Theo đó, hội thảo tập trung vào các nội dung trọng tâm gồm: Khởi động tiến trình thành lập Trung tâm hợp tác công nghệ y sinh Việt Nam - Cuba tại tỉnh Lâm Đồng, hướng tới phát triển khu công nghệ cao sinh học; khẳng định vai trò cầu nối của tỉnh Lâm Đồng trong chuỗi đổi mới y tế - khoa học - nông nghiệp dựa trên tài nguyên bản địa.
Các đại biểu Việt Nam và Cuba chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo
Hội thảo không chỉ là diễn đàn kết nối trực tiếp các cơ quan quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức khoa học công nghệ y sinh hàng đầu của 2 nước nhằm đề xuất, thảo luận nội dung và cơ chế hợp tác, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, trao đổi chuyên gia, phát triển sản phẩm ứng dụng trên cơ sở các phát minh, sáng chế, giải pháp kỹ thuật có tiềm năng thương mại hóa của các nhà khoa học Cuba như điều trị bệnh ung thư, đột quỵ, tiểu đường, chăm sóc sức khỏe cộng đồng và nông nghiệp công nghệ cao mà còn là cơ hội để Lâm Đồng vươn mình trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo y sinh của miền Nam và cả nước.
Cuba không chỉ là là quốc gia đầu tiên trên thế giới phát triển thành công vaccine điều trị ung thư phổi Cimavax-EGF mà còn hoàn toàn tự chủ trong việc nghiên cứu, sản xuất và phân phối vaccine COVID-19 Abdala và Soberana.
Tập đoàn BioCubaFarma của đất nước này hiện là tập đoàn công nghệ sinh học lớn thứ 6 thế giới, bao gồm 34 công ty con và sở hữu hơn 2.000 bằng sáng chế, cung cấp 60% danh mục thuốc thiết yếu quốc gia của Cuba và xuất khẩu sản phẩm đến hơn 50 quốc gia trên thế giới.
Hệ thống y tế Cuba cũng được thế giới công nhận với 6,7 bác sĩ trên 1.000 dân (cao gấp đôi so với Mỹ), tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh thấp nhất Mỹ Latinh và tuổi thọ trung bình cao thứ hai trong khu vực.
Lâm Đồng cũng là địa phương có nhiều kinh nghiệm trong việc hợp tác phát triển công nghệ sinh học với Cuba như: Hợp tác sản xuất vaccine Heberbiovac HB phòng viêm gan B và vaccine Quimi Hib phòng viêm màng não mủ giữa Công ty TNHH MTV Vắc xin Pasteur Đà Lạt (DAVAC) với Trung tâm Kỹ thuật Di truyền và Công nghệ sinh học (CIGB) năm 2019; Hợp tác nghiên cứu phát triển vaccine Thương hàn Vi cộng hợp giữa DAVAC với Viện Finlay của Cuba trong khuôn khổ Chương trình phát triển sản phẩm Quốc gia vào năm 2015 - 2019…
Lâm Đồng hiện có 1.247 loài thực vật có giá trị dược liệu (gần 40% tổng số loài dược liệu của cả nước). Khu Dự trữ sinh quyển LangBiang của tỉnh đã được UNESCO công nhận năm 2015, là một trong những trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học quan trọng nhất của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, là nơi lưu giữ nguồn gen quý hiếm của nhiều loài dược liệu có giá trị kinh tế cao. Năng lực y tế, nông nghiệp, đào tạo và nghiên cứu của tỉnh Lâm Đồng cũng đang có những bước phát triển rõ nét.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng đã đầu tư trang thiết bị hiện đại; tích cực trao đổi chuyên môn và tiếp nhận chuyển giao các kỹ thuật cao từ những bệnh viện lớn trên cả nước. Lâm Đồng cũng là địa phương có chỉ số phát triển con người (HDI) cao, môi trường sống an toàn, ổn định và những chính sách thu hút nguồn nhân lực chuyên môn cao hấp dẫn. Nông nghiệp công nghệ cao là một trong những thế mạnh nổi bật của tỉnh và hiện nay đang đóng góp đáng kể cho tổng GRDP của địa phương.
Đặc biệt, sau khi sáp nhập 3 tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Thuận và tái tổ chức địa giới hành chính, tỉnh Lâm Đồng mới trở thành tỉnh có diện tích lớn nhất Việt Nam, top 10 địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước, là tỉnh vừa có đường biên giới với Campuchia vừa giáp biển, với dân số khoảng 3,3 triệu người và bờ biển dài 192km, tạo nên lợi thế về thị trường tiêu thụ nội địa và khả năng kết nối xuất khẩu ra thế giới.
Với lợi thế về khí hậu, hạ tầng giáo dục - y tế, cùng nguồn dược liệu tự nhiên và vị trí chiến lược tại vùng kinh tế phía Nam, Lâm Đồng có đầy đủ điều kiện để phát triển trở thành một trung tâm y sinh công nghệ cao. Việc hợp tác với Cuba, quốc gia có nền công nghệ y sinh hàng đầu thế giới là bước đi chiến lược đầu tiên trong lộ trình này.
Ông Trần Hồng Thái - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng
Tại hội thảo, Viện Kinh tế Xanh và Tập đoàn Labiofam (Cuba) đã kí Hợp đồng khung hợp tác toàn diện về việc cùng hợp tác nghiên cứu, phát triển, sản xuất và thương mại các sản phẩm, công trình nghiên cứu công nghệ sinh học nông nghiệp và y học tự nhiên phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân và phát triển nông nghiệp bền vững.
Trong đó, có các sản phẩm nổi tiếng của Cuba như sản phẩm hỗ trợ bệnh nhân ung thư từ nọc bọ cạp xanh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, phân bón vi sinh, mỹ phẩm thiên nhiên... Viện Kinh tế Xanh cũng ký Biên bản ghi nhớ hợp tác toàn diện với Trung tâm kĩ thuật gien và công nghệ sinh học CIGB (Công ty BioCubafarma - Bộ Y tế) về việc cùng hợp tác nghiên cứu, phát triển, sản xuất và thương mại các sản phẩm, công trình nghiên cứu công nghệ sinh học nông nghiệp trong đó nổi bật là các loại vắc xin dành cho động vật gia súc gia cầm thủy hải sản, chế phẩm bảo quản thực phẩm sinh học...
Ông Trần Lưu Quang - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Chính sách, chiến lược Trung ương đánh giá: “Trung ương Đảng và Chính phủ rất hoan nghênh sự chủ động, tầm nhìn chiến lược và quyết tâm hành động của tỉnh - một địa phương đang vươn lên mạnh mẽ không chỉ bằng thế mạnh thiên nhiên, mà còn bằng khát vọng phát triển dựa trên tri thức và công nghệ. Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của Lâm Đồng trong việc xác lập mục tiêu trở thành trung tâm y sinh của quốc gia và khu vực - một hướng đi vừa phù hợp với bối cảnh toàn cầu, vừa mang tính bền vững và nhân văn”.
Lãnh đạo Trung ương và tỉnh Lâm Đồng, cùng đoàn đại biểu Cuba chứng kiến việc kí Hợp đồng khung hợp tác toàn diện giữa Viện Kinh tế Xanh và Tập đoàn Labiofam (Cuba)
Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vừa được Quốc hội khóa XV đã thông qua (ngày 27/6/2025) đã xác định doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo, đồng thời quy định Nhà nước sẽ tập trung xây dựng hạ tầng nghiên cứu và các chính sách hỗ trợ.
Điểm mới quan trọng của Luật là lần đầu tiên cho phép nghiên cứu mạo hiểm thông qua cơ chế thử nghiệm có kiểm soát và chia sẻ rủi ro. Luật đặc biệt khuyến khích khu vực tư nhân tham gia phát triển công nghệ thông qua các ưu đãi đầu tư, cơ chế tài chính đặc thù và chính sách hỗ trợ chuyển giao công nghệ.
Luật cũng ưu tiên phát triển các lĩnh vực công nghệ chiến lược và có chính sách thu hút nhân tài khoa học. Khi Luật có hiệu lực từ tháng 10/2025 tới, sẽ tạo khung pháp lý mới thúc đẩy sự hợp tác giữa khu vực công và tư trong phát triển khoa học công nghệ của đất nước.
Với nhiều chính sách đổi mới là cơ hội thuận lợi để Lâm Đồng trở thành mô hình minh chứng sinh động cho việc thực hiện "bộ tứ" Nghị quyết trụ cột của Bộ Chính trị, nơi kinh tế tư nhân dẫn dắt, chính sách công hỗ trợ, hội nhập quốc tế chủ động và thể chế đột phá được thử nghiệm một cách có kiểm soát để phục vụ mục tiêu phát triển thịnh vượng, bền vững.
AN NHIÊN