách hành chính. Qua đó không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ hành chính, tăng sự hài lòng, nâng cao hơn nữa tính chuyên nghiệp.
Trần Hà